Covid-19 chưa kết thúc với cổ phiếu

Sau gần 10 tháng chao đảo vì Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) cuối cùng cũng xóa được hết dấu vết ảnh hưởng của dịch bệnh, khi các thước đo của thị trường đang quay trở lại thời điểm đầu năm 2020. Tuy nhiên bức tranh không chỉ toàn màu hồng, đằng sau kết quả tích cực của các chỉ số có rất nhiều cổ phiếu (CP) đang chật vật, lỗ nặng so với cuối năm 2019.

38% cổ phiếu 2 sàn vẫn lỗ

Theo thông lệ trên thế giới, khi đánh giá về mức lợi suất của TTCK nói chung, NĐT thường nhìn vào các chỉ số. Nếu như ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến TTCK - thông qua các chỉ số - sụt giảm mạnh trong quý I-2020, việc các chỉ số này quay trở lại thời điểm cuối năm 2019 có thể xem dịch bệnh đã kết thúc trên thị trường. Thế nhưng dịch bệnh lại chưa thực sự kết thúc đối với CP.

Trong 4 chỉ số nhóm CP sàn HOSE, chỉ số VNMidcap và VNSmallcap đã quay lại vùng tăng trưởng dương từ cuối tháng 8. Nếu so với thời điểm cuối năm 2019, đây cũng là 2 chỉ số có lợi suất tích cực nhất: VNMidcap tăng trưởng 8,02%, Smallcap tăng trưởng 6,58% tính đến ngày 21-10-2020.

Trong khi đó, phải đến giữa tháng 10, chỉ số VN30 mới vượt được mốc điểm cuối năm 2019 và chính thức có hiệu suất +3,08% cho năm 2020. Riêng VN Index vẫn ghi nhận hiệu suất cho năm 2020 là -2,29%.

Biểu đồ: Hiệu suất đầu tư của các chỉ số từ đầu năm 2020 đến ngày 21/10.

Biểu đồ: Hiệu suất đầu tư của các chỉ số từ đầu năm 2020 đến ngày 21/10.

Điều bất ngờ, dù VN30 Index đã vượt qua ngưỡng điểm cuối năm 2019, nhưng không có nghĩa các CP trong rổ đều làm được điều tương tự. Mới chỉ có 13/30 CP có giá dương giống chỉ số, còn lại 17 CP vẫn đang lỗ.

Trong số 13 CP có lãi (nếu nắm giữ liên tục từ cuối 2019), 11 mã đạt hiệu suất bằng hoặc vượt so với chỉ số. Đã có sự phân hóa rất mạnh trong nhóm lời và nhóm lỗ trong các blue chip này. CP sinh lời năm 2020 (tính đến 21-10) thấp nhất là TCB chưa tới +1%. 9 CP khác có mức tăng trưởng hơn 10% và top 4 của nhóm tăng đều cao hơn 40% gồm HPG +51,17%, CTG +48,56%, MSN +48,14% và STB +43,28%.

Ngược lại 10 CP lỗ nhất năm 2020 tính đến thời điểm 21-10 cũng đều lỗ trên 10%, với 4 mã lỗ trên 20% là ROS -86,94%, TCH -34,69% và VJC -28,93% và PNJ -20,5%.

Không có đặc trưng nhóm ngành cụ thể nào trong diễn biến tăng/giảm của CP rổ VN30. Ngay cả nhóm ngân hàng dường như tốt nhất cũng có sự phân hóa. Ở nhóm tăng, ngoài CTG và STB kể trên, VPB tăng 25,5%, HDB tăng 19,28%.

Thế nhưng VCB, EIB, BID vẫn nằm trong nhóm lỗ, từ 3,1% tới 8,23% so với thời điểm cuối năm 2019. Mở rộng hơn, hiện tượng phân hóa cũng xảy ra ở tất cả nhóm CP khác:

Nhóm Midcap tuy tăng trưởng tốt nhất nhìn theo chỉ số (tăng so với cuối 2019 là 8,02%) nhưng cũng chỉ có 37/70 CP tăng bằng hoặc mạnh hơn chỉ số. Nhóm Smallcap, chỉ số tăng 6,58% cũng chỉ có 80/150 CP tăng bằng hoặc hơn.

