Công viên đang bị 'xẻ thịt'

Trên địa bàn TPHCM, hầu hết quận, huyện đều có 1-2 công viên. Tuy nhiên, các công viên này đang ngày càng bị thu hẹp vì bị 'xẻ thịt', biến đất công viên thành quán cà phê, nhà hàng, bãi giữ xe… gây bức xúc trong dư luận.

Mảng xanh nào cũng bị chiếm dụng
Trong những năm gần đây, nhắc đến Công viên Phú Lâm, nhiều người dân TP sẽ nghĩ ngay đến Câu lạc bộ Phú Lâm (thuộc quận 6), nhưng hiện nay thực chất là trung tâm hội nghị, tiệc cưới đi kèm bãi giữ xe lớn.

Hay nói đến Công viên 23-9 (quận 1), người dân sẽ nghĩ ngay đến khu B với nhiều hạng mục kiên cố và không liên quan gì đến công viên, như nhà hàng, quán cà phê, quán nhậu, tụ điểm ca nhạc. Hoặc tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), 5 năm qua tồn tại 1 rạp xiếc lớn.

Việc sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy định về công năng và chức năng. Đối với các công viên, khu vực có cây xanh và các công trình phụ trợ đều phục vụ cho lợi ích công cộng, phục vụ người dân. Nguyên tắc tỷ lệ chung giữa mảng xanh và các công trình xây dựng, đơn vị quản lý buộc phải tuân thủ. Các đơn vị được giao quản lý công viên phải đảm bảo đúng nguyên tắc đó. Nhưng vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích và có tình trạng “xẻ thịt” công viên

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG,
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM

Công viên Tao Đàn (quận 1) từ lâu là “lá phổi” của TPHCM. Ở đây có hàng loạt cây cổ thụ rợp bóng mát, diện tích rộng rãi, cỏ xanh phủ kín. Công viên có 4 mặt tiền thì một phần mặt tiền phía đường Cách Mạng Tháng 8 đã thành trung tâm ca nhạc, quán cà phê… từ nhiều năm nay.

Cũng tại quận 1, ở Công viên 23-9, nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng, nhưng mặt bằng của sân khấu này đã bị 1 quán cà phê chiếm dụng gần hết. Kế đến, phía trên trung tâm thương mại cũng được khai thác triệt để với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya, như Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone và Kingdom Beer Garden. Ở khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời…

Với những hoạt động như vậy, nên Công viên 23-9 thường xuyên biến thành… chợ hơn là dành cho người dân đi dạo thư giãn, tận hưởng không khí thoáng mát.
Đặc biệt Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ngoài cổng chính nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước đây có 1 cổng lớn nữa ở mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên cổng này ít hoạt động rồi ngưng hẳn.

Hiện nay chỉ còn một cổng phụ để khách gửi xe ra vào nằm ở gần Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu. Hầu như toàn bộ mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai lúc này đã chuyển sang khu kinh doanh trò chơi và dịch vụ ăn uống. Du khách nếu đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào Thảo Cầm Viên, chỉ thấy bảng hiệu của những dịch vụ kinh doanh, từ trò chơi giải trí đến nhà hàng ăn uống, quán cà phê.

Bên trong những khu vui chơi giải trí có thu phí, các kiosque bán hàng cũng mọc lên đầy khắp.

Ở quận 10 có Công viên Kỳ Hòa nhưng hiện nay ít người biết đến công viên này, song nhắc đến quán nhậu Kỳ Hòa hầu như ai cũng rành. Đi tìm bảng đề tên Công viên Kỳ Hòa, loanh quoanh trong khu vực mất chừng 20 phút chúng tôi mới xác định được, bởi nó bị các bảng hiệu nhà hàng, quán nhậu bao vây che kín. Thêm nữa, địa chỉ của Công viên này là số 16 Lê Hồng Phong, nhưng đến đúng địa chỉ này là một cổng chào ghi rõ: “Trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hòa”. Đi sâu vào trong, công viên tên tuổi năm xưa giờ chỉ còn một cụm với mấy chiếc ghế đá và con đường nội bộ hướng từ đường Lê Hồng Phong sang đường Sư Vạn Hạnh.

