Cốt cách rồng

Bất cứ nhánh xương rồng nào vào tay anh cũng sống được và hơn thế, sống một sức sống đầy nội lực. Khi những nghệ nhân khác trằn trọc và vội mừng chỉ đôi ba bông hoa thì anh có thể vỗ tay một cái, từng nhánh nhỏ của hàng ngàn cá thể đồng loạt nở hoa đủ màu, đủ kiểu. Hoa tràn trề mọi ngóc ngách của vườn. Thảm hoa bừng lên trên thảm gai cằn cỗi. Những sắc màu chen trong gai mà rực rỡ.

“Tôi nghèo lắm dẫu trong tay tôi là gia sản mang con số tỉ tỉ, dẫu kiến thức tôi người ta có thể đổi hàng trăm triệu một tháng để trả lương cho tôi. Nhưng nếu đổi tất cả những gì trong góc vườn quê này ra tiền rồi ngồi đó nhìn đồng tiền sinh lợi, tôi thấy sự sống của mình chẳng nghĩa lý gì”, Phạm Phúc Giác nói chắc giọng.

Người ta gọi anh là người nông dân hoặc là nghệ nhân. Tôi gọi anh là nhà khoa học hoặc là một chuyên gia. Bởi không phải anh sắp đặt, bởi không còn là bàn tay khéo léo quen nghề để tạo nên những sản phẩm kỳ công mà ở đó còn có chất xám, còn có những khám phá, là cả sự hệ thống và thấu đáo tường tận những đặc tính sinh học của giống loài. Nếu bạn có một đứa con, bạn có thể nhìn lướt qua cũng biết con mình đang vui buồn thế nào thì anh Giác có hàng chục ngàn “đứa con” như vậy và chỉ cần lướt qua nó, một tích tắc thay đổi đã nhận ra nó khỏe hay không.

Hơn 40 năm nghiên cứu ươm trồng, vườn xương rồng của nghệ nhân Phạm Phúc Giác ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã phát triển lên đến hàng ngàn chủng loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Hơn 40 năm nghiên cứu ươm trồng, vườn xương rồng của nghệ nhân Phạm Phúc Giác ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã phát triển lên đến hàng ngàn chủng loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Những gì anh dành cho xương rồng người ta gọi là đam mê, là tình yêu say đắm. Nàng thơ gai góc của nhà khoa học hoàn toàn không dễ tính. Bởi nàng có hàng ngàn tính trạng, thể hiện trên hàng chục ngàn cá thể đủ hình đủ dáng và cũng hàng ngàn xuất xứ. Tất cả gom về trong một khu vườn nhỏ, chung dưới một màu nắng, một luồng không khí có độ ẩm giống nhau. Từng cá thể thực vật đỏng đảnh không thể tự hòa nhập.

Nhà khoa học lắng nghe từng dòng nước chạy lặng thầm ẩn dưới màu gai tưởng như vô cảm. Lắng nghe, đáp ứng và chuyển hóa để thuần dưỡng. Để bản đồ xương rồng thế giới trở nên ngoan hiền trong một góc quê. Sáu tháng nắng chói chang hay sáu tháng mưa dầm dề, xối xả những mảnh đời hoang mạc cũng cứ nhởn nhơ trải dưới mặt trời những thảm hoa độc nhất vô nhị.

Có thể nói, bất cứ nhánh xương rồng nào vào tay anh Giác cũng sống được và hơn thế sống một sức sống đầy nội lực. Khi những nghệ nhân khác trằn trọc và vội mừng chỉ đôi ba bông hoa thì anh Giác có thể vỗ tay một cái từng nhánh nhỏ của hàng ngàn cá thể đồng loại nở hoa. Hoa đủ màu, đủ kiểu. Hoa tràn trề mọi ngóc ngách của vườn. Những màu hoa quen lẫn lạ. Thảm hoa bừng lên trên thảm gai cằn cõi. Những sắc màu chen trong gai mà rực rỡ.

