COVID-19: Chưa đề cập miễn dịch cộng đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Ngày 6-11, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã có cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương. Cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì.

Chưa loại trừ nguy cơ gia tăng ca nặng, tử vong

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tháng 10-2022, cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc COVID-19 (15 ca tử vong) - giảm 64,8% so với tháng trước. "Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75" - bà Đào Hồng Lan lưu ý.

Ban Chỉ đạo nhận định dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ, tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị nên không loại trừ nguy cơ gia tăng trở lại các ca nặng, tử vong.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết theo các kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ của vắc-xin phòng COVID-19, việc tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4.

"Hầu hết các nghiên cứu nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch COVID-19" - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng cần tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19; sẵn sàng và tổ chức tốt việc thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực; đôn đốc, hướng dẫn triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm, thuốc…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Quốc hội cũng như nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Năm 2022, dự kiến tăng trưởng GDP cả nước đạt 8%. Trong đó, hơn 10 tỉnh, thành phố tăng trưởng GDP trên 10%; hơn 40 địa phương tăng trên 6%. Một số tỉnh từng ảnh hưởng dịch COVID-19 rất nặng như Bắc Giang, Khánh Hòa dự kiến tăng trưởng GDP hơn 20%.

Vắc-xin vẫn là vũ khí chiến lược

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại nhiệm vụ đầu tiên của năm 2022 là phải kiểm soát được dịch COVID-19. Tuy nhiên, không ít người xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch COVID-19 được kiểm soát; trong khi một số dịch bệnh khác vẫn lưu hành hoặc xuất hiện.

"Tinh thần là không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 theo các mục tiêu đã đề ra; có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vắc-xin, đáp ứng yêu cầu của các địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông, chủ động đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc-xin phòng COVID-19 trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong. "Vắc-xin vẫn là vũ khí chiến lược trong phòng chống dịch" - Thủ tướng nhắc nhở.

Bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm việc tiêm chủng vắc-xin mở rộng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; thúc đẩy sản xuất vắc-xin, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước...

Ai không dám làm thì hãy nghỉ!

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian ngắn nhất. Theo Thủ tướng, các quy định không thể bao phủ hết những góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh tình trạng phản ứng không kịp làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.

"Khi họp bàn các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, cần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ. Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên" - Thủ tướng quyết liệt.

Nghị quyết mới gỡ vướng việc thanh toán BHYT

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo Nghị quyết 144, Chính phủ yêu cầu các bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan việc mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế thuộc phạm vi quản lý nhằm xử lý nhanh nhất các vướng mắc thời gian qua. Trường hợp xét thấy cần áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị quyết 144 cũng cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2021 bằng chi phí khám chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám chữa bệnh, sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định tại khoản 2 điều 32 Luật BHYT năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Bài và ảnh: THẾ DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/covid-19-chua-de-cap-mien-dich-cong-dong-20221106215635755.htm