Covid 19 đã gây khó khăn những cũng tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ

Phát biểu tại Hội nghị giao thương trực tuyến 'Việt Nam - Ấn Độ: Mô hình hợp tác mới trong hoàn cảnh Covid 19' do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Assocham) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại các đầu cầu Hà Nội - New Delhi - Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/6, chị Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Đông Nam Á – Nam Á và Hợp tác khu vực, Vụ Thị trường châu Á – châu phi cho biết: 'Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam và Ấn Độ, trong đó có thương mại song phương giữa hai nước'.

Theo chị Mai Anh, trong quý đầu tiên, nhiều nhà máy ở Việt Nam, đặc biệt là các ngành dệt may, giày dép và ô tô đã phải hoạt động dưới khả năng hoặc thậm chí phải ngừng sản xuất vì không có nguyên liệu thô. Sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu vào một vài đối tác nhất định sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các hoạt động sản xuất trong nước.

Thời gian gần đây kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các nước thực hiện biện pháp giãn cách xã hội - phòng ngừa Covid-19, nhiều đơn hàng đã ký kết bị trì hoãn hoặc bị hủy, tổng cầu trên toàn thế giới giảm dẫn đến thương mại song phương giữa các nước cũng bị ảnh hưởng, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh sẽ được mở ra, thương mại Việt Nam - Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội bùng nổ. Giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực dệt may, giày dép, máy móc, thép, đồ gia dụng, hóa chất, nhựa, nông nghiệp và thủy sản …

Nhất trí với quan điểm này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, trật tự thế giới đã thay đổi bởi đại dịch Covid 19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.

Đại sứ cũng cho biết, EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ sang đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam, hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% trong khi hàng dệt may của Ấn Độ phải nộp 9,6% thuế.

Đại sứ Phạm Sanh Châu kiến nghị các doanh nghiệp và cơ quan chức năng hai nước cần thành lập nhóm làm việc cho từng ngành hàng cụ thể như Nhóm Dệt May, Nhóm Thép, Nhóm Dược phẩm, Nhóm Nông nghiệp…

Về phần mình, ông Pranay Verma, đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhất trí với những sáng kiến của Đại sứ Việt Nam và nhất trí hai đại sứ quán sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, thành lập những nhóm làm việc chung.

Đại sứ Verma cho biết, thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Ấn Độ vốn có thế mạnh trong các lĩnh vực dệt may dược phẩm, thép và nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Ông Shantanu Srivastara, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của tăng cường kết nối, thúc đẩy các gói tín dụng bên ngoài những gói trong lĩnh vực quốc phòng, tạo những vùng thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh và giao lưu nhân dân, tăng cường sự hiện diện của các ngân hàng và đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư sang Ấn Độ.

Ông Shantanu kỳ vọng thương mại hai nước sẽ đạt 15 – 20 tỷ USD vào năm 2022 khi Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, để đạt được mục tiêu này, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần xây dựng và đặt mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực ngành hàng.

Tại Hội nghị, các diễn giả đã trao đổi rất nhiều nội dung và đánh giá tác động của khủng hoảng đại dịch Covid 19 tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Ấn Độ và Việt nam; Cách thức đề vượt qua khủng hoảng; vấn đề chấp nhận tình trạng bình thường mới, cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước…

Bùi Trung Thướng – Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/covid-19-da-gay-kho-khan-nhung-cung-tao-nhieu-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-an-do-138865.html