Dưới mắt anh Giác xương rồng là loài cây miệt mài, loài cây của sự khắc nghiệt mang sứ mạng riêng giữa hoang mạc. Khi mà vùng đất không loài gì có thể sống được, xương rồng vẫn sinh sôi. Nó góp nhặt từng chút nhựa sống từ những đồi cát khô cằn, lặng thầm ẩn dật giữa hoang sơ, khi điều kiện đủ đầy, rồng vén mây hô phong hoán vũ. Những bông hoa trổ lên sau những ẩn dật nén mình. Nên sắc hoa là nội lực, là sức sống hay là sự bung xõa những ước mơ. Người ta nhìn hoa như nhìn thấy ở đó sự sống kỳ lạ tưởng như bất diệt của vũ trụ.

“Tôi yêu xương rồng từ cái nhìn đầu tiên. Trong khi lúc đó trong tay tôi là nghề y hái ra tiền, từ tiền có thể tìm đam mê bằng nhiều cách khác, tôi còn một nghệ nhân sở hữu những loại bonsai đang được ưa chuộng. Má tôi đi nước ngoài về, không phải mua cho con trai thuốc men như bao nhiêu bà mẹ khác mà là mua những nhánh xương rồng nhỏ xíu. Sao nó đẹp dữ vầy! Một bông hoa đẹp là bình thường. Một thân cây sần sùi gai góc mà đẹp thì hình như cái vẻ đẹp đó nó đến từ cái hồn cốt, cái duyên ngầm ẩn chứa sâu thẳm trong nó. Tôi đã hủy diệt tình yêu đầu đời của mình vì tôi hoàn toàn không hiểu gì về nó. Nhưng nếu như người ta nản lòng khi nuôi cây bị chết, tôi ngược lại, nó càng chết tôi càng mua nhiều hơn.

Tại sao nó chết? Đó là câu hỏi tôi hỏi nhiều lần và câu trả lời không hề rẻ. Ngày em gái bà con từ Úc về tôi nhờ nó hễ người ta cho phép bao nhiêu thì mang về bấy nhiêu xương rồng cho anh. Đầy một va li những củ xương rồng nho nhỏ. Bao nhiêu tiền phải không? Nó ngang giá bảy cây vàng. Lúc đó tôi không có tiền, chỉ có một chiếc xe dream trị giá hàng ngàn giạ lúa mới mua được một tháng. Tôi giao xe cho em gái lấy xương rồng.

Bảy cây vàng, bao nhiêu cây còn sống sau đó? Mỗi một cây chết đi là mỗi nhúm tiền đô la tan vào không trung. Quan trọng là sau những cái chết của chúng, tôi luôn có một bài học nào đó. Không bao giờ để một cái chết nào là vô ích Nhờ đó tôi cảm thấy không nản lòng khi đi tiếp. Từng ngày trôi đi, tiền trôi đi, màu tóc trôi đi, tôi nhận ra cái đẹp đích thực từ sự sống của xương rồng, tôi hiểu được giá trị của xương rồng Việt”, anh Giác kể.

Một bước đi khác cho cuộc tình với nàng thơ gai góc. Anh Giác quay về tìm vẻ đẹp của xương rồng quê mình - vùng đất An Giang. Câu hỏi lớn đặt ra, tại sao một xứ sở nhiệt đới với giống xương rồng phong phú như Việt Nam mà ta phải vác hàng trăm đô, ngàn đô đi mua những củ xương rồng nhỏ bé của nước ngoài. Câu hỏi đó mở ra một con đường mới.

