COVID-19 có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực

COVID-19 và suy thoái kinh tế có thể đẩy thêm 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo đói, tức khoảng 88-115 triệu người, trong đó vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi chiếm khoảng 40 triệu người.

Dịch COVID-19 làm trẩm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dịch COVID-19 làm trẩm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/10, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực.

Con số này cao hơn mức 100 triệu người mà WB dự báo hồi tháng 8 vừa qua.

Trong báo cáo mới nhất, WB cho biết đại dịch và tình trạng suy thoái kinh tế có thể đẩy thêm 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo đói, tức khoảng 88-115 triệu, trong đó riêng vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi chiếm khoảng 40 triệu người.

Nếu không bị tác động của dịch, tỷ lệ nghèo đói dự báo giảm còn 7,9%, song hiện con số này đã lên mức 9,4%.

Cứ theo cái đà này, trong năm 2021 sẽ có khoảng 150 triệu người phải sống dưới mức nghèo đói, ít hơn 1,9 USD mỗi ngày. Đây là sự đảo ngược những tiến bộ đạt được sau hàng thập kỷ nỗ lực giảm nghèo của thế giới.

Đáng lo ngại hơn khi có tới 40% người nghèo đang phải đối mặt với cả kinh tế khó khăn lẫn xung đột. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nghèo cùng cực ở khu vực đô thị đang gia tăng, đe dọa các chương trình hỗ trợ hiện nay vốn được thiết kế cho người dân vùng nông thôn.

Giám đốc WB David Malpass cho rằng để đảo ngược sự tụt lùi nghiêm trọng trong nỗ lực giảm nghèo, các quốc gia cần chuẩn bị cho nền kinh tế hậu COVID-19, bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới vào trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế mới.

Sự phản ứng chính sách cũng cần phải tương xứng với tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, bao gồm việc hiện đại hóa giáo dục, học tập trực tuyến, triển khai công nghệ mới để mở rộng phạm vi các chương trình bảo trợ xã hội.

Trong một diễn biến khác, ngày 8/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và WB công bố báo cáo chung, cho biết mỗi năm có khoảng 2 triệu ca tử vong khi sinh ra; đồng thời cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể thêm 200.000 ca tử vong vào con số kinh hoàng này do khoảng 50% dịch vụ y tế ở các nước có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng của dịch bênh.

Mark Hereward, Phó Giám đốc phụ trách dữ liệu và phân tích của (UNICEF) cho biết trẻ em ở nhiều nước chịu tác động của đại dịch ngay cả khi người mẹ không mắc bệnh.

Nguyên nhân là do suy thoái toàn cầu làm gia tăng sự nghèo khó, ảnh hưởng đến các dịch vụ y tế, đồng thời khiến các nhân viên y tế và cả người dân đều e sợ đến phòng khám.

Ông cảnh báo nếu không có hành động khẩn cấp, thế giới sẽ có thêm 30 triệu ca tử vong trong khi sinh vào năm 2030.

Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước cần nhanh chóng tăng cường các nỗ lực chăm sóc y tế trên diện rộng để đối phó đại dịch COVID-19.

Theo ông Guterres, thế giới cần phải rút ra những bài học đau đớn từ cuộc khủng hoảng này, một trong số đó là y tế chưa được đầu tư có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế và xã hội.

Đại dịch đã khiến hơn 1 triệu người tử vong, điều đó chứng tỏ thế giới cần có hành động khẩn cấp hơn, cần có ngay sự bao phủ y tế rộng khắp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng mọi cá nhân và cộng đồng cần nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không phải chịu những khó khăn tài chính quá mức, dịch vụ y tế cần được cung cấp bất chấp gánh nặng về kinh phí.

Đây là một thách thức trong bối cảnh kinh tế suy thoái, song đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế./.

Thành Dương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/covid19-co-the-day-115-trieu-nguoi-vao-canh-ngheo-doi-cung-cuc/668150.vnp