COP24 đạt đồng thuận, nhưng thiếu tham vọng

Gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã vượt qua được chia rẽ để đạt được sự đồng thuận về các quy định thực thi một thỏa thuận về biến đổi khí hậu trong hôm cuối tuần qua. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng thỏa thuận này chưa đủ tham vọng để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Kết quả của COP24 bị cho là thiếu mục tiêu tham vọng. (Nguồn: AP).

Cam kết không đủ mạnh

Sau 2 tuần đàm phám tại thành phố Katowice, Ba Lan, các quốc gia cuối cùng đã đạt được đồng thuận về khung làm việc chi tiết hơn đối với Hiệp định Paris 2015 - thỏa thuận nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của thế giới dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

“Không dễ gì đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận này. Bằng việc vừa rồi, mỗi người trong các bạn đã cùng bước đi một bước nhỏ cùng nhau. Các bạn nên cảm thấy tự hào” - Tổng thống Ba Lan Michal Kurtyka phát biểu trước phái đoàn các nước.

Trước khi các vòng đàm phán bắt đầu, nhiều người cho rằng thỏa thuận về biến đổi khí hậu sẽ không được như kỳ vọng. Bởi trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai dự định rút đất nước ông - một trong những nước phát thải hàng đầu thế giới - khỏi Hiệp định Paris.

Vào giờ đàm phán thứ 11 liên tiếp, các Bộ trưởng tham gia hội nghị đã phá vỡ được thế bế tắc giữa Brazil và các nước khác liên quan tới các điều khoản kiểm soát hạn ngạch phát thải. Các vị Bộ trưởng các nước cũng cố gắng xóa bỏ hàng loạt sự bất đồng để đưa ra được bản quy định dài 156 trang - trong đó quy định cách thức mà các nước báo cáo và quản lý các cam kết mà họ đưa ra trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Không phải tất cả các quốc gia đều vui vẻ với thỏa thuận mới đạt được, nhưng tiến trình này vẫn còn tiếp diễn, và ít nhất thì nó đã đạt được một bước đột phá.

“Dù bản quy định này sẽ còn cần phải hoàn thiện, nhưng nó là cơ sở để củng cố Hiệp định Paris và có thể giúp nước Mỹ quay trở lại với Hiệp định này trong tương lai, dưới thời một chính quyền Tổng thống khác”- Alden Meyer, thành viên của Hiệp hội Các nhà khoa học quan tâm, nói.

Cần mục tiêu tham vọng

Hôm 16/12, một số quốc gia và tổ chức môi trường đã chỉ trích kết quả của Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) vì đã không thể đưa ra các mục tiêu tham vọng về cắt giảm khí thải, ở mức đủ để ngăn chặn tình trạng nhiệt độ toàn cầu gia tăng.

Các nước nghèo dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng muốn làm rõ hơn về khoản tiền hỗ trợ 100 tỷ USD/năm mà các nước giàu đã cam kết từ nay đến năm 2020, và khoản tiền hỗ trợ thêm tính từ nay đến cuối thập kỷ.

Một tuyên bố mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải có thêm các vòng đàm phán.

“Từ giờ trở đi, 5 ưu tiên hàng đầu của tôi sẽ là: Tham vọng, tham vọng, tham vọng, tham vọng và tham vọng” - tuyên bố nêu rõ - “Và tham vọng đó cần phải định hướng được cho tất cả các nước thành viên, trong lúc mà họ chuẩn bị các kế hoạch cắt giảm khí thải cho năm 2020, giúp đảo ngược hiện tượng biến đổi khí hậu”.

Một bản báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đưa ra cảnh báo rằng, để giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở mức dưới 1,5 độ C, thế giới cần phải đưa ra “sự thay đổi chưa từng có tiền lệ” trong mọi khía cạnh của xã hội.

Trước đó, Arab Saudi, Mỹ, Nga và Kuwait đã từ chối sử dụng cụm từ “hoan nghênh” để nói về bản báo cáo của IPCC. Hiện tại, bản báo cáo này chỉ đơn thuần là thể hiện các dữ liệu về biến đổi khí hậu, và khuyến khích các nước sử dụng thông tin của nó để phục vụ công tác ngăn chặn tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đối với các nước hoặc đảo có địa hình thấp, chịu rủi ro lớn từ mực nước biển gia tăng, thì thỏa thuận đạt được ở COP24 không đủ mạnh mẽ, nhưng họ buộc phải chấp nhận.

Trong suốt 2 tuần đàm phán ở Katowice - khu vực khai khoáng của Silesia, Ba Lan - nhiều quốc gia tỏ ý không muốn thảo luận sâu về vấn đề công nghiệp sản xuất nhiên liệu hóa thạch, trong khi các tổ chức vì môi trường muốn tập trung hơn vào năng lượng sạch, năng lượng tái sinh.

Thêm vào đó, Hội nghị lần này cũng được tổ chức bởi một quốc gia vốn phụ thuộc nặng nề vào than đá là Ba Lan - và họ luôn tìm cách bảo vệ ngành công nghiệp khai khoáng của nước nhà. Trong khi đó, phái đoàn của Mỹ đến tham dự sự kiện lần này dường như chỉ để nói rằng than đá vẫn là một nguồn năng lượng sạch.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/cop24-dat-dong-thuan-nhung-thieu-tham-vong-tintuc425453