Covid-19: Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất

Ông Nguyễn Ngọc Thành Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành điện tử, dệt may, da giày là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo Bộ Công Thương, sau Quý I năm nay, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi. Đến nay, chuỗi nguồn cung đã gần như trở lại như cũ. Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn sau đại dịch về nguồn tiêu thụ sản phẩm như: kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế; bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành như dệt may, gạo, da giày nhằm đáp ứng nguồn cung để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020... Ngoài ra, Lãnh đạo Bộ cũng đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, doanh nghiệp của nước ngoài tránh tình trạng đứt gãy kết nối với doanh nghiệp, giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với các đối tác mới, thị trường mới. Về thuế, phí, Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ các chính sách tháo gỡ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, lùi thời hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, tận dụng các cơ hội khi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực...

Dệt may bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Dệt may bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Liên quan đến công tác quản lý thị trường (QLTT) thời điểm cuối năm, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, thực tế, công tác chống buôn lậu, kiểm soát thị trường được QLTT triển khai quanh năm liên tục. Những cuối năm, tình hình buôn bán, hàng giả, hàng nhái diễn ra phức tạp hơn, nhất là năm nay là năm diễn ra dịch Covid, chủ yếu tập trung hàng y tế. Thời điểm này, việc chuẩn bị hàng hóa dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền cũng được đẩy mạnh, do đó, hàng hóa cần kiểm soát chặt hơn.

Trước tình hình hàng giả diễn biến phức tạp, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT tiếp tục triển khai các chương trình kế hoạch của Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Ban chỉ đạo tập trung vào các mặt hàng nóng trọng điểm như thuốc lá điếu, xì gà rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… vì đây là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng cục trưởng nhấn mạnh, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ…

Liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Phó Vụ trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên bám sát tình hình cung cầu giá cả, đồng thời phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng…để có thể ưu tiên kịp thời, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong thời gian tới.

Hoàng Lê

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/covid-19-det-may-la-mot-trong-nhung-nganh-bi-anh-huong-nhieu-nhat-d179667.html