Cột mốc quan trọng, triển vọng tươi sáng trong quan hệ Ấn Độ-Việt Nam

Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam được thiết lập vào năm 1972, tình hữu nghị và mối quan hệ thân thiết giữa hai nước đã bắt đầu từ mối liên kết văn minh lâu đời hàng thiên niên kỷ trước, thể hiện qua di sản Phật giáo và văn hóa Chăm.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.

Năm nay, Ấn Độ và Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ mà chúng tôi kỷ niệm với tên gọi “Azadi Ka Amrit Mahotsav”. Hai dấu mốc này khiến cho năm nay có ý nghĩa nhân đôi đối với cả hai nước.

Là hai quốc gia hiện đại, độc lập, Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ lịch sử đấu tranh giành độc lập từ chế độ thực dân tương tự nhau. Những người cha già sáng lập hai nước cũng dành sự ngưỡng mộ cho nhau. Nhờ được ươm mầm bởi tầm nhìn của họ, Ấn Độ và Việt Nam đã có mối quan hệ tuyệt vời kể từ khi giành độc lập, với truyền thống giúp đỡ nhau trong thời khắc khó khăn và hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển đất nước.

50 năm qua là một chặng đường đồng hành đáng ghi nhận khi cả Ấn Độ và Việt Nam đã vượt qua những khó khăn để theo đuổi công cuộc xây dựng đất nước và chuyển đổi kinh tế - xã hội.

Hiện nay, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được gọi là Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này thể hiện qua các mối quan hệ hợp tác sâu rộng đang diễn ra giữa hai nước - từ quan hệ chính trị đến kinh tế và đối tác phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi đã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ.

Tầm nhìn chung vì Hòa bình, thịnh vượng và người dân được Thủ tướng hai nước thông qua tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến vào tháng 12/2020 đã đưa ra kế hoạch chi tiết cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương. Bất chấp sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, hai nước vẫn tiếp tục đạt được những bước tiến trong tất cả các lĩnh vực được xác định trong bản Tầm nhìn chung này.

Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục được đánh dấu bằng các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên. Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4/2022, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Ấn Độ vào tháng 12/2021 và chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ tới Việt Nam vào tháng Tư năm nay đã tạo thêm động lực mới cho quan hệ chính trị hai nước.

Là hai trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Từ mức 200 triệu USD ít ỏi vào năm 2000, thương mại song phương hằng năm vẫn duy trì đà tích cực và lần đầu tiên vượt mốc 14 tỷ USD vào năm 2021 bất chấp những khó khăn do đại dịch gây ra.

Trong gần 5 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thương mại song phương đã tăng gấp đôi. Hiện hai nước đang tập trung vào việc nâng thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2022.

Doanh nghiệp và các ngành công nghiệp hai nước đang tìm kiếm cơ hội với những kỳ vọng lớn hơn. Khi Ấn Độ tự định vị trở thành động lực thúc đẩy hồi phục kinh tế toàn cầu sau Covid-19 và đặt ra tham vọng trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ USD, và khi Việt Nam đang tập trung hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, hai nước có cơ hội hợp tác rộng mở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Ấn Độ Rajnath Singh, ngày 8/6/2022.

Quan hệ đối tác quốc phòng của chúng ta đang phát triển nhanh chóng. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới Việt Nam vào tháng Sáu năm nay đã tạo thêm cơ hội mới cho hợp tác quốc phòng song phương. Quân đội hai nước vẫn duy trì liên lạc thường xuyên, bao gồm hoạt động trao đổi thường xuyên giữa các tàu hải quân, các cuộc tập trận song phương, các chương trình đào tạo và các sáng kiến nâng cao năng lực.

Gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD Ấn Độ dành cho Việt Nam đã hoàn thành, giúp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất hàng hải và quốc phòng mới. Hợp tác giữa hai nước trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được tăng cường thông qua các hoạt động trao đổi giữa hai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.

Quan hệ đối tác phát triển với các Dự án tác động nhanh đang thiết lập các cơ sở hạ tầng mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương tại hơn 30 tỉnh thành Việt Nam và đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Hai nước cũng đang hợp tác trong các lĩnh vực mới hơn như ứng dụng công nghệ vũ trụ và hạt nhân dân dụng cho mục đích phát triển.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind cùng phu nhân đến thăm Khu di tích Mỹ Sơn, ngày 19/11/2018.

Giao lưu văn hóa đạt tầm cao mới thông qua các dự án bảo tồn khảo cổ học tại khu di tích Mỹ Sơn mang đầy tính biểu tượng ở miền Trung Việt Nam.

Giao lưu nhân dân nhận được sự thúc đẩy với việc nối lại các đường bay thẳng. Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa hoạt động du lịch giữa hai nước, bao gồm cả việc tận dụng di sản Phật giáo chung.

Tôi cũng rất vui mừng khi thấy hiện nay, yoga đã trở nên phổ biến khắp nơi tại Việt Nam. Điều này mang lại sự kết nối mạnh mẽ về văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ. Yoga đang kết nối các nền văn hóa và nhân dân hai nước trong thời hiện đại giống như cách mà Phật giáo đã làm cách đây hai nghìn năm.

Hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 8 tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Về mặt đa phương, Ấn Độ và Việt Nam đang có quan hệ chặt chẽ với nhau. Ấn Độ coi Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông cũng như tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nước có sự phối hợp tuyệt vời tại ASEAN. Ấn Độ và Việt Nam đồng thời là thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2021 và đã phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề toàn cầu.

Nói đến tương lai, chúng tôi rất lạc quan về quan hệ song phương. Có nhiều đặc điểm mà hai quốc gia và hai xã hội của chúng ta cùng chia sẻ, điều này mang lại nền tảng tuyệt vời cho sự phát triển bền vững trong tương lai của quan hệ song phương.

Ấn Độ và Việt Nam là hai xã hội đầy khát vọng với nhân khẩu trẻ. Cả hai đều là nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Cả hai quốc gia đều tập trung vào việc gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế tiên tiến có thu nhập cao vào thời điểm hai nước kỷ niệm 100 năm ngày độc lập - năm 2045 đối với Việt Nam và năm 2047 đối với Ấn Độ.

Cả hai nước cùng cam kết vượt qua những thách thức chung như biến đổi khí hậu và nghèo đói nhằm đạt sự phát triển bền vững và bao trùm. Chúng ta là hai quốc gia ngày càng được thúc đẩy bởi những hứa hẹn mà công nghệ mới, sự cải tiến và số hóa mang lại, giúp tăng trưởng kinh tế và trao quyền cho người dân.

Hai nước cũng có chung quan điểm về hầu hết các vấn đề trong khu vực và trên thế giới. Đó là cơ sở tự nhiên cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế. Cả hai nước đều cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và cải cách chủ nghĩa đa phương.

Cả hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Và cả hai nước đều tin rằng hợp tác Ấn Độ - Việt Nam sẽ là một nhân tố thúc đẩy ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chung.

Trong quá trình kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao – một cột mốc quan trọng trong quan hệ Ấn Độ-Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước mang đầy hứa hẹn to lớn hơn nữa trong 50 năm tới.

Pranay Verma

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cot-moc-quan-trong-trien-vong-tuoi-sang-trong-quan-he-an-do-viet-nam-194433.html