Công viên Hòa Bình: Biểu tượng khát vọng vì hòa bình của Hà Nội

Cách đây 20 năm, Hà Nội là một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được UNESCO vinh danh 'Thành phố Vì hòa bình'. Công viên Hòa Bình sau đó được xây dựng nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô nhằm đánh dấu cho sự kiện này.

Đã 20 năm kể từ ngày 16/7/1999 thủ đô Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” tại La Paz, thủ đô Bolivia. Tính đến hiện tại, Hà Nội vẫn là thành phố duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có danh hiệu này.

Câu chuyện xây dựng Công viên Hòa Bình (Tây Hồ, Hà Nội) để đặt biểu tượng "Thành phố vì hòa bình" của Hà Nội sau đó cũng có khá nhiều chuyện thú vị xung quanh.

Cổng Công viên Hòa Bình một ngày đầu tháng 7/2019.

Cổng Công viên Hòa Bình một ngày đầu tháng 7/2019.

Theo KTS Nguyễn Phú Đức: Khi đó để xây dựng tượng đài đặt tại Công viên Hòa Bình mà đơn vị tư vấn SENA vẽ đi vẽ lại các phương án, tựu chung không phải là không biết vẽ gì hoặc vẽ không ra gì mà mãi không được phê duyệt phương án để triển khai.

"Cái vướng mắc chính là bức tượng cao 55cm vì hòa bình của nhà điêu khắc Ba Lan với hình ảnh 3 cô gái vung tay bay nhảy như những cánh chim tự do, báo tin hòa bình đến - biểu tượng của danh hiệu, khiến các kiến trúc sư... lúng túng", KTS Nguyễn Phú Đức kể lại.

Bức tượng bà mẹ bồng con có đàn chim bay theo nhìn từ xa.

Biểu tượng bà mẹ bồng con có đàn chim bay theo là sự "cách điệu" chỉ có ở Việt Nam, khi Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".

KTS Nguyễn Phú Đức cho biết, để nâng lên tỷ lệ lên 10 lần bức tượng này là cả vấn đề. và rồi hình ảnh 1 bà mẹ bồng con có đàn chim bay theo, cao 7m trên bệ 22m (nhìn cứ liên tưởng tượng đài Người mẹ vung thanh kiếm bên Xô Viết) được quyết định thành chủ thể của Công viên Hòa Bình.

Bức tượng này cũng chính là điểm nhấn, nằm giữa trung tâm Công viên Hòa Bình.

Các hạng mục tại công viên sau này đánh dấu việc TP Hà Nội kết nghĩa với các thành phố trên thế giới - biểu tượng của tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Công viên Hòa Bình với diện tích 20ha được xây dựng nhanh chóng sau đó, vừa để đánh dấu sự kiện Hà Nội được vinh danh danh hiệu thành phố vì hòa bình, vừa để Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vậy mà đã 20 năm trôi qua, chúng ta cùng nhìn lại Công viên hòa bình và cùng chiêm nghiệm về giá trị của 2 chữ "hòa bình", điều mà cả dân tộc đã phải mất tới 30 năm để giành lấy.

20 năm qua, Công viên Hòa Bình đã trở thành điểm nhấn văn hóa nơi cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô.

Các công nhân đang chăm sóc hoa cỏ trong công viên giữa trời trưa nắng tháng 7....

Để những bông hoa luôn khoe sắc rạng ngời, tràn ngập sức sống và khát vọng hòa bình đúng như tên của công viên này.

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cong-vien-hoa-binh-bieu-tuong-khat-vong-vi-hoa-binh-cua-ha-noi-post305392.info