'Cột mốc sống' nơi biên cương Sen Thượng

Chuyến tuần tra đầu Xuân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng, BĐBP Điện Biên cũng như bao chuyến tuần tra khác, không thể thiếu một già làng với hơn 30 năm miệt mài, sát cánh cùng những người lính Biên phòng. Ông là Pờ Xuân Chừ, ở bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Trong những chuyến tuần tra, già làng Pờ Xuân Chừ thường trao đổi với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng về tình hình cột mốc biên giới. Ảnh: Kim Nhượng

Chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng thực hiện chuyến tuần tra biên giới, kiểm tra bờ kè tại cột mốc 15(2) và 16(3). Dọc đường Đại úy Văn Hòa, Chính trị viên phó Đồn Sen Thượng chia sẻ: “Xuống tới mốc, tôi sẽ cho anh gặp một người rất đặc biệt. Ông là người ngày đêm canh giữ hai cột mốc mà chúng ta sắp xuống đó”.

Cơn mưa xối xả làm cho con đường đất từ Đồn Biên phòng Sen Thượng ra mốc dài gần 20km ngập ngụa, lầy lội bùn đất, một bên là vực thăm thẳm, một bên là những vách đá dựng đứng. Vượt qua chặng đường khoảng 10km, chúng tôi bắt đầu tiến vào những cánh rừng già với những tán cây um tùm, xung quanh là những cây gỗ đến 2 người ôm không xuể. Đến lưng chừng núi, khi bắt đầu nhìn thấy ánh mặt trời thì cũng là lúc thung lũng phía trước hiện ra trước mắt. Đại úy Vũ Văn Hòa chỉ tay xuống thung lũng nói: “Xuống hết con dốc này là tới cột mốc 15(2) và 16(3). Lán già Chừ ở đó”. Tôi căng mắt nhìn theo hướng chỉ tay của đồng chí chính trị viên, thấy căn lán nhỏ của già làng Pờ Xuân Chừ nằm ngay cột mốc 15(2). Thấy chúng tôi từ xa, ông đon đả ra đón.

Trước mắt tôi là ông già nhỏ nhắn, trạc 70 tuổi, nhưng thân hình săn chắc, dáng đi thoăn thoắt. Càng nói chuyện với ông, tôi càng cảm nhận rõ hơn về một con người đầy trách nhiệm với cộc mốc chủ quyền quốc gia. Từ năm 1974, ông là cán bộ xã Xín Thầu, đến năm 1991, ông chuyển nhà về Tả Ló San sinh sống, rồi sau này dựng căn lán ngay cột mốc 15(2) và 16(3), trực tiếp nhận trông coi hai cột mốc này. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông vẫn thường xuyên ra kiểm tra mốc, vì đối với ông, cột mốc chủ quyền phải luôn được coi như “con ngươi” của mắt mình vậy. Nhấp chén chè xanh, ông chia sẻ, nhiều khi ra mốc nhiều quá, có người hỏi đùa: “Ông Chừ! Biên phòng một tháng cho bao nhiêu tiền mà ngày nào ông cũng ra cột mốc thế?”. Ông chỉ cười, nói: “Biên phòng chỉ cho được cái tình thôi”.

Không chỉ miệt mài trông coi cột mốc, ông Chừ còn là một người đầy trách nhiệm, luôn là “tai mắt” quan trọng của những người lính Biên phòng nơi biên cương Sen Thượng này. Khi được hỏi lý do tại sao ông lại gắn bó với BĐBP đến vậy, ông chỉ cười rồi nói rất nghiêm túc: “Mỗi người dân ở biên giới đều phải có trách nhiệm với đường biên, cột mốc; phải coi cột mốc như tài sản quý giá của bản thân mình vậy. Đường biên, cột mốc được thanh bình, vẹn toàn như ngày hôm nay là biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả máu của biết bao nhiêu thế hệ ngã xuống mới có được”. Ông nói, đôi mắt ngân ngấn lệ. Rồi ông tiếp: “Ngày nào đi qua mốc 10, bố cũng rưng rưng, tự đứng một mình suy nghĩ. Ở đấy có cán bộ biên phòng đã ngã xuống để bảo vệ cho cột mốc, đường biên, bảo vệ cho người Hà Nhì, cho dân bản Tả Ló San. Bố tự hứa với mình không bao giờ được phép sao nhãng công việc”.

Ngó qua căn lán đơn sơ ông Chừ ở, tôi thấy vật dụng bên trong rất ngăn nắp. Trên tường treo những thứ mà theo ông là vật bất ly thân: Con dao quắm, chiếc đèn pin. Con dao quắm để phát quang quanh cột mốc. Chiếc đèn pin để chiếu thẳng ra mốc mỗi khi “có động”. Tháng 6-2016, hai đối tượng lạ mặt bên kia biên giới mang theo vũ khí sang đây với ý định săn bắn thú rừng đã bị ông phát hiện đẩy đuổi kịp thời. Ông còn vận động, tuyên truyền những người dân bên kia biên giới không được phép sang săn bắn, không được phép sử dụng vũ khí trái phép trên đất Việt Nam.

Già làng Pờ Xuân Chừ cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng tuần tra, kiểm tra cột mốc. Ảnh: Kim Nhượng

Thượng tá Lê Ngọc Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sen Thượng cho biết: Ông Pờ Xuân Chừ là một già làng đã gắn bó với biết bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đồn Sen Thượng. Ông như người ông, người cha trong gia đình. Có những việc quan trọng xảy ra tại mốc 15(2) và 16(3), ông lập tức đi bộ hơn 20km để báo cho đồn. Trong nhiều năm qua, cán bộ đồn và anh em cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà cho ông vào các dịp lễ, tết; lấy tấm gương của ông để giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ đồn noi theo.

Chia tay ông Pờ Xuân Chừ khi mặt trời đã bắt đầu lặn sau rặng núi Tả Ló San, chúng tôi lại lầm lũi vượt lên con dốc dựng đứng. Ngoảnh lại nhìn, vẫn thấy ông đứng đó vẫy tay, cho đến khi chúng tôi khuất hẳn vào cánh rừng già.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cot-moc-song-noi-bien-cuong-sen-thuong/