“Tôi phải lai tạo giống xương rồng Việt Nam cho phong phú hơn, nhiều ưu điểm hơn. Muốn có thành quả tôi phải dành tất cả thời gian cho xương rồng. Nghề y với hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày thì sao? Tôi có nên bỏ hay không? Đứng giữa ngã ba đường. Ai cũng can. Người thân, bạn bè, má tôi đều cản. Yêu nghề thì cứ chơi nhưng cứ làm nghề y kiếm tiền. Cây gai góc đó đâu có lợi ích gì. Rồi sống làm sao? Một tháng cân não chọn lựa, xương rồng đã thắng” - anh Giac dành trọn cho xương rồng tất cả, thấm đẫm từng hơi thở của xương rồng, tắm ý chí và tâm tưởng mình trong màu da, màu gai, màu nhựa trong veo của nó. Đó là lý do tại sao anh dễ dàng thuộc lòng tất cả đặc tính cũng như xuất xứ của từng cây xương rồng. Người ta nói mỗi ngày dành cho nghề ba giờ bạn sẽ thành một chuyên gia.

Anh Giác mỗi ngày dành cho xương rồng hết tất cả thời gian anh có. Ngay những lúc không phải chăm xương rồng thì cũng là đang ngồi cà phê để suy tưởng về nó hoặc trò chuyện về nó.

Dành trọn tâm trí cho nguồn đam mê nên chỉ trong một thời gian ngắn anh Giác đã tạo được cho mình thương hiệu trong ngành hoa kiểng với biệt danh “Vua xương rồng miền tây”. Nhìn thấy sự thành công của anh, nhìn bộ sưu tập hàng ngàn giống xương rồng khắp thế giới, bộ nông nghiệp cùng nhiều bộ khác vào khảo sát muốn tới nhờ anh chia sẻ kiến thức để phục vụ cho dự án thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng. Họ muốn phát triển xương rồng, một loài cây có giá trị kinh tế cao.

“Tôi thấy thất bại. Bởi người nông dân thường không nắm được cơ sở về khoa học. Làng hoa Sa Đéc đã trồng hoa từ nhiều đời, họ trồng được các loại hoa nhưng không trồng được tất cả các loại xương rồng. Ngay cả những đứa em trong nhà của tôi, tôi chỉ dẫn từng chút một mà khi gặp sự cố nó cũng bó tay”, Anh Giác bày tỏ.

Nghe chừng như anh Giác đã nói quá. Bởi thực tế những người dân ở Ninh Thuận sống cạnh xương rồng cả đời, họ nói xương rồng là một loài cây hoang dã có sức sống tưởng như không gì dập nổi. Rất khó diệt nó. Khi mà nắng gió miền trung cây gì cũng không sống được thì xương rồng cuồn cuộn sinh sôi. Nó mọc bất cứ khoảng đất trống nào dẫu nơi đó toàn cát sõi cõi cằn. Đốn hạ nó xuống, những cái xác xương rồng chỉ cần nằm im một thời gian là có một đời sống mới. Người ta phải phơi, phải đảo cho những xác cây khô, héo. Thậm chí những các xác bị nắng hét chết khô thì từ xác khô, những cây xương rồng con vẫn nảy mầm, cây con hút dưỡng chất từ xác cây mẹ để sống mà không cần nguồn dinh dưỡng nào khác. Để xương rồng đừng tái sinh người ta phải phơi khô rồi đốt chúng thành tro bụi. Vậy tại sao nói trồng xương rồng khó lắm?

“Xương rồng ở nước ngoài, sức sống của nó cũng dai dẳng bạo liệt như xương rồng Việt Nam, nhưng khi đưa về Việt Nam, vào vườn kiểng của nghệ nhân, chung với hàng ngàn cá thể khác khắp mọi miền đất nước, xa hẳn bản xứ xương rồng cần gì?”, Anh Giác lý giải. Xương rồng kiểng như một bóng hồng hoang mạc được gả về nhà chồng, bị tách xa hoàn toàn những gì quen thuộc. Người đẹp hoang dã vốn ngang tàng ngạo ngược về xứ người nhìn đâu cũng lạ. Nàng chỉ còn dựa vào người đã rước nàng về. Nếu người nghệ nhân nông cạn, chẳng hiểu sâu cá tính của bóng hồng hoang dã thì chỉ còn có thể nhìn nàng âu sầu vàng vọt từng ngày một rồi lặng lẽ ra đi.

