COP25 kết thúc không như kỳ vọng

Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Madrid đã kết thúc vào trưa 15-12, chậm 2 ngày so với lịch trình ban đầu. Nhận định của giới quan sát là Hội nghị đạt một số tiến bộ nhất định nhưng mục tiêu quan trọng nhất thì không.

Lại lỗi hẹn với Paris 2015

Hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm nay (gọi tắt là COP25) được chờ đợi là cơ hội quý giá để các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris 2015 ngồi lại tìm ra phương án thực hiện đạt mục tiêu Hiệp định đã đề ra.

Xin nhắc lại, các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris 2015 bao gồm yêu cầu các quốc gia phải xây dựng kế hoạch hành động đầy tham vọng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 kìm hãm đà tăng nhiệt độ toàn cầu trong biên độ 1,5-2 độ C. Để đạt mục tiêu đó, trước mắt Hội nghị khí hậu phải làm sao khôi phục lại cơ chế mua bán tín chỉ khí thải.

Tại một cuộc họp báo hôm 15-12, Chủ tịch điều phối Hội nghị COP25 Andres Landeretche cho biết, vòng đàm phán năm nay đặt mục tiêu tập trung bàn bạc các vấn đề về kỹ thuật nhằm khôi phục lại cơ chế mua bán tín chỉ khí thải carbon toàn cầu - một công cụ để các quốc gia không thực hiện tốt việc cắt giảm khí thải (thường là các nước giàu, phát triển) dùng tiền mua lại thành tích cắt giảm khí thải của các nước thực hiện tốt, thường là các nước nghèo, kém phát triển hơn.

Thế nhưng, khi Hội nghị buộc phải kết thúc vào trưa ngày 15-12, tức khoảng 40 giờ sau thời gian Hội nghị lẽ ra đã kết thúc, các nhà đàm phán các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris 2015 vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Vì thế, vấn đề mấu chốt về cắt giảm khí thải vẫn phải lỗi hẹn, để sang năm bàn tiếp.

Nhiều người Phản đối bên ngoài Hội nghị COP25 sau khi các quốc gia không thể đạt thỏa thuận mua bán khí thải carbon.

Nhiều người Phản đối bên ngoài Hội nghị COP25 sau khi các quốc gia không thể đạt thỏa thuận mua bán khí thải carbon.

Không đạt được đột phá lớn nào nhưng kể cả tinh thần hợp tác và thiện chí thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu Hiệp định Paris 2015 cũng không có. Các nước nghèo và các đảo quốc nhỏ - những quốc gia phải chịu tác động lớn nhất của việc xả khí thải carbon từ các nước giàu - đã phẫn nộ vì thái độ khăng khăng cố chấp của các nước giàu trong vấn đề giảm khí thải.

Các nhà đàm phán các nước đã tranh cãi quyết liệt xoay quanh các quy định về “bồi thường thiệt hại cho tổn thất và thiệt hại”. Các nước nghèo, đang phát triển hy vọng các quy định này sẽ giúp họ nhận được sự hỗ trợ về tài chính để bù đắp cho các tổn thất trên thực tế họ phải gánh chịu do khủng hoảng khí hậu gây ra.

Còn các nước giàu, phát triển, những quốc gia có bề dày truyền thống về phát thải khí carbon thì vẫn khăng khẳng chống lại bất kỳ thỏa thuận tài chính nào mà họ thấy có thể khiến họ phải móc hầu bao bồi thường thiệt hại cho các quốc gia khác.

Mỹ bị chỉ trích dữ dội nhất vì đã từ chối quyết liệt nhất các yêu cầu của các nước đang phát triển, theo một cơ chế “bồi thường, giải quyết hậu quả” mà tại Liên Hiệp Quốc thường gọi là Cơ chế Warsaw Quốc tế (WIM). Sự bế tắc trong thỏa thuận về cơ chế mua bán tín chỉ khí thải carbon cho thấy thế giới vẫn chưa sẵn sàng, chưa quyết tâm đi đến cùng trong thực hiện các mục tiêu ngăn chặn khủng hoảng khí hậu đã đặt ra trong Hiệp định Paris 2015.

