Covid-19 chốt chặn niêm yết ngân hàng

Niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE hoặc HNX trong năm 2020 là quyết tâm của nhiều NH, bởi lẽ năm nay là hạn chót hoàn thành yêu cầu niêm yết NHTM theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán (TTCK) và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến 2025, được Thủ tướng phê duyệt.

Song mới qua vài tháng, tình thế đã bị xoay ngược bởi tác động của dịch bệnh Covid-19, thị trường rơi vào khó khăn, nhiều NH đứng trước nguy cơ không hoàn thành yêu cầu này.

Sẽ phải lùi thời điểm

Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của MSB đã được đề cập nhiều ở nhiều kỳ ĐHCĐ trước. Năm 2019, ĐHCĐ đã thông qua việc tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).

Thời điểm gần cuối năm 2019, thị trường cũng xôn xao chờ đón MSB lên sàn, khi nhà băng này công bố đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE. Nhưng tại ĐHCĐ thường niên 2020 mới đây, ban lãnh đạo NH đã xin ý kiến cổ đông về việc tạm hoãn hồ sơ niêm yết trên HOSE, sẽ tái khởi động việc niêm yết vào thời điểm thuận lợi hơn.

Kế hoạch niêm yết MSB vào năm 2020 sẽ phải hoãn lại vì Covid-19.

Kế hoạch niêm yết MSB vào năm 2020 sẽ phải hoãn lại vì Covid-19.

Tại ABBank, ban lãnh đạo NH cũng đã trình cổ đông tạm hoãn niêm yết cổ phiếu. Theo lãnh đạo NH, lộ trình lưu ký và niêm yết cổ phiếu tạm thời dừng để hoàn thành thủ tục pháp lý về trụ sở mới, đảm bảo đồng bộ thông tin, tránh việc phải sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ có thể kéo dài làm thủ tục lưu ký, niêm yết.

SCB dự kiến lùi kế hoạch niêm yết trễ hơn khoảng 2 năm so với mốc đề ra trước đó, tức vào năm 2022. Thay vào đó, NH sẽ đăng ký cổ phiếu với mã chứng khoán SCB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Ngoài những NH công bố hoãn niêm yết chính thức, nhiều nhà băng khác đang… chờ niêm yết. Ghi nhận từ ĐHCĐ của SeABank mới đây, kế hoạch niêm yết trong năm 2020 đã được cổ đông thông qua. Tương tự, Vietbank cũng đã thông qua nội dung niêm yết trên TTCK trong năm nay khi điều kiện thị trường cho phép. Niêm yết và đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu NamABank sẽ được bàn trong ĐHCĐ vào ngày 27-6 tới. OCB dự kiến đưa ra tờ trình triển khai niêm yết trên sàn HOSE tại ĐHCĐ ngày 30-6.

Tuy vậy, cũng khó tin tưởng tuyệt đối các NH này sẽ hoàn thành kế hoạch niêm yết dù năm nay là hạn định cuối cùng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bởi diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khôn lường đến hoạt động của nền kinh tế, DN và tác động đến hoạt động NH. Trong khi các NH luôn chú trọng việc chọn thời điểm thích hợp để khi lên sàn giá cổ phiếu tăng.

Vào thế phải lùi

Năm 2017, chỉ số VN Index tăng 43% so với cuối năm 2016, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Khi đó, một số NH đã tranh thủ niêm yết. Năm 2018, VN Index giảm về dưới mốc 900 điểm, tiến độ niêm yết chậm hơn. Đến cuối năm 2019, VN Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, cao hơn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Sự tăng trưởng trở lại của TTCK trong năm 2019 được đánh giá thuận lợi để đưa cổ phiếu lên sàn. Theo đó, các NH rầm rộ lật lại kế hoạch, nhưng vẫn cân đong đo đếm lợi ích, chưa niêm yết ngay. Cả năm chỉ có 1 NH niêm yết trên UPCoM. Còn hiện nay các nhà băng đang đứng trước tình cảnh lỡ cơ hội niêm yết khi kết thúc 5 tháng đầu năm 2020, VN Index giảm khoảng 10%, xuống 864 điểm.

Trả lời cổ đông về vấn đề niêm yết, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT MSB, cho biết cuối năm 2019 NH đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE nhưng có lẽ do khối lượng hồ sơ lớn cho nên chưa xử lý kịp. Sang đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện khiến các công ty niêm yết bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, khi phân tích kỹ TTCK, với chỉ số VN Index liên tục suy giảm, ban lãnh đạo MSB đã phải xem xét kỹ trước khi ra quyết định tạm hoãn niêm yết.

Theo ông Quang, các cổ đông nhỏ và cả cổ đông lớn đều mong muốn giá cổ phiếu phải tương xứng với giá trị của NH. Nhưng theo phân tích của ban lãnh đạo, có đến 94% cổ phiếu NH sụt giảm, có cổ phiếu giảm hơn 30% giá trị thị trường. Nếu niêm yết thời điểm đầu 2020 khi dịch bệnh xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cổ đông.

Còn theo tổng giám đốc một NHTMCP, tháng 4 và 5-2020, ngành NH gặp nhiều khó khăn khi nhiều DN xin NH tái cơ cấu, gia hạn nợ, nợ xấu gia tăng, nên NH phải cân đối để hỗ trợ DN. Dự báo những tháng còn lại trong năm sẽ còn khó khăn hơn. Vì vậy, hoạt động niêm yết cũng bị ảnh hưởng bởi niêm yết cổ phiếu ngay trong năm sẽ không có lợi cho NH.

Trong bối cảnh này, việc yêu cầu tất cả NH phải hoàn thành niêm yết vào năm 2020 có vẻ khó khăn. Bởi Thủ tướng quyết định thời hạn nhưng NH phải theo thị trường. Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cũng không thể biết dịch Covid sẽ xảy ra.

Trong khi với NH, muốn lên sàn, họ phải chọn thời điểm niêm yết đảm bảo giá cổ phiếu không nằm dưới mệnh giá, đảm bảo khả năng có một số nhà đầu tư mua cổ phiếu. Bởi khi NH lên sàn thất bại, uy tín của họ sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều và những lần gọi vốn sau đó có thể bị tác động tiêu cực. Chính vì vậy, thời điểm lên sàn là vô cùng quan trọng. Và đặt trong bối cảnh hiện nay, thời điểm lên sàn hoàn toàn không thuận lợi.

Sau khi tăng trưởng cao giai đoạn 2017-2019, ngành NH dự kiến chứng kiến sự giảm tốc đáng kể về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020. Như vậy, với thời hạn niêm yết, việc các NH một lần nữa trì hoãn đáp ứng yêu cầu là điều không tránh khỏi.
CTCK Rồng Việt (VDSC)

Đỗ Linh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/covid19-chot-chan-niem-yet-ngan-hang-81421.html