COVID-19 cản trở 'Vành đai, Con đường'

Trung Quốc muốn các dự án thuộc sáng kiến 'Vành đai, Con đường-BRI' vốn bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề sớm hồi sinh để giúp tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế. Song, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể đạt được kỳ vọng của mình bởi hầu hết các quốc gia tham gia BRI vẫn đang trong cuộc chiến ngăn dịch bệnh lây lan.

Tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ tại Kenya. Ảnh: SCMP

Tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ tại Kenya. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, nhiều dự án thuộc BRI đang bị tạm hoãn hoặc tiến triển chậm chạp. Tại hội nghị trực tuyến về hợp tác quốc tế BRI, cơ quan phụ trách kinh tế quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khoảng 20% dự án thuộc sáng kiến này “bị ảnh hưởng nghiêm trọng” bởi đại dịch, khoảng 40% bị “ảnh hưởng bất lợi” và khoảng 30-40% “bị ảnh hưởng một phần”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương Nghị tỏ ra lạc quan khi nói rằng ảnh hưởng của SARS-CoV-2 đối với BRI là không quá lớn. Do đó, ông Vương tuyên bố Bắc Kinh “muốn thấy những dự án cơ sở hạ tầng thuộc BRI được tái khởi động càng sớm càng tốt nhằm giúp các nước tạo ra việc làm và góp phần ổn định kinh tế”. Ngoại trưởng Vương cho hay hồi năm ngoái, 29 thỏa thuận hợp tác giữa các chính phủ được ký kết, nâng tổng số thỏa thuận chính phủ về BRI lên 200; hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và các nước tham gia BRI đạt 1,3 ngàn tỉ USD, tăng 6% so với năm 2018, trong khi vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nước tăng 15 tỉ USD. Theo ông, bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19, hoạt động thương mại giữa nước này và các nước tham gia BRI tăng 3,2% và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tăng 11,7% trong quý I năm nay.

Tính đến đầu tháng 1, 2.951 dự án thuộc BRI trị giá 3,87 ngàn tỉ USD đã được lên kế hoạch hoặc đang được tiến hành trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở châu Phi và châu Á không đủ khả năng tiếp tục thực hiện những siêu dự án do Trung Quốc hỗ trợ vì họ còn phải chật vật trả nợ. Đơn cử như tại Nigeria, dự án đường sắt trị giá 1,5 tỉ USD đứng trước nguy cơ bị trì hoãn vì COVID-19. Nhiều dự án do Trung Quốc đầu tư ở Zambia, Zimbabwe, Algeria và Ai Cập cũng bị tạm hoãn khi các nước này đang gồng mình ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều quốc gia vay hàng tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc, cảng, đập, đường sắt đang phải “gõ cửa” Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh cho tạm hoãn việc trả nợ, thậm chí là xóa nợ. Theo thống kê của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Trung Quốc cho các nước châu Phi vay 152 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2018.

Trong khi đó, tại các nước châu Á như Malaysia, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Campuchia và Sri Lanka, các dự án mà Trung Quốc đầu tư cũng bị tạm hoãn. Chẳng hạn, COVID-19 gây ảnh hưởng đến Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỉ USD, Đặc khu kinh tế Sihanoukville ở Campuchia hay tuyến cao tốc Jakarta - Bandung của Indonesia.

Bradley Parks, Giám đốc điều hành tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData (Mỹ), nhận định giữa lúc số ca mắc COVID-19 ngày càng gia tăng, rất khó và nguy hiểm để các nước theo đuổi các dự án thuộc BRI. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong việc thực thi các dự án BRI” - ông Parks dự báo. Còn James Crabtree, giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) lo ngại “những ngày tươi đẹp” của BRI sắp hết, bởi Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực chính trị từ 2 phía, một là từ các nước nghèo muốn được xóa nợ và hai là từ người dân Trung Quốc vốn không muốn nguồn tiền có thể được dùng để hỗ trợ phục hồi trong nước bị gửi ra nước ngoài.

Mặt khác, các nhà băng Trung Quốc như Ngân hàng Xuất Nhập khẩu hay Ngân hàng Phát triển, nơi tài trợ vốn cho hầu hết các dự án BRI, đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc cho vay. Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, các ngân hàng này đã cắt giảm các khoản cho vay mới. Đặc biệt, các dự án năng lượng đã bị cắt giảm nguồn vốn xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trong năm 2019, Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc chỉ cho 3 dự án vay với tổng trị giá 3,2 tỉ USD, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/covid-19-can-tro-vanh-dai-con-duong--a122827.html