Trồng thì dễ, nhưng trồng chung nhiều giống trên một mảnh vườn thì không dễ chút nào. Như một người cha nuôi hàng mấy ngàn đứa con của mấy ngàn cha mẹ khác nhau. Khó khăn là ở bước thuần dưỡng để cây không biến chất mà vẫn có thể sống chan hòa. Những giống càng quý, càng hiếm thì “đất sống” của nó càng thu hẹp, sốc môi trường càng dễ diễn ra.

Để hiểu vì sao khi nhà khoa học lừng danh của Việt Nam, giáo sư Võ Tòng Xuân thử thách trí nhớ anh Giác lại ngạc nhiên “nhiều như vầy làm sao em nhớ tên hết”. Anh nhớ rất kỹ tên khoa học, xuất xứ đặc tính sinh trưởng, điều kiện cho những mùa hoa… Bởi đơn giản, nếu không nhớ, sẽ không thể nuôi được bất cứ giống loài nào. Nhớ để hiểu thì sự nhớ kia nó tinh tế như người ta nhớ từng hoàn cảnh lẫn thói tật của người bạn tri âm.

Khi nhớ là cốt lõi của nghề như sự thở, sự nhai thì sự nhớ được rèn luyện mỗi ngày để nó ngày càng tinh vi và dễ dàng. Do từng làm nghề y, phải nhớ chính xác từng tên thuốc, từng miligam những loại thuốc, anh Giác đã luyện cho bộ nhớ của mình trở thành siêu phàm. Đó cũng là một cá biệt để anh có thể làm chủ bộ sưu tập quý giá của mình.

“Em tôi làm việc chung cũng không thể nào tự tay nuôi trồng nhiều giống xương rồng như tôi. Vinpearl Land mở vườn xương rồng, lấy cây từ Tây Ban Nha về giá hàng mấy chục tỉ. Họ mời tôi đến, đưa tôi đi tham quan nước này nước nọ để học hỏi. Tôi cũng đi. Để so sánh mở mang thôi. Chớ thật sự mình và họ, múi giờ, ánh sáng, độ ẩm, độ cao mặt nước biển, đều khác. Tôi bắt tay vào thiết kế bản bản đồ Việt Nam bằng nhiều loại xương rồng, thể hiện đại diện chi nhánh Vinpearl cả nước… Bởi họ muốn thiết kế theo phong cách Việt Nam. Phải có ý tưởng Việt Nam. Người Việt xương rồng Việt. Tôi làm chậu kiểng bằng cái nồi đất, trồng xương rồng lên đó. Tác phẩm hồn quê. Phối hợp giữa cao với thấp, tròn, dài. Bao báp trồng trên cát xen xương rồng giống sa mạc thổ dân ở Nam phi.

Nhiều nơi muốn mời tôi về độc quyền, lương chuyên gia hàng trăm triệu đồng, có xe riêng, có tài xế riêng đưa đón, ở biệt thự biển. Nhưng tôi thích ở góc vườn nhỏ của mình. Nghèo nhưng tự hào. Bởi từ góc vườn này tôi có những phần thưởng đặc cách. Chẳng hạn như trong lần tôi bàn giao bộ sưu tập đặc biệt của mình cho vườn quốc gia Ba Vì, tôi được nhận bằng khen đột xuất của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ông nói trong cuộc đời làm bộ trưởng lần đầu tiên ký khen đột xuất kiểu này. Vậy là đủ rồi. Đó là niềm vui. Không phải là tiền. Tôi không thích bị ràng buộc, tôi thích mảnh vườn tôi. Đôi khi tôi ngồi một giờ uống cà phê, không làm gì cả nhưng sau đó làm một cái gì có giá trị. Nếu ai cần tôi cho mượn thương hịeu một thời gian thì được. Mua bao nhiêu cũng không bán. Tôi muốn làm theo ý tôi. Thích thì tôi làm. Không thích thì tôi nghiên cứu.

