Covid-19: Công ty Việt Hàn sản xuất khẩu trang giả, bị xử thế nào?

Hành vi của Công ty TNHH Việt Hàn là sản xuất hàng giả, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Việt Hàn ở xã Minh Cường (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) sản xuất khẩu trang y tế bằng giấy vệ sinh, lãnh đạo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, trong cuộc họp với các cơ quan chức năng mới đây gồm VKS, công an huyện Thường Tín, công an Đống Đa, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03, công an TP Hà Nội), Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an TP Hà Nội), Sở Y tế, Cục Nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, các Đội quản lý thị trường… Tất cả đều thấy có dấu hiệu hình sự nên đi đến quyết định chuyển toàn bộ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý.

Vị lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết thêm, đơn vị đã gửi công văn lên công an thành phố Hà Nội để xem xét cụ thể đơn vị tiếp nhận hồ sơ vụ việc.

 Hình ảnh lực lượng chức năng yêu cầu người đàn ông tên Nguyễn Văn Long thực hiện lại các bước sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh.

Hình ảnh lực lượng chức năng yêu cầu người đàn ông tên Nguyễn Văn Long thực hiện lại các bước sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh.

Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện dư luận đã đặt dấu hỏi, nếu Công ty TNHH Việt Hàn bị xử lý hình sự thì doanh nghiệp này và những cá nhân có liên quan sẽ phải đối diện với khung hình phạt nào?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc Công ty Công ty TNHH Việt Hàn thực hiện sản xuất khẩu trang y tế sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh, không sử dụng vải tiệt trùng dẫn đến không có tác dụng bảo vệ sức khỏe đúng như mục đích của mặt hàng “Khẩu trang y tế” là hành vi sản xuất hàng giả.

Cụ thể: “Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;..”

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Theo vị luật sư, Công ty TNHH Việt Hàn thực hiện hành vi sản xuất hàng giả với lỗi cố ý, lợi dụng sự khan hiếm khẩu trang y tế, cố ý dùng giấy vệ sinh để thay thế cho vài tiệt trùng. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm mất đi giá trị sử dụng. Hành vi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trong quy định về hành vi sản xuất hàng giả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Cụ thể: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:…”.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, Công ty TNHH Việt Hàn là một pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội nên có thể sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo quy định về pháp nhân thương mại phạm tội. Khoản 5 Điều 192 quy định:

“5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Ngoài ra, luật sư Hoàng Tùng còn cho biết, việc xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân không có nghĩa là loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân trong vụ việc này. Các cá nhân có hành vi liên quan đến tội phạm nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

“Để xác định chính xác hành vi phạm tội và chủ thể phạm tội thì cần căn cứ vào kết luận điều tra và bản án có hiệu lực của pháp luật của Tòa án có thẩm quyền”, vị luật sư nhấn mạnh.

Đoàn Khang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/covid-19-cong-ty-viet-han-san-xuat-khau-trang-gia-bi-xu-the-nao-1346252.html