Tính chung trên cả 2 sàn HOSE và HNX, số lượng CP tăng trưởng giá dương so với cuối năm 2019 đạt khoảng 55,5% thị trường. Còn 38,3% số CP vẫn đang tăng trưởng giá âm. Điều này không bất ngờ, vì trong khủng hoảng giá dưới tác động của Covid-19, NĐT có nhiều lựa chọn mua khác nhau nên khi thị trường phục hồi, mức độ tăng trưởng giá cũng khác nhau, thậm chí nhiều CP bị lãng quên.

Sức mạnh kinh doanh chỉ là một yếu tố

TTCK năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng yếu, nhiều lĩnh vực kinh doanh thua lỗ như du lịch, hàng không...

Do đó, việc các CP của doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn cũng là điều bình thường. Tuy nhiên khi nhìn vào yếu tố phục hồi và tăng trưởng, không phải CP nào tăng giá tốt cũng do doanh nghiệp chống chọi tốt với đại dịch và có tăng trưởng lợi nhuận.

Thống kê đến 21-10-2020, sàn HNX có 12 CP tăng trưởng giá 100% so với cuối năm 2019, sàn HOSE có 15 mã. Tất cả CP tăng gấp đôi thị giá đều là những mã vốn hóa nhỏ, CP đầu cơ. Một số mã có yếu tố đột biến lợi nhuận tốt.

Lấy thí dụ cổ phiếu DNM của Tổng CTCP Y tế DANAMECO tăng 431,5% giá trị trong 10 tháng năm 2020, nhưng công ty này cũng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng năm nay tăng 10 lần so với cùng kỳ 2019, nhờ sản xuất và bán khẩu trang, nước rửa tay và các sản phẩm y tế khác.

Nhìn vào yếu tố phục hồi và tăng trưởng, không phải CP nào tăng giá tốt cũng do doanh nghiệp chống chọi tốt với đại dịch và có tăng trưởng lợi nhuận.

Việc cách ly dịch bệnh cũng giúp doanh số bán máy tính và các sản phẩm điện tử của DGW tốt, dẫn đến lợi nhuận quý III-2020 tăng 44% cùng kỳ. Giá CP DGW tăng 131,6% trong 10 tháng qua.

Ngược lại, yếu tố đầu cơ nổi trội ở rất nhiều CP vốn hóa nhỏ, tạo nên mức tăng giá cực kỳ ấn tượng. GAB tăng giá 1.040,3% so với cuối năm 2019, bất chấp lợi nhuận 9 tháng chỉ có 788 triệu đồng, giảm 93% so với cùng kỳ.

Riêng quý III-2020, GAB lãi 230 triệu đồng cũng giảm 96% so với cùng kỳ. Cục nợ khó đòi của OGC cộng với việc điều chỉnh giảm lợi nhuận sau soát xét bán niên cả trăm tỷ đồng để trích lập dự phòng, cũng không ngăn được giá tăng gần 130%.

Cũng tương tự, NĐT lãng quên rất nhanh khoản lỗ lũy kế 2.966 tỷ đồng của TTF, hay bảng cân đối kế toán bán niên có tổng nợ và nợ ngắn hạn vượt tổng tài sản, để giúp giá CP này tăng 218,2% từ đầu năm.

Một thực tế, khi thị trường phục hồi hầu hết CP cũng tăng. Ngoài yếu tố cơ bản ít NĐT phân tích được rõ ràng, yếu tố đầu cơ mới là điều hấp dẫn. Tâm lý đầu cơ phổ biến trên thị trường và NĐT coi yếu tố quyết định vẫn là khi bán CP đi lời lãi là bao nhiêu.

Do dòng tiền đầu cơ nằm trong thị trường ở mức độ quá lớn, đặc biệt khi quy mô margin cao kỷ lục, không phải CP nào tăng giá cũng thể hiện sự “giảm đau” của doanh nghiệp, mà phần lớn chỉ là màn đánh cược giữa các nhà đầu cơ.

Nguyên Hà

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/covid19-chua-ket-thuc-voi-co-phieu-85086.html