'Cột mốc sống' ở Khoang La San

Đỉnh Khoang La San cao 1.864m so với mực nước biển là một cột mốc phân định ranh giới 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào nằm ở A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Từ bao đời nay, dưới chân ngọn núi này là một cuộc hành trình dài của dân tộc Hà Nhì, tộc người của những câu chuyện vô cùng thú vị…

Tỉ tỉ bước chân người Hà Nhì dọc ngã ba biên giới

Chặng đường từ TP Điện Biên lên ngã 3 A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) - điểm cực Tây Tổ quốc dài gần 300km, cho đến bây giờ vẫn là cung đường gian khổ bậc nhất ở núi rừng Tây Bắc. Những khúc cua tay áo, những đèo cao, những vực thẳm sâu hun hút, những dốc Chà Cang, những tiếng mìn nổ phá đá mở đường… khiến tôi phải mất gần trọn một ngày đường mới đến được “nơi một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”.

Bộ đội biên phòng A Pa Chải trao đổi thông tin với người dân Hà Nhì

Gian khổ nhưng rất đẹp. Hai bên đường lên A Pa Chải mùa này hoa dã quỳ vàng rực. Trên những sườn núi cao hay dưới những bờ sông suối, sắc vàng của loài hoa báo hiệu mùa Đông hòa quyện với nắng vàng, với sương giăng, với mây trời bảng lảng để thêu dệt thành một bức tranh núi rừng Tây Bắc đẹp đến nao lòng. Xã Sín Thầu, đơn vị hành chính cực Tây Tổ quốc, một thảo nguyên rộng mênh mông bát ngát - thủ phủ của người Hà Nhì với hơn 300 hộ dân, 1.200 nhân khẩu…

Sín Thầu xưa là một vùng biệt lập, trùng trùng điệp điệp núi rừng bủa vây. Cái gian khổ ở Sín Thầu đã thành huyền thoại. Nhưng những tấm lòng, những sự hi sinh của BĐBP, giáo viên, anh công nhân mở đường và chính ý chí vươn lên của đồng bào Hà Nhì nơi đây là một huyền thoại khác. Cực Tây Tổ quốc bây giờ có nhà tầng, có tỷ phú, có người làm lãnh đạo trên tỉnh, trên huyện, nhiều con em đi học đại học, đi làm dưới Thủ đô Hà Nội…

Cái sự vươn mình huyền thoại ấy, bao nhiêu năm qua đã trở thành kho đề tài vô tận cho các thế hệ nhà văn, nhà báo, nhà làm phim khai thác mỗi khi đến với Sín Thầu, nhưng dường như không bao giờ cạn kiệt. Có những câu chuyện, bất cứ ai lên đây, dù nghe đi nghe lại vẫn cứ rưng rưng xúc động.

Theo chân Thượng úy Nguyễn Trường Giang, cán bộ vận động quần chúng tăng cường của Đồn Biên phòng A Pa Chải xuống các bản Tả Kố Khừ, Tả Lao San hay cao nguyên Tá Miếu, anh nói, nhà báo chắc đi nhiều nơi, thử xem có nơi nào mà người dân lại nâng niu, trân trọng và trách nhiệm với từng tấc đất, từng cột mốc biên cương đất nước như đồng bào ở đây không? Nói không ngoa, từng tấc đất, cột mốc, đường biên ở đây đều in dấu chân, đều thấm mồ hôi và cả xương máu người Hà Nhì từ đời này qua đời khác.

May mắn quá, chính sự gợi mở của anh thượng úy biên phòng mà tôi được nghe, được trải nghiệm, cảm nhận cái cốt cách, cái tình biên giới của người Hà Nhì mà đúng là “hiếm nơi nào có được”.

Bộ đội biên phòng A Pa Chải cùng với người dân tuần tra đường biên, cột mốc biên giới

Bản Tả Kố Khừ nằm dưới chân ngã 3 A Pa Chải, khuất dưới chân núi Khoang La San. Những mái nhà đỏ tươi, những con đường bê tông rộng rãi, những cây đào rừng bên các vệ đường đang chúm chím nụ đón xuân, trâu bò nhẩn nha gặm cỏ từng đàn… đã khiến khách lạ như tôi hình dung về một cuộc sống đủ đầy ở vùng phên dậu Tổ quốc.