Yêu xương rồng, tôi đi một con đường kỳ công như vậy, nó cũng đơn độc vô cùng. Lúc mới chơi, trong những hội thi, mang xương rồng đến triển lãm, những người tham dự lẫn người tổ chức nhìn nó như người thành thị nhìn một bà nhà quê cục mịch lại gai góc. Người trồng và cây trồng bị kỳ thị lắm. Là do họ không biết thôi. Những loài bonsai khác, khi bạn tạo dáng cho nó thành một tác phẩm, nó định hình được rồi thì gần như không còn gì bất ngờ để chờ đợi, nó đã dừng lại đó. Với xương rồng, ở một hình thể này rất đẹp, bất ngờ nó chuyển qua một hình thể khác mang một vẻ đẹp khác mới mẻ hơn nhiều. Khi không đang trụ nó xòe như rẻ quạt. Gai màu vàng chuyển sang màu đỏ. Xương rồng không phải chỉ đẹp ở hoa. Hình thể muôn hình vạn trạng của nó, những biến dị trong dáng dấp trong đa dạng giống loài đã khiến cho người chơi xương rồng càng khám phá càng thấy mênh mông.

Thổ dân rất trọng xương rồng. Người ta ăn nó tạo tinh thần quả cảm khi đi săn. Lễ tế thần họ dùng cây xương rồng cúng lễ trừ ma quỷ. Loài hoang mạc kỳ bí. Chiếc xuất từ xương rồng có thể làm dược phẩm, làm rượu. Đó là con đường của tương lai. Tôi tin như vậy”, anh Giác chia sẻ.

Bây giờ anh Giác và nàng thơ cá tính của mình đã bước sang một thế đứng khác. Nhờ nét đẹp kỳ bí, đường đời nhiều khúc quanh và không ngừng chuyển động bóng hồng hoang mạc đã chinh phục được những cái nhìn khó tính của giới nghệ nhân. Những khu du lịch sinh thái nổi tiếng luôn có kỳ vọng xây dựng trong đó những quần thể cảnh quan gắn với xương rồng. Anh Giác đi trước trào lưu những ba mươi năm. Bộ sưu tập của anh có phong phú cả về giống loài, cả về những tác phẩm hoàn mỹ độc nhất vô nhị và cả những giống loài mới. Anh Giác chưa từng bán bất cứ một sản phẩm đẹp nào cho dù nó được trả giá thật cao: “Nếu bán những sản phẩm đẹp, chạy theo kinh doanh, bạn không làm nghệ thuật được. Nếu bộ sưu tập bạn không có những sản phẩm độc đáo, kỳ lạ, bạn sẽ không còn hứng thú cống hiến cho nó nữa. Tôi chỉ bán những phần tôi có thể tạo ra được, những tác phẩm tôi có hàng loạt. Những gì quý giá nhất tôi giữ riêng cho góc vườn này.

Ngày ngày tôi chăm sóc nó, điểm danh từng mặt từng tên của những người bạn, là ngày ngày tôi được sống.Tôi chỉ mua thêm, lai tạo thêm chớ không bán đi những món duy nhất. Tiền có được cũng xuống giống, cũng đổ vô nhân công chăm sóc mảnh vườn này. Chẳng cần khách tới thăm thú nhiều vì tôi không có thời gian ngồi hầu chuyện tất cả mọi người. Thời gian tôi dành cho xương rồng, chẳng có gì nữa cả. Chỉ có vườn xương rồng ngày càng lớn thêm thôi”.

Người nghệ nhân tuổi rồng, dáng gầy như những nhánh xương rồng, ẩn dật và miệt mài vận hàng dòng tâm quyết chảy quyết liệt như dòng sống ngạo ngược của xương rồng. Tất cả là để vẽ nên một bức tranh đủ sắc màu, đủ giống loài mang tên xương rồng Việt.

Bài và ảnh: Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cot-cach-rong-27762.html