Contagion: Một tác phẩm phi thực giải thích cho hiện thực COVID-19?

Không ngạc nhiên khi Contagion (Truyền nhiễm, 2011) vươn lên tốp đầu phim được xem nhiều nhất của các dịch vụ 'streaming'. Con người có xu hướng xem các tác phẩm phi thực là phương tiện giải đáp cho hiện thực. Đó là lý do vì sao khán giả lại tìm đến các phim thảm họa, dù đang sống trong thảm họa COVID-19.

Trong Contagion, virus MEV-1 có nguồn gốc từ dơi và lợn. Cuối phim, mẫu virus này được đặt chung với mẫu virus SARS.

Các cảnh phim dự đoán trong The Simpsons hiện bị cư dân mạng dùng để mạt sát châu Á là nơi “khởi nguồn virus”. Hai biên kịch của loạt phim đã liên tiếng phản đối điều này.

Trong Contagion, virus MEV-1 có nguồn gốc từ dơi và lợn

Trong Contagion, virus MEV-1 có nguồn gốc từ dơi và lợn

Nhảy vọt lên đỉnh

Contagion có cốt truyện khá tương đồng với tình hình thế giới hiện tại. Phim kể về một doanh nhân qua đời vì bệnh lạ sau chuyến công tác ở Hong Kong. Căn bệnh lan ra toàn cầu, khiến 26 triệu người thiệt mạng và dẫn đến một cuộc chạy đua tàn khốc để tìm vắcxin chữa bệnh. Khi ra mắt, tác phẩm của đạo diễn Steven Soderbergh chỉ kiếm đủ tiền hồi vốn và nhanh chóng bị lãng quên. Chín năm sau, Contagion hồi sinh với vị trí tốp 1 phim được chọn thuê nhiều nhất của cả Amazon Prime iTunes. Trên Google, phim nhảy từ vị trí 270 độ nổi tiếng lên vị trí thứ hai, chỉ đứng sau loạt Harry Potter.

“Tôi đã trả 12,99 đôla để xem một phim 10 năm tuổi. Tôi chưa bao giờ làm thế cả!”, đạo diễn Barry Jenkins (phim MoonlightÁnh trăng, 2016) nói với tờ The New York Times. Ông cho biết Contagion mang đến cảm giác như đang xem phim tài liệu, với các chi tiết vô cùng trùng khớp với hiện thực. Đạo diễn Soderbergh và biên kịch Scott Z. Burns thì bỗng nhiên được săn đón trở lại. Nhiều người thậm chí còn gửi thư cho Burns và hỏi lời khuyên chống dịch. “Tôi nghĩ khá là đáng báo động khi người ta tìm lời khuyên ở một biên kịch, thay vì bác sĩ”, Burns nói.

Trên IMDb Meter, tính năng đo lường độ phổ biến về phim của IMDb, Contagion nhảy lên vị trí thứ tư. Một phim ra đời đã 25 năm là Outbreak (Bùng nổ, 1995) của Wolfgang Petersen, kể về một thảm họa y tế Mỹ, vụt lên vị trí số 7. Không nằm trong tốp 10 nhưng các phim về dịch bệnh như The Omega Man (Người đàn ông Omega, 1971), World War Z (Thế chiến Z, 2013), hay Pandemic (Đại dịch, 2016) cũng đang nổi lên trở lại. Cá biệt, phim Flu (Cúm, 2013) của Hàn Quốc leo hẳn... 794 hạng để chạm vị trí 525. Chưa đạt tốp 500 nhưng bộ phim này hiện là nhà vô địch leo hạng của IMDb Meter.

Contagion có cốt truyện khá tương đồng với tình hình thế giới hiện tại.

Dự báo tương lai

Con người có xu hướng xem các tác phẩm phi thực là phương tiện giải đáp cho hiện thực. Đó là lý do vì sao khán giả lại tìm đến các phim thảm họa, dù đang sống trong thảm họa. Quan trọng hơn, đa phần các phim trên đều có kết thúc tốt đẹp. Con người sẽ chiến thắng bệnh tật, dù phải trả giá rất nhiều. Người xem sẽ tìm thấy sự an ủi và tạm quên đi hiện thực bên ngoài ngôi nhà mình.

Các phim mang tính dự báo cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Như thường lệ, các biên kịch của The Simpsons (Gia đình Simpsons) lại khiến người ta há hốc vì tài dự đoán. Trong quá khứ, loạt hoạt hình này từng đoán trúng việc tỷ phú Donald Trumps đắc cử Tổng thống, sự ra đời của đồng hồ thông minh và kết quả các kỳ World Cup. Giờ đây, khán giả lại tìm thấy tập phim ra mắt năm 1993 Osaka Flu (Dịch cúm Osaka) như báo trước đại dịch Covid-19. Một tập khác có Tom Hanks đóng vai khách mời và nói: “Tôi là Tom Hanks, nếu bạn gặp tôi, làm hơn đừng lại gần tôi!”. Tom Hanks đang là diễn viên được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng, sau khi ông và vợ thông báo dương tính với SARS-CoV-2.

Tập phim Osaka Flu của loạt truyền hinh The Simpsons

Ở Anh, một “clip” trích ra từ loạt “sitcom” Yes Minister (Kính thưa Bộ trưởng, 1980 - 1984) đang được dùng để mỉa mai công tác phòng bệnh của các Chính phủ Anh và Ý. Trong đó, hai nhân vật nói với nhau về “bốn giai đoạn” xử lý dịch của Chính phủ và giai đoạn nào cũng chỉ nói mà không làm. “Tôi có thể thấy điều gì xảy ra trong 10 tuần tới rồi”, một người dùng bình luận trên trang Guardian.

Hoài Nam

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giai-tri/contagion-mot-tac-pham-phi-thuc-giai-thich-cho-hien-thuc-covid19-1639908.tpo