Nói chuyện biên cương với trưởng bản Khoàng Cà Chừ, giọng ông có chút trầm lắng, xen lẫn xúc động và tự hào: “Bảo vệ biên cương là truyền thống của đồng bào Hà Nhì từ bao đời nay rồi. Từ khi đồng bào còn nghèo đói, gian khổ, còn tách biệt với thế giới bên ngoài thì mỗi người dân Hà Nhì đã là một “cột mốc sống” nơi ngã ba biên giới”. Nếp ấy đã ăn sâu bao thế hệ đồng bào. Người Hà Nhì sinh ra, lớn lên, già đi và nằm xuống ở đây, chỉ có từng tấc đất, cành cây, ngọn cỏ của biên cương Tổ quốc thì vẫn vậy. Lớp người này già đi, khuất đi thì lớp trẻ lại tiếp nối con đường xưa, dấu chân xưa của cha ông.

Truyền thống đến mức trưởng bản Chừ luôn dùng chữ phong tục, cách nói như muốn thể hiện việc tuần tra biên giới gắn liền với lịch sử của dân tộc họ. Không ai bắt cả, nhưng từ nửa thế kỷ nay, mỗi tháng 1 - 2 lần, ti tỉ dấu chân, hàng vạn chuyến đi biên giới, có cảm tưởng, đến cả lau lách biên cương cũng sống bởi những giọt mồ hôi đồng bào Hà Nhì. Bất kể già hay trẻ, trai hay gái, người Hà Nhì đánh dấu sự trưởng thành bằng những chuyến tuần biên.

“Thuở trước núi rừng còn rậm rạp, đường biên giới nhiều chỗ còn chưa rõ ràng, đi lại khó khăn thì chỉ những thanh niên trai tráng đi thôi. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi bản trong xã cử ra các đại diện lập thành từng tổ, từng đội luân phiên nhau đi kiểm tra dọc các tuyến biên giới. Xem thử có ai xâm lấn, có thổ phỉ hoạt động không. Nay đường sá đi lại đỡ vất vả hơn nhiều rồi nên lớp trung niên cũng có thể tham gia được. Như tôi đây, vẫn “đi biên” đều đấy. Với đồng bào Hà Nhì, chưa có lúc nào ngơi nghỉ, sai hẹn với biên cương đâu”, trưởng bản Chứ nhấp bát rượu ngô, cười khà.

Người đồng bào vốn lạc quan, kể chuyện gian khổ cứ cười như không khiến những kẻ khách như tôi không thể ngờ đó là một hành trình gian nan đến vậy.

Hoài niệm về con đường tuần tra của dân bản, thượng úy Giang, trưởng bản Chừ, phó bản Mạ Sàn Hòa như lục tìm lại những thước phim trong tâm trí.

Mỗi chuyến tuần tra biên giới ở A Pa Chải nếu đi gần thì chỉ nắm cơm mang theo ăn trưa, tối có thể quay về ngay được. Nhưng có những cuộc hành trình từ biên giới Việt - Trung đi vắt sang biên giới Việt - Lào, kéo dài hàng tuần, thậm chí là nửa tháng. Những chuyến đi gian khổ không thể nào tả xiết.

Trưởng bản Chừ kể, những lần gặp mưa lũ là vất vả nhất. Giữa rừng mà củi khô không có để nhóm bếp, phải nhịn ăn, gặm nhấm lương khô cho qua ngày. Có những lúc còn phải mang quần áo khô hoặc màn ngủ ra để nhóm bếp nấu ăn, sưởi ấm xua đi cái lạnh của núi rừng. Gặp lũ dưới suối lên cao, cuốn theo cây cối, sẩy chân là chết, nhưng người dân chưa sót một chuyến đi nào.

Một góc bản của xã Sín Thầu nhìn từ trên cao

Chỉ kể lại thôi mà Mạ Sàn Hòa rưng rưng nước mắt: “Những đoạn tuần tra mà không có sông, suối thì phải hái lá, rau rừng ăn; những đoạn có suối thì xuống bắt cá, bắt ếch, bắt cua… cải thiện. Nếu gặp lũ có khi phải nhịn ăn cả ngày, dựng lán, ngủ tập trung lại với nhau, đốt lửa xung quanh ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh, đỡ đói”.

Nếu thử làm phép tính con đường đã đi, dấu chân người Hà Nhì đặt lên biên giới chắc cũng phải hàng vạn cây số, ti tỉ bước chân vượt qua rừng núi. Đó không còn là đường biên nữa mà là quãng đường cả một đời, một kiếp của người Hà Nhì, những con người hiến dâng trọn đời cho từng cột mốc, đường biên đất mẹ.

Nói chuyện đồng bào Hà Nhì tuần tra biên giới, ông Pờ Chinh Phạ, Phó chủ tịch UBND xã Sín Thầu tự hào: “Tất cả nhân dân đều tự nguyện đăng ký tự quản cột mốc. Nếu tính cả xa và gần thì cứ 2 – 3 ngày người dân lại luân phiên đi kiểm tra cột mốc một lần. Dù chưa có chính sách hỗ trợ gì, nhưng người dân ở ngã ba biên giới vẫn luôn có ý thức xem đấy là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc”.

