COVID-19: 8 dấu hiệu trên da không thể bỏ qua

Những ngày đầu của đại dịch COVID-19, y học quan tâm vào 3 dấu hiệu chính của COVID-19 là sốt, ho và khó thở. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy phát ban da cũng là dấu hiệu không thể bỏ qua.

Đây là kết luận được rút ra sau khi các nhà khoa học Anh nghiên cứu ở 336.847 người. Nhóm người này tự ghi lại những triệu chứng gặp phải, kể cả tiền sử bệnh lý. Kết quả, có khoảng 8,8% những người tự khai phát ban trên da. Các nhà khoa học còn tham khảo kết quả một cuộc nghiên cứu độc lập triệu chứng trên da của 11.544 người đã khỏi COVID-19 và phát hiện thấy ngoài sốt, ho và khó thở còn có nhiều vấn đề khác ở nhóm dương tính với SARS-CoV-2 như mất khứu giác, vị giác, tiêu chảy, đau nhức đầu...

Cụ thể, 47% gặp các thay đổi về da xuất hiện đồng thời một lúc với các dấu hiệu COVID-19 khác; 35% gặp các thay đổi về da sau những dấu hiệu COVID-19. Điều khiến các nhà khoa học quan tâm là có khoảng 21% nói rằng, phát ban da là dấu hiệu duy nhất mà họ gặp khi bị nhiễm virus. Với nghiên cứu trên, các tác giả cho rằng những thay đổi trên da có thể dễ dàng nhận ra, điều này giúp phát hiện virus và theo dõi được dễ dàng hơn.

Ngón chân COVID: Theo Hiệp hội Da liễu Anh (BAD), tình trạng ngón chân và ngón tay COVID có thể là dấu hiệu COVID-19 đáng chú ý nhất. Về y học thì đây được gọi là hiện tượng bị cước chân, cước tay xuất hiện khi trời lạnh nhưng khi thời tiết ấm hơn thì có thể là bất thường, nhất là lúc đại dịch bùng phát. Khi phát ban lành lại, các lớp da trên cùng có thể bong ra khỏi vùng sưng đỏ và để lại các lớp vảy.

Phát ban da một triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19.

Phát ban da một triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19.

Chàm ở vùng cổ và ngực: Phát ban dạng chàm ở vùng cổ và ngực thường có màu hồng và có thể ngứa. Khi bị COVID-19 thì phát ban dạng này xuất hiện sau khi nhiễm. Dấu hiệu COVID-19 này sẽ kéo dài một thời gian.

Chàm miệng: Có thể đau môi trước khi môi bị khô, đóng vảy khi phát ban thuyên giảm. Theo BAD, nhiều người cũng gặp phải các cơn đau nhức trong khoang miệng.

Phát ban sần, nổi mụn nước: Phát ban kiểu này thường đi kèm các nốt mụn sần, gồ ghề hoặc mụn nước bên trong có chứa dịch. Đôi khi các phát ban này xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể và thường gặp nhất là ở khuỷu tay và đầu gối hoặc ở mu bàn tay, bàn chân. Một số trường hợp chỉ là những nốt mụn nhỏ, khó quan sát nhưng rất ngứa. Ở bệnh nhân COVID-19 thì phát ban dạng sần, mụn nước có thể là một dạng COVID kéo dài sau khi đã khỏi bệnh hoặc cũng có thể xuất hiện nhiều tuần sau khi bị viêm nhiễm.

Vảy phấn hồng: Thường gặp ở trẻ em và nhóm tuổi thanh thiếu niên, nữ nhiều hơn nam, thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban tróc vảy to ở vùng ngực, bụng hay lưng, sau đó lan rộng khắp người. Phát ban dạng vảy phấn hồng có thể kéo dài vài tháng trước khi khỏi bệnh.

Phát ban xuất huyết hoặc viêm mạch máu: Phát ban này có sự xuất huyết dưới da màu đỏ đậm hoặc đỏ tía nhìn tương tự như vết bầm tím.

Mày đay: Nổi mày đay cũng có thể là một dấu hiệu COVID-19. Những nốt mề đay thường xuất hiện đột ngột và kéo dài kèm theo cảm giác ngứa dữ dội. Xuất hiện trên mọi vị trí của cơ thể, kể cả mặt. Bệnh nhân nhiễm COVID-19 có thể gặp triệu chứng này khá sớm và cũng có thể kéo dài, kể cả khi đã khỏi bệnh.

Phát ban do virus: Đây là một dạng phát ban da mang tính đối xứng, gây ra các vết sưng đỏ trên cơ thể đi kèm với biểu hiện sốt và ho.

Theo BAD, so với các bệnh nhiễm virus khác, COVID-19 không phải là một bệnh nhiễm virus duy nhất gây ra các triệu chứng trên da, nhưng phát ban do nhiễm SARS-CoV-2 dường như phổ biến và đa dạng hơn. Nếu tình trạng này không thuyên giảm thì người bệnh cần tìm tới sự trợ giúp từ thuốc kê đơn của bác sĩ để không ảnh hưởng tới giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

Những bệnh nhân mắc bệnh lý nền về da, đặc biệt là những bệnh lý da tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm bì cơ... cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo phòng dịch của bác sĩ da liễu và của bệnh viện nơi bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Với những bệnh nhân không thuộc nhóm bệnh lý tự miễn nhưng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc các thuốc sinh học... thì cũng cần phải nâng cao cảnh giác để tránh mắc COVID-19 vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ mắc bệnh.

Ngọc Anh

((Theo Health))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-8-dau-hieu-tren-da-khong-the-bo-qua-n191315.html