Bên ngoài Hội nghị, không khí phản đối càng sôi sục hơn. Hầu hết sự phản đối đến từ các nước nghèo, các đảo quốc nhỏ đang có nguy cơ bị xóa sổ do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đối với họ, khủng hoảng khí hậu đã và đang xảy ra.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai đang ảnh hưởng từng ngày, từng giờ lên cuộc sống của người dân các khu vực đất thấp ven biển. Ngay cả Australia hiện cũng đang gồng mình chịu đựng đợt cháy rừng được cho là khủng khiếp nhất trong lịch sử vài chục năm trở lại đây.

Green Deal - điểm sáng từ châu Âu

Trong toàn cảnh u ám của bức tranh chung Hội nghị biến đổi khí hậu COP25 vẫn xuất hiện những “chấm sáng” có thể hy vọng tạo tiền đề đi đến những thỏa thuận khả dĩ về cắt giảm khí thải. Đó là việc một nhóm quốc gia gồm cả Thụy Sĩ và Costa Rica đã đưa ra những nguyên tắc riêng, cho rằng đây là những nguyên tắc có thể đưa đến việc hình thành “thị trường carbon công bằng và mạnh mẽ” đồng thời có thể ngăn chặn việc lạm dụng hoặc sử dụng lại các tín chỉ đã cũ. Càng về cuối ngày, càng có thêm nhiều quốc gia tham gia ký kết bộ nguyên tắc này.

Trong khi đó, không có được thỏa thuận nào về khí thải tại COP25, Ủy ban châu Âu đã tự vạch ra kế hoạch của riêng mình, được gọi tên là “Thỏa thuận Xanh châu Âu” (European Green Deal). Kế hoạch được Chủ tịch EC Ursula von der Leyen công bố chính thức hôm 11-12, được xem là bộ kế hoạch hành động chống khí thải, bảo vệ môi trường đầy tham vọng của châu Âu, bao trùm rộng rãi từ không khí trong môi trường sống cho đến thực phẩm, lương thực, kể cả các sinh hoạt hằng ngày như đi đứng, hít thở,...

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu chung của kế hoạch là phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường xanh của cuộc sống, làm cho người dân thụ hưởng sự thịnh vượng ở trình độ cao hơn. Bà Ursula von der Leyen cho biết thêm, châu Âu muốn dẫn đầu thế giới trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm một nửa lượng khí carbon vào năm 2030 và tiến tới không phát thải khí carbon vào năm 2050.

Để đạt các mục tiêu trên, châu Âu tập trung giải quyết triệt để các vấn đề cơ bản đã tạo nên vấn nạn khí thải và ô nhiễm môi trường. Nếu như vài chục năm trước, các lãnh đạo EU đặt ra các mục tiêu về tỉ lệ tái chế rác thải thì trong Green Deal, EU đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể cho sản xuất hàng hóa để tạo nên nền kinh tế tuần hoàn (tái sinh) và dần dần xóa bỏ rác thải nhựa và các chất thải khác. Kể từ năm 2021, ít nhất 40% ngân sách dành cho nông nghiệp chung và 30% ngân sách trợ cấp cho ngư nghiệp sẽ được dùng vào việc xử lý biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính.

Việc công bố kế hoạch Green Deal mới chỉ là bước đầu. Phía trước còn nhiều thử thách mà các lãnh đạo EU sẽ phải đối mặt. Đó là làm sao để tất cả các quốc gia thành viên đều đồng lòng, nhất trí ủng hộ kế hoạch, để kế hoạch được triển khai đúng thời gian dự kiến là năm 2021.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/cop25-ket-thuc-khong-nhu-ky-vong-575088/