Cốt lõi vẫn là nâng cao thu nhập cho nông dân

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tại hội thảo 'Giải pháp hỗ trợ DN đầu tư dự án và trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC); phát triển chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch trên địa bàn tỉnh BR-VT', do Tỉnh ủy tổ chức chiều 20/5. Hội thảo, các chuyên gia, DN đã hiến kế cho lãnh đạo tỉnh các giải pháp để phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Ông Phan Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT. Long Hải), với mô hình trồng rau thủy canh.

Ông Phan Tấn Nghiêm (khu phố Hải Điền, TT. Long Hải), với mô hình trồng rau thủy canh.

CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC

Tại hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sau gần 3 năm thực hiện đề án 04 của Tỉnh ủy, việc phát triển NNUDCNC của tỉnh bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Tính đến nay, tỉnh đã có 61 cơ sở sản xuất trồng trọt UDCNC với diện tích 2.819ha... Trong đó, có 2.698ha đang sản xuất trồng trọt, sản lượng ước đạt 37.906 tấn/năm. Ngoài ra, có 7.450ha cây lâu năm áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó có 887ha áp dụng biện pháp tưới tự động kết hợp điều tiết dinh dưỡng giúp gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tiết kiệm nước, nhân công. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có 131 trang trại chăn nuôi heo, gia cầm đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chiếm 27,5% tổng đàn chăn nuôi gia cầm và 59,3% tổng đàn chăn nuôi heo. Lĩnh vực thủy sản có 17 cơ sở nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống UDCNC với diện tích 391ha, trong đó đang sản xuất 222ha, sản lượng ước đạt 1.821 tấn/năm và 4,8 tỷ con giống/năm.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong thu hút đầu tư NNUDCNC, tuy nhiên theo ý kiến của các DN, vẫn còn khó khăn, vướng mắc khiến cho đầu tư vào lĩnh vực này chưa hiệu quả. Đó là cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, thiếu quỹ đất đủ lớn để đầu tư sản xuất NNUDCNC, mức hỗ trợ cho DN đầu tư NNUDCNC còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn. Đặc biệt, đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn. Trong khi đó, hiện nay DN và người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất NNUDCNC. Thị trường nông nghiệp không ổn định. Đại đa số hộ sản xuất, HTX, DNVVN chưa thể tham gia được vào các chuỗi giá trị của những tập đoàn lớn. Vì vậy, những rủi ro về thị trường, sự phá vỡ hợp đồng giữa DN với nông dân vẫn thường xuyên xảy ra, gây tâm lý sợ hãi, không mạnh dạn đầu tư. Nguồn nhân lực cho NNUDCNC còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho DN chưa đáp ứng yêu cầu.

THAY ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT

Tại hội thảo, các chuyên gia, DN đã có những đóng góp, hiến kế cho lãnh đạo tỉnh để phát triển NNUDCNC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương, TS Lê Hoàng Xuyên, Giám đốc Ban Quản lý Khu NNUCNC tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh này đã xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù về thuế, đất đai, giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư NNUDCNC. Hậu Giang cũng huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác kêu gọi đầu tư, nghiên cứu thực nghiệm và sản xuất NNUDCNC. “Cùng với đó, chúng tôi tích cực tham gia vào các Câu lạc bộ NNUDCNC. Từ đó, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước với các địa phương, viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học trong công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp. Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; đồng thời, thường xuyên tổ chức, tham gia các hội thảo để kêu gọi các DN đầu tư NNUDCNC tại địa phương”, ông Xuyên thông tin thêm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, cốt lõi của NNUDCNC vẫn là nâng cao thu nhập cho nông dân. Dẫn dắt cộng đồng nông dân ở các vùng nông nghiệp công nghệ cao cùng thành công mới là mục tiêu quan trọng nhất. Do đó, các giải pháp phát triển NNUDCNC cũng phải được thực hiện dựa trên phương châm đó. Đánh giá cao ý kiến đóng góp tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tiếp thu, chọn lọc để tham mưu đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp về xây dựng quy hoạch, đất, hạ tầng cho nông nghiệp, việc xây dựng các chính sách cấp tỉnh trong hỗ trợ phát triển NNUDCNC; tìm kiếm đầu ra cho nông sản; phát triển logistics để giảm chi phí vận chuyển, xuất khẩu nông sản…

Để phát triển bền vững NNUDCNC trên địa bàn tỉnh, TS Mai Hải Châu, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp. Cụ thể, cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang định hướng theo nhu cầu thị trường. Do đó, cần xây dựng chiến lược định hướng thị trường cho từng ngành hàng, hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng cần được cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể. Đồng thời xây dựng thương hiệu nông nghiệp đặc trưng của mình để bảo hộ và nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ DN, nhất là các vấn đề về thuế, hỗ trợ tích tụ đất đai, vốn vay, đào tạo nguồn lực. Cuối cùng, cần định hướng để DN, nông dân tham gia vào các hiệp hội, ngành hàng để tăng tính liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia, DN cũng đã góp ý cho lãnh đạo tỉnh về một số nội dung như phát triển NNUDCNC trong bối cảnh đô thị hóa; đề xuất một số công nghệ trong việc xây dựng các vùng NNUDCNC; các chính sách hỗ trợ DN đầu tư NNUDCNC…

PHÚ XUÂN - KIM HỒNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202005/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-cot-loi-van-la-nang-cao-thu-nhap-cho-nong-dan-899877/