Cột mốc quan trọng trong quan hệ chính trị-ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế-chính trị thế giới, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho rằng kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tạo ra một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước.

 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam - Ảnh: VOV

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam - Ảnh: VOV

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thăm chính thức Việt Nam trong các ngày 18-20/10. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide, diễn ra một tháng sau khi ông nhậm chức và là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam và Indonesia - hai nước thành viên ASEAN - là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức là một niềm vui không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với nhân dân các quốc gia Đông Nam Á khác. “Điều này thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản đối với khu vực này”, Đại sứ nhận định.

Bên cạnh đó, theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, điều đó cũng thể hiện Nhật Bản coi nước này là một bộ phận không thể tách rời của một khu vực rộng lớn hơn, trong đó các quốc gia Đông Nam Á là một bộ phận.

Liên quan tới chính sách của Nhật Bản với Việt Nam, trả lời TTXVN, Đại sứ cho rằng, đây là sự kế thừa xuyên suốt chính sách của Nhật Bản trong các thời kỳ đã qua, đặc biệt là thời chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo. Gần 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai quốc gia gắn bó và tin cậy trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và ngược lại Việt Nam cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.

Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là dưới thời kỳ chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo. Tất cả các số liệu về sự hợp tác giữa hai nước đều tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giao lưu nhân dân. “Điều đó cho thấy quan hệ Việt-Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn”, Đại sứ nhận định.

Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động giao lưu nhân dân. Cho đến nay, số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản đã lên tới 500.000 người, đông nhất trong tất cả cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản. Điều này thể hiện rằng cộng đồng người Việt Nam đã tạo được sự tin cậy đối với người dân Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng thể hiện sự hòa hợp giữa người dân Việt Nam và người dân Nhật Bản.

Mặt khác, các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhận thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tin cậy và an toàn cho nguồn vốn đầu tư của mình. Trong thời gian qua, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai với tổng số vốn đầu tư cam kết lên tới hơn 60 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn. Đại sứ tin rằng trong thời gian tới, với chính sách của Chính phủ Nhật Bản nhằm đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, xu hướng lựa chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư và mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong số các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ gia tăng và đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam còn phát triển hơn nữa.

Về thương mại, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản kiểu mẫu của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu của hai nước đều khá cân bằng, ở mức trên 20 tỷ USD. Điều này giúp cho cán cân thanh toán giữa hai nước cũng cân bằng. Sắp tới, nhu cầu của người dân Nhật Bản trong việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng lên và ngược lại, chúng ta có nhu cầu đối với hàng hóa và sản phẩm của Nhật Bản.

Động lực rất mạnh cho quan hệ kinh tế-chính trị

Trao đổi về những nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp giữa Thủ tướng Suga Yoshihide và các nhà lãnh đạo Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, nội dung của chuyến thăm sẽ bao quát toàn bộ mối quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trước hết, về mặt kinh tế, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về các biện pháp để tiếp tục củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Thứ hai, trong bối cảnh nhiều thách thức đang nổi lên ở châu Á nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng, và Nhật Bản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề an ninh và ổn định của khu vực, các vấn đề an ninh, chính trị, quan hệ ngoại giao và hợp tác trên trường quốc tế sẽ là một nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo hai nước.

Thứ ba, “chúng ta cũng kỳ vọng các nhà lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi rất kỹ về hợp tác trong việc phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc mở cửa biên giới và mở các chuyến bay thương mại giữa hai nước để tạo cơ hội cho các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển”, Đại sứ chia sẻ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực tới nền kinh tế - chính trị thế giới, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng kết quả của cuộc gặp giữa Thủ tướng Suga Yoshihide với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tạo ra một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cùng với việc hai nước đưa ra các giải pháp mới đối với đầu tư, thương mại và phòng chống dịch COVID-19, chuyến thăm sẽ tạo ra động lực rất mạnh cho quan hệ kinh tế- chính trị giữa hai nước phát triển nhanh và mạnh hơn.

Dự báo về làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, có một dòng chảy rất mạnh của vốn đầu tư từ Nhật Bản đang hướng tới Việt Nam. Năm 2019, có một luồng vốn rất mạnh từ Nhật Bản chảy vào Việt Nam. Bước vào năm 2020, chúng ta lo ngại rằng dịch COVID-19 có thể sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy đó. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn đang chứng kiến một dòng chảy khá lớn của vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Đó là điều rất đáng mừng. Đáng chú ý, các lĩnh vực đầu tư và cơ cấu đầu tư của dòng vốn này đã có sự thay đổi, chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực tiên phong của thế kỷ 21 như công nghệ cao, viễn thông và những ngành liên quan đến các hạ tầng quan trọng của Việt Nam.

Cùng với đầu tư, theo Đại sứ, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có những bước phát triển. Mặc dù giao lưu nhân dân bị chững lại nhưng hoạt động giao thương vẫn tiếp tục. Giao thương giữa hai nước phát triển rất mạnh cả bằng đường biển và đặc biệt là đường hàng không. Đó là những tín hiệu rất tốt trong năm 2020.

Chiều 15/10, Đại sứ Vũ Hồng Nam và ông Yuji Kuroiwa, Thống đốc tỉnh Kanagawa, đã tới chào Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trước khi người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Phát biểu với các phóng viên ở Tokyo, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết tại cuộc gặp, ông đã báo cáo với Thủ tướng Suga về quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản nói chung và tỉnh Kanagawa nói riêng, cũng như công tác chuẩn bị của Việt Nam cho chuyến thăm. Đại sứ nhấn mạnh người dân Việt Nam rất hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Suga, đồng thời bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ tạo ra dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Về phần mình, Thống đốc Kuroiwa chia sẻ Thủ tướng Suga rất mong chờ chuyến thăm sắp tới đến Việt Nam, đồng thời đánh giá vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN.

Theo Thống đốc Kuroiwa, lý do mà Thủ tướng Suga quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cũng giống như lý do mà ông đang nỗ lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa tỉnh Kanagawa và Việt Nam. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam; sự tuyệt vời trong tính cách của người dân Việt Nam; và sự hòa hợp giữa người dân Việt Nam và người dân Nhật Bản.

Thống đốc Yuji cũng bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga sẽ là chuyến thăm mang tính lịch sử, góp phần “tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới”.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/cot-moc-quan-trong-trong-quan-he-chinh-tringoai-giao-viet-namnhat-ban/410836.vgp