Cột mốc I: Tự vị Bồ Việt và Việt Bồ ra đời

Bài trước, chúng ta thấy quá trình Latin hóa bắt đầu từ tên các địa danh, xuất hiện trong các bản đồ hàng hải, báo cáo, văn bản hiệp định…

Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ ở Việt Nam

Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc Ngữ ở Việt Nam

Quá trình này diễn ra từ thế kỷ 16 tới khoảng những năm 1615, và sự Latin hóa đó cho ra đời những cái tên phiên và ký âm chưa ổn định.

Nhưng sang nửa đầu thế kỷ 17, quá trình Latin hóa bắt đầu diễn ra nhanh hơn, khoa học hơn, và có nhiều thành tựu. Chúng ta cùng điểm lại những hoàn cảnh chính trị, biến cố, sự kiện, con người… đã đưa đến việc thúc đẩy nhanh hơn quá trình Latin hóa này.

Các thừa sai Dòng Tên đầu tiên tới Đàng Trong, vào năm 1615 là Francesco Buzomi, Francesco de Pina năm 1616, và Christophoro Borri năm 1617.

Đây là thời kỳ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi ở Đàng Trong, gọi là Chúa Sãi. Thực hiện lời căn dặn của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Chúa Sãi quyết tâm xây dựng Đàng Trong giàu mạnh, để đủ sức mạnh cự địch với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Để thu hút ngoại lực, Chúa Sãi mở rộng buôn bán với người Bồ Đào Nha, trọng dụng trí thức Bồ, khoan hồng và đối xử tử tế với các nhà truyền giáo.

Nhà thờ Lòng Sông ở Bình Định - cơ sở truyền giáo Nước Mặn, cũng là một trong ba nơi in sách chữ Quốc Ngữ đầu tiên

Các thừa sai Dòng Tên được quan phủ Quy Nhơn là Trần Đức Hòa đón vào Nước Mặn, giúp dựng nhà thờ, chăm lo chu tất cuộc sống thường ngày, để các thừa sai yên tâm truyền đạo, và nghiên cứu Latin hóa tiếng Việt.

Cả hai phía chính quyền và các thừa sai đều mong muốn việc Latin hóa này mau thành công không chỉ ghi tên các địa danh, mà còn để giao tiếp với dân chúng, viết kinh giảng đạo và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tới sau.

Thời gian này, việc Latin hóa tiếng Việt rất phong phú. Ví dụ, Latin hóa tên nước ngoài và các địa danh trong nước. Ainam là Ailao. Chiampa là Champa. Anam là An nam. Cocincina, Couchine, Cauchinchine là Đàng Trong. Tunquin là Đông Kinh – Đàng Ngoài. Sinnua là Thuận Hóa.

Một số từ tiếng Việt được phiên và ký âm bằng mẫu tự Latin.

Latin hóa các từ chỉ người như Bua là Vua. Onsay là Ông Sãi. Ongne là Ông Nghè….

Latin hóa các danh từ chỉ vật như: Gnoo là Quả Nho. Sayckim là Sách Kinh. Noecman là Nước mắm.

Latin hóa các động từ như: Scin là Xin. An là Ăn. Di lay là đi lại…

Latin hóa các cụm từ như: Scin mocay là Xin một cái. On Say dilay là Ông Sãi đi lại…

Thậm chí Latin hóa cả một câu như: ‘’Con gno muon bau tlom laom Hoaloam chiam’’ – nghĩa là Con nhỏ muốn vào trong làng Hoa lang chăng. (Theo Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo Việt Nam, quyển 1, Nhà in Phước Sơn, 1959)

Ngoài việc Latin hóa các từ, cụm từ, câu vừa nêu ví dụ ở trên, ba vị thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong đầu tiên (đã kể tên ở đoạn đầu bài báo), còn phối hợp với các giáo hữu giỏi chữ Nho, viết cuốn kinh giảng đạo bằng chữ Nôm. Cuốn này được viết ở Nước Mặn vào khoảng năm 1621. (Theo Trương Bá Cần, Cuộc truyền giáo Đàng Trong, Nguyệt san Công giáo và dân tộc, số 50, tháng 2 năm 1999)

Linh mục Fracesco de Pina chính là người dạy tiếng Việt cho linh mục Alexandre De Rhode. Và Alexandre De Rhode lại dạy tiếng Việt cho thừa sai Gaspar d’Amaral, người viết cuốn Tự vị Việt – Bồ.

Alexandre De Rhode cũng là người dạy tiếng Việt cho thừa sai Antonio Barbosa, người viết cuốn Tự vị Bồ - Việt. Hai cuốn này hoàn thành vào năm 1632.

Trong hai cuốn Tự Vị này, các tác giả đã bắt đầu dùng một số dấu có sẵn trong tiếng Bồ Đào Nha để ghi giọng trầm – bổng, bằng – trắc của tiếng Việt, như dấu mũ, dấu huyền, dấu sắc.

Một số mốc lịch sử buổi đầu của những quy định bắt buộc dùng chữ Quốc Ngữ ở Nam Kỳ

Hai cuốn sách ‘’Tự vị Việt – Bồ’’ ‘’Tự vị Bồ - Việt’’ là hai cuốn từ điển quan trọng, đánh dấu cột mốc thứ nhất trong quá trình hình thành nên chữ Quốc Ngữ, đưa việc Latin hóa từ tiếng Việt bằng cách phiên và ký âm, trở thành việc sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ hoàn chính.

(còn tiếp…)

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/cot-moc-i-tu-vi-bo-viet-va-viet-bo-ra-doi-3400177/