"Đồn Biên phòng A Pa Chải có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 40,5km đường biên giới, gồm 2 tuyến: Việt Nam - Trung Quốc dài 19,5km; Việt Nam - Lào 21km. Hiện có 16 cột mốc, tuyến Việt - Trung 8 cột mốc, tuyến Việt - Lào 7 cột mốc và một cột mốc tiếp giáp 3 đường biên giới Việt - Trung - Lào. Từ xa xưa người dân Hà Nhì đã bảo vệ biên giới. Trong phân định cắm mốc đều có sự đóng góp quan trọng của nhiều dòng họ. Người dân xem người lính như con em thân thiết trong gia đình. Đó là sức mạnh tổng hợp, lấy dân làm gốc, dựa vào dân để bảo vệ biên giới. Trên địa bàn xã có 9 hộ, với 50 nhân khẩu đăng ký tự quản đường biên, cột mốc và có 7 tổ an ninh với 35 thành viên. Đây chính là cột mốc sống bảo vệ vùng biên". - Thượng tá Vũ Đình Bính, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải.

Còn với Đồn Biên phòng A Pa Chải, nghĩa cử của người Hà Nhì, như lời thượng tá Vũ Đình Bính, Chính trị viên của đồn là “những hy sinh không biết mệt mỏi, là sự dâng hiến, là kỳ tích không tưởng”.

Dòng họ của những người thủ lĩnh

Sự hy sinh thầm lặng của những dòng họ người Hà Nhì cho cột mốc, cho đường biên, cho núi rừng Khoang La San đều nhắc đến dòng họ Pờ - dòng họ thủ lĩnh ở Sín Thầu.

“Phong tục” tuần tra biên giới của đồng bào Hà Nhì cũng ít nhiều gắn với những con người ưu tú của dòng họ này. Từ những năm tháng đói khổ, người Hà Nhì như sống trong bóng tối của những tập tục lạc hậu, của những cái “chết trắng” khiến bản làng sống trong bóng ma sợ hãi, những cuộc tàn sát của thổ phỉ đã gây ra bao tang tóc bên dòng suối Păng Pươi, dưới ngọn Khoang La San…

Chính dòng họ Pờ với những người con mà người Hà Nhì tôn vinh bao thế hệ đã đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, của bộ đội biên phòng… Nhâm nhi ngụm nước chè, Pờ Dần Sinh, từng làm Bí thư, Chủ tịch xã Sín Thầu gần 20 năm, kể lại câu chuyện về cuộc đời của bố ông, của các anh ông và chính ông…

Hơn 60 năm trước, bố ông Sinh, ông Pờ Pố Chừ ở bản Tả Lao San là người đầu tiên ở vùng đất biên giới này đi giúp bộ đội đánh Tây giải phóng Tây Bắc. Ông Chừ cũng là người cùng thanh niên trong xã, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên nơi ngã ba biên giới. Từ lúc ấy, dòng họ Pờ là hạt nhân cách mạng để giúp bộ đội giải phóng ngã ba biên giới.

“Từng khe suối, từng quả đồi, từng vách đá, gốc cây… trên biên giới này, dòng họ Pờ chúng tôi đều nắm rõ cả. Trước đây Đồn Biên phòng A Pa Chải chưa được thành lập, bộ đội cứ mỗi lần vào đây công tác đều ăn, ở nhà tôi. Có những lúc bộ đội lẫn đoàn khách công tác 30 - 40 người vào nhà, gia đình không có gì ngoài việc mổ trâu, mổ bò thết đãi”, ông Pờ Dần Sinh nhớ lại.

Những năm 50, vùng Sín Thầu thổ phỉ hoạt động nhiều vô kể. Đặc biệt là giai đoạn bộ đội ta phải rút về đánh chiến dịch Điện Biên Phủ thì bọn phỉ quay lại thống trị, lùng giết những người Hà Nhì nuôi cách mạng… Lại một lần nữa dòng họ Pờ đứng lên kêu gọi thành lập các đội dân quân, du kích để chiến đấu. Nhiều người hi sinh, những người anh trai ông Sinh như Pờ Gia Tự, Pờ Xì Tài đều bị thương trong những trận đánh ấy…