Ông Nguyễn Anh Tài, người dân sống lâu năm ở quận 10 than thở: “Mang tiếng là công viên, nhưng ở đây từ sáng sớm đến khuya là nơi hoạt động của quán xá, nhà hàng, không phải là nơi dành cho người dân thư giãn, tập thể dục, trẻ em vui đùa. Bởi không ai vào công viên để nghe chát chúa âm thanh, hay ngửi mùi khói thuốc từ khách nhậu. Người dân chúng tôi rất buồn vì những chỉ đạo của TP hình như không ngăn được những nhóm người trục lợi từ Công viên Kỳ Hòa”.

Nhà hàng, quán xá bao vây Công viên 23-9. Ảnh: Đức Trung


Trả lại không gian xanh cho người dân
Chiều cuối tuần, chúng tôi lân la một số công viên trong TP. Trò chuyện với người làm ở khu vực trò chơi, được biết không phải ai muốn vào công viên kinh doanh cũng được. Còn tại Thảo Cầm Viên, lý giải về việc mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai được cho thuê hầu hết, đại diện Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho hay do gặp nhiều khó khăn trong thời điểm chuyển từ cơ chế hoạt động bằng ngân sách sang cơ chế tự chủ tài chính, nên đơn vị đã cho thuê một phần mặt bằng để tạo ra một số loại hình dịch vụ, vừa có nguồn thu để trang trải cho cán bộ, nhân viên, vừa cải tạo Thảo Cầm Viên để hút thêm du khách.

Tuy nhiên, để được kinh doanh tại các công viên không hề dễ. Chúng tôi ngỏ ý muốn thuê một diện tích nhỏ tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10) để mở dịch vụ trò chơi thiếu nhi, anh V.T, nhân viên ở đây nói ngay: “Muốn kinh doanh loại hình này tại công viên phải có sự quen biết nhất định, nếu không rất khó”.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng với chỉ đạo dẹp quán xá giành lại công viên cho người dân TP vui chơi, tập thể dục, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa bác đề xuất phương án xây dựng bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại 5 khu đất lớn trong TP, phần lớn đó là công viên. Cụ thể, đó là ở khu C của Công viên 23-9; khu vực công trường Lam Sơn, sau Nhà hát TP; khu vực Công viên Lê Văn Tám, Công viên Tao Đàn, đều thuộc địa bàn quận 1; khu vực phía trước sân vận động Thống Nhất (quận 10).

Theo tìm hiểu của ĐTTC, đây là những đề xuất của lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, với quan điểm cho rằng do thiếu nơi đỗ xe ô tô khu trung tâm. Các chuyên gia giao thông nhận định, việc UBND TPHCM bác đề xuất trên của Sở GTVT là hợp lý và kịp thời, vì nếu xây dựng thêm các bãi đậu xe ở trung tâm TP, tình hình ùn tắc giao thông trong nội thành có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Không chỉ thế, diện tích công viên của TP vốn đã bé, nếu cho xây thêm các bãi đậu xe sẽ khiến cử tri thêm phần bức xúc.

Được biết, mới đây UBND TPHCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và Sở Tài chính rà soát và đánh giá kỹ, chính xác tình trạng pháp lý của từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi giữ xe đang tồn tại ở Công viên 23-9, để đề xuất với lãnh đạo TP lộ trình di dời và phương án di dời phù hợp. Đối với các hoạt động đang gây mất an toàn, an ninh trật tự, mất vệ sinh, gây phản cảm hoặc hoạt động không phép thì phải báo cáo và đề xuất chấm dứt hoạt động ngay. Khu vực đang là mảng xanh tuyệt đối không được tổ chức kinh doanh, buôn bán làm xâm hại đến mảng xanh, phải tuyệt đối đảm bảo trật tự, vệ sinh cho nhân dân an tâm sinh hoạt cộng đồng tại công viên.

Đức Trung

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/cong-vien-dang-bi-xe-thit-58222.html