Covid-19: 'Bơm máu' cho start-up công nghệ, tuy 'nhỏ li ti' mà có cơ hội vàng

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, 97% doanh nghiệp (DN) Việt Nam là 'nhỏ li ti', nhưng lại có lợi thế là dễ xoay trở, linh hoạt, đặc biệt là các start-up công nghệ đổi mới sáng tạo, cần 'bơm máu' để các DN chuyển đổi số, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển.

Các diễn giả tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020 với chủ đề “Việt Nam và kinh doanh quốc tế trong trạng thái bình thường mới: Hiệp định thương mại tự do và Covid-19”.

Các diễn giả tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020 với chủ đề “Việt Nam và kinh doanh quốc tế trong trạng thái bình thường mới: Hiệp định thương mại tự do và Covid-19”.

Chiều 26/8, tại Hà Nội, Đại học RMIT Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020 với chủ đề “Việt Nam và kinh doanh quốc tế trong trạng thái bình thường mới: Hiệp định thương mại tự do và Covid-19”.

Cơ hội cho chuyển đổi số

Tại sự kiện được tổ chức trực tuyến, các diễn giả uy tín trong và ngoài nước, đại diện cho khu vực công và tư tập trung phân tích, thảo luận về tác động của đại dịch Covid-19 lên hoạt động kinh doanh quốc tế của Việt Nam; chuyển đổi số kinh doanh quốc tế để đối phó với dịch bệnh; các thông lệ quốc tế tốt nhất để đối phó với dịch bệnh và những lời khuyên dành cho các DN về tương lai của hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Đại học RMIT đồng thời là Trưởng ban tổ chức diễn đàn, nhấn mạnh vào vấn đề cú sốc cung và cầu.

“Tại bất cứ nơi nào trên thế giới bị dịch bệnh chạm ngõ, hàng triệu người bị mất việc làm, dẫn đến giảm năng lực chi tiêu, khiến nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu cũng thấp hơn. Điều này ảnh hưởng đến DN ở mọi lĩnh vực, tuy nhiên đặc biệt tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế như Việt Nam”, Tiến sĩ Trung nhận định.

Với Việt Nam, tác động từ Covid-19 là rất tiêu cực bởi nền kinh tế phụ thuộc vào xuất nhập khẩu, mở cửa thương mại, đặc biệt là du lịch. Theo một khảo sát gần đây, có tới 70-80% DN FDI bị đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, bị ảnh hưởng nặng nề. 86% DN trong nước bị ảnh hưởng, 90% người dân bị giảm thu nhập, 31 triệu người bị mất việc làm; GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây, các chỉ số tăng trưởng khác đều giảm mạnh.

Trình bày bài tham luận với chủ đề “Chính phủ Việt Nam nên làm gì để giúp DN đối phó với Covid-19 và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do?”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, kinh tế thế giới như một đoàn đàu đang lăn bánh trên đường ray thì dịch bệnh Covid-19 bắt tất cả dừng lại, ở đâu đứng yên ở đó, và vì thế, tác động tiêu cực của dịch bệnh là vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, Covid-19 diễn ra trong bối cảnh CMCN 4.0, vì vậy, vai trò của công nghệ là rất lớn. Những thành tựu công nghệ đã giúp con người đối mặt và giải quyết những hậu quả của dịch bệnh một cách hài hòa hơn, ổn thỏa hơn.

“Cuộc khủng hoảng này, tuy ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế-xã hội, nhưng xét về mặt nào đó, nó cũng mang lại những cơ hội để con người có sự thay đổi chưa từng thấy. Đây là cơ hội cho sự chuyển đổi kinh tế số, chuyển đổi số”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, tuy Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD, nhưng ông tin rằng con số này còn lớn hơn và hệ quả còn kéo dài nhiều năm. Thế nhưng, dịch bệnh cũng đã làm cho tài sản của những công ty công nghệ lớn trên thế giới như Amazon, Facebook và Tesla tăng chóng mặt.

“Covid-19 đã chặn cả cung cả cầu của nền kinh tế truyền thống, nhưng lại khiến kinh tế số trỗi dậy phi thường, những ai đã đi tiên phong trong nền kinh tế số đều vượt lên rất mạnh mẽ”, GS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Cần ‘bơm máu’ cho start-up công nghệ

Nhận xét về triển vọng của nền kinh tế, ông Thiên cho rằng, khó khăn còn ở phía trước, tuy nhiên, nếu Việt Nam kiểm soát quyết liệt, hết tháng 8 chặn được dịch bệnh trong cộng đồng thì nền kinh tế nội địa có cơ hội trở lại nhịp bình thường.

“Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam nỗ lực đưa ra chiến lược vừa chống dịch hiệu quả, vừa cố gắng duy trì tăng trưởng, không bị sụt giảm quá sâu, và chiến lược song song này đang được thực thi tương đối hiệu quả”, GS Trần Đình Thiên nhận xét.

Đánh giá cao các gói tài chính hỗ trợ nền kinh tế (về giảm thuế, tài chính, an sinh xã hội), lên tới 2,8% GDP, ông Thiên quan tâm tới việc làm thế nào để các gói hỗ trợ này được sử dụng hiệu quả, đi đến đúng đối tượng.

Ông Thiên cũng cho rằng, hiện 97% DN Việt Nam là nhỏ và nhỏ “li ti”, tuy nhỏ là yếu nhưng cộng đồng này lại có những lợi thế không nhỏ, họ có tính linh hoạt cao, tính xoay trở trong mọi hoàn cảnh khá tốt.

“Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm, có hơn 70 ngàn DN đóng cửa, nhưng đóng cửa với phá sản là khác nhau, thiệt hại cũng khác nhau. Tôi tin là DN Việt Nam khó “ngủ đông” lâu”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Chính vì thế, theo ông Thiên, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần dành nguồn lực một cách hiệu quả để cứu các DN này, đặc biệt là các DN khởi nghiệp sáng tạo để nền kinh tế sau khi đứng dậy có 1 luồng máu khác.

Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng gợi ý, trước hết, cần cứu các DN có tác động lan tỏa, có sức kéo nền kinh tế, cứu DN khỏe để họ cứu DN yếu hơn, cứ thế tạo thành đoàn tàu kéo nhau để sau khi dịch qua đi, các DN có thể cùng sống sốt mà đứng dậy.

“Về kinh tế số, tôi có đề nghị Chính phủ, trong số tiền dành cứu trợ DN, có thể dành 50%, thậm chí nhiều hơn, để giúp DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh Covid-19 này, tiềm năng phát triển và vai trò của các DN đổi mới sáng tạo đã được chứng minh, và vì vậy, cần dành phần lớn tiền cho nhóm DN này để họ tạo ra làn sóng để vực dậy nền kinh tế.

Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT cũng khẳng định, các DN Việt hiện nay còn ở giai đoạn khởi đầu của quá trình chuyển đổi số, và vì vậy, hãy bắt đầu ngay bây giờ để đón đầu làn sóng thay vì phải theo đuôi người khác.

Hoàng Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-bom-mau-cho-start-up-cong-nghe-tuy-nho-li-ti-ma-co-co-hoi-vang-122398.html