Với Pờ Dần Sinh, người Hà Nhì ở đây tôn làm thủ lĩnh vì những chiến công thời bình. Gần 20 năm làm lãnh đạo xã Sín Thầu, chính ông là người đứng đầu kéo đồng bào Hà Nhì ra khỏi bóng ma thuốc phiện, hủ tục…

Pờ Dần Sinh chia sẻ kỷ vật cách mạng về dòng họ Pờ

Hết phỉ lại đến “giặc” thuốc phiện. Ở Sín Thầu trước đây, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Cả xã lúc đó chưa đến nghìn người thì đã có tới 107 người nghiện. Một cân thuốc phiện bằng một tấn thóc, nên nhà nhà đều trồng. Thuốc phiện đã khiến sức khỏe của bà con suy yếu, trở nên lười biếng, nghèo đói bủa vây khắp bản làng.

Phải xóa bỏ thuốc phiện, Pờ Dần Sinh đặt ra quyết tâm. Nhưng làm cách nào để vận động bà con nghe theo? Nghĩ mãi, cuối cùng Pờ Dần Sinh chọn đối tượng đầu tiên để đưa đi cai là mẹ vợ. Một bà già đã nghiện suốt 37 năm, đi không nổi, mỗi ngày 2 - 3 lần người trong gia đình phải khiêng lên đồn biên phòng cho uống thuốc xong rồi lại khiêng về. Thế mà cũng cai nghiện thành công. Đến năm 1999 Sín Thầu không còn có người nghiện nữa.

Những năm sau đó là cuộc chiến với hủ tục, người Hà Nhì trước kia, trai gái 14, 15 tuổi đã dựng vợ gả chồng. Pờ Dần Sinh là người đầu tiên trong xã vận động chính những đứa con của mình đi lấy người dân tộc khác.

Mấy năm nay Pờ Dần Sinh vắt óc suy nghĩ làm sao để người Hà Nhì có thể giàu lên được. Trước khi về nghỉ hưu, ông có 12,7ha đất được cấp sổ đỏ, để cho những người kế nhiệm có điểm tựa, có cơ sở, ông quyết định hiến 6ha đất để xây dựng trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trụ sở UBND... Ông còn vận động anh em, họ hàng, chính em trai ông hiến, đổi toàn bộ đất để xã có thêm diện tích xây trường học, làm trạm y tế...

Căn nhà toàn bằng khen của ông Pờ Dần Sinh

“Tôi đã cho 8 gia đình trong xã bò giống về nuôi, nhằm giúp họ xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình khó khăn, mượn tiền đi chữa bệnh 10 năm sau mới trả... Cộng đồng người Hà Nhì không nhiều, xuất phát từ tấm lòng, giúp đỡ lẫn nhau là bảo vệ nhau. Nói như bố tôi, làm phúc cho con cháu phải làm từ cái tâm của mình”.

Từ Pờ Pố Chừ đến Pờ Xì Tài, Pờ Dần Sinh… những người họ Pờ tiên phong ở ngã ba biên giới đã thay đổi Sín Thầu. Pờ Pò Xá, cán bộ xã Sín Thầu hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thượng tá Pờ Chí Lình, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường Nhé… Con trai ông Pờ Dần Sinh, Pờ Hùng Sang bây giờ là lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé… Cái chất thủ lĩnh của dòng họ Pờ cứ thế chảy trong huyết thống từ đời này sang đời khác.

Trong trí nhớ của thượng tá Bính, một Sín Thầu cùng cực, đói khổ đã qua đi như một giấc mộng thần kỳ: “Trước đây cực kỳ khổ, đi bộ gần chục ngày ra huyện họp, gặp lũ phải nhịn đói; một bộ quần áo mặc trên người, đi từ đồn ra tới huyện rách luôn. Học sinh cấp một phải ra huyện, thậm chí nhiều gia đình gửi con, gửi cháu sang tận Mường Tè (Lai Châu) học. Đến bao muối còn thiếu nói gì đến đời sống. Cuộc sống từ săn bắn, hái lượm, rồi phát nương, chọc lỗ… giờ cày bừa bằng máy móc, có trang trại, làm ăn có quy mô rồi...”.

Ông Pờ Chinh Phạ: “Người dân đã tự giác tham gia canh tác, đời sống kinh tế được nâng lên khá tốt. Người dân ấm no, hạnh phúc chúng tôi mừng lắm. Người Hà Nhì giờ phấn đấu để làm giàu thôi. Xã chúng tôi đời sống kinh tế, an ninh trật tự đều tốt; văn hóa, thể thao đều đạt giải nhất của huyện. Nói không quá thì Sín Thầu là xã tốt nhất huyện Mường Nhé”.

Trần Hồ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cot-moc-song-o-khoang-la-san-post234919.html