Cột trụ chương trình hạt nhân Triều Tiên qua đời

Ông Ju Kyu-chang, người đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, qua đời ở tuổi 89.

Ông Ju Kyu-chang (phải) và lãnh đạo Kim Jong-il - Ảnh Chụp màn hình KCNA

Ngày 4.9, Hãng thông tấn KCNA đưa tin ông Ju từ trần một ngày trước đó do bệnh thiếu máu bất sản, thuật ngữ chỉ tình trạng tủy xương không sản xuất tế bào máu. KCNA gọi ông Ju là “chiến sĩ cách mạng có đóng góp đáng trân trọng cho công cuộc bảo vệ tổ quốc”.

“Sự ra đi của đồng chí Ju Kyu-chang, người phụng sự một cách trung thành các sứ mệnh lớn lao của đảng ở mặt trận quốc phòng, là mất mát lớn đối với đảng, nhà nước và nhân dân”, KCNA viết, nhưng không công bố chi tiết về những đóng góp của ông Ju. Trong khi đó, chuyên gia Larry Niksch tại Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ đánh giá ông Ju có vị trí ngang hàng với tướng Leslie Groves, người dẫn đầu Dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến 2. “Ông Ju điều hành công việc hằng ngày của chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân”, Reuters dẫn lời ông Niksch nói.

Theo Yonhap, ông Ju tốt nghiệp Đại học Công nghệ Kim Chaek, một trong những trường danh tiếng nhất Triều Tiên và đã dành phần lớn sự nghiệp để xây dựng chương trình vũ khí chiến lược của nước này. Từ thập niên 1960, ông bắt đầu làm việc cho Ban công nghiệp xây dựng - cơ khí của đảng Lao động Triều Tiên. Báo cáo của Trung tâm thông tin kỹ thuật quốc phòng (DTIC) thuộc Lầu Năm Góc cho rằng tuy có tên gọi mang tính dân sự nhưng thực chất đây là cơ quan chủ chốt phụ trách phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Lòng trung thành cùng năng lực chuyên môn vượt trội giúp ông Ju được nhà lãnh đạo Kim Jong-il tin tưởng và nhanh chóng thăng tiến. Từ năm 2000, ông bắt đầu xuất hiện cùng lãnh đạo Kim trong các chuyến thị sát và được cho là từng tháp tùng ông Kim công du đến Nga. Đặc biệt, vào tháng 4.2009, hình ảnh do truyền thông Triều Tiên đăng tải cho thấy ông Ju đứng cạnh lãnh đạo Kim Jong-il quan sát đợt phóng tên lửa Unha-2 mang vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo. Ông được bổ nhiệm vào Ủy ban Quốc phòng năm 2009 và Quân ủy trung ương từ năm 2010, theo DTIC. Cùng năm, ông chính thức giữ chức Chủ nhiệm Ban công nghiệp xây dựng - cơ khí, phụ trách chủ yếu về nghiên cứu và phát triển; còn cấp phó Hong Sung-mu giám sát phần sản xuất.

Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền từ cuối năm 2011, ông Ju Kyu-chang tiếp tục được trọng dụng và đóng vai trò cột trụ trong việc phát triển tên lửa Unha-3, được phóng vào tháng 4 và 12.2012. Triều Tiên khẳng định các đợt phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo nhằm phục vụ mục đích hòa bình, nhưng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cáo buộc đây là vỏ bọc để thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân. Đến năm 2013, ông Ju bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt vì “có vai trò trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

[VIDEO] Năm 2017 - Khi Triều Tiên trở thành 'quốc gia hạt nhân'

Văn Khoa

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/cot-tru-chuong-trinh-hat-nhan-trieu-tien-qua-doi-999781.html