'Cột' trách nhiệm người đứng đầu các cấp cơ sở thực hiện dự án

'Công tác điều hành quản lý đầu tư công của chúng ta còn nhiều phân tán, bị điều chỉnh bằng nhiều văn bản dưới luật nên để lại hậu quả lớn, dàn trải, quyết định đầu tư các dự án tùy tiện…', đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói về những hạn chế trước khi Luật Đầu tư công được ban hành.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến ĐBQH

Giải trình các ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nội dung thực hiện Luật Đầu tư công cũng như kế hoạch trung hạn sau 3 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện kế hoạch trung hạn đầu tư công, về mặt thể chế, trước khi Luật Đầu tư công được ban hành thì công tác điều hành quản lý đầu tư công của chúng ta còn nhiều phân tán, bị điều chỉnh bằng nhiều văn bản dưới luật nên để lại hậu quả lớn, dàn trải, quyết định đầu tư các dự án tùy tiện.

Không biết dự án có tiền hay không, tạo ra áp lực xin vốn, không xin được vốn không đủ vốn, không đủ vốn xây dựng thì ứng trước dẫn đến việc kéo dài, nợ đọng dẫn đến hiệu quả dự án không có.

Khi Luật Đầu tư công ra đời đạt được một số kết quả trong đó nổi bật là giảm được sự dàn trải các dự án. Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam thực hiện khoảng 21.000 dự án nhưng trong kế hoạch 2016-2020 giảm xuống còn 9.620 dự án (giảm hơn 50%).

Tuy nhiên, trong số 9.620 dự án thì có tới 8.000 dự án của giai đoạn 2011-2015, được chuyển tiếp. Trong tất cả các dự án, chỉ có 412 dự án dùng vốn ngân sách Trung ương. Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta đã thực hiện giảm được sự dàn trải triệt để, tập trung vào trả nợ xây dựng cơ bản, và vốn xây dựng từ trước đó.

Về kết quả giải quyết nợ đọng cơ bản, tính đến ngày 31-12-2014, chúng ta đã chấm dứt được nợ đọng cơ bản. Khi Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực thì chúng ta đã không có nợ đọng cơ bản nữa.

Lý giải về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thứ nhất, việc phát sinh nợ đọng cơ bản sau ngày 1-1-2015, là vi phạm pháp luật. Do vậy, tất cả số vốn bố trí tại nhiệm kỳ này đã trả nợ hết nợ đọng xây dựng cơ bản của giai đoạn trước. Sau này là bất hợp pháp và vi phạm hết.

Thứ hai là ý thức trách nhiệm pháp luật của chúng ta cao hơn. Trước kia quyết định phê duyệt dự án rất tùy tiện, không biết nguồn vốn ở đâu, không biết có hay không nhưng cứ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay theo Luật Đầu tư công mà vẫn làm như vậy là vi phạm pháp luật nên đến nay việc này giảm đi rất nhiều.

Trả lời một số hạn chế như giao vốn, giải ngân chậm, hiệu quả dự án không cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ nhận thức được những vấn đề tồn tại, bất cập trong một số quy định của luật Đầu tư công đang trình lên Quốc hội để sửa đợt này.

Những vấn đề thuộc thể chế, thuộc thẩm quyền của Chính phủ ban hành thì Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi các Nghị định liên quan đến đầu tư công, bên cạnh đó còn ban hành một số văn bản để tháo gỡ khó khăn, ách tắc khắc phục tồn tại này…

Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ kiến nghị sửa các thể chế theo hướng thể chế hóa các đường lối của Đảng liên quan tái cơ cấu đầu tư công; đồng bộ với các cơ quan pháp luật khác; phân cấp triệt đề và lựa chọn từng dự án phân bổ vốn cho đến điều chỉnh, thẩm định nguồn vốn, khả cân đối vốn… tổ chức thực hiện với tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương và các bộ, ngành; đồng thời vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ theo tinh của Luật Đầu tư công.

“Chúng ta đã tiến được một bước rất dài nên không được lơ là để quay trở lại giai đoạn trước. Đặc biệt, lần này phải đưa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện liên quan đến các khâu, các đoạn của phân bổ vốn và giải ngân vốn. Đặc biệt là người đứng đầu các cấp cơ sở thực hiện dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thanh Quang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/cot-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-cac-cap-co-so-thuc-hien-du-an/788040.antd