Công việc tốt ở châu Á đâu hết rồi?

Thị trường lao động tại các quốc gia mới nổi ở Châu Á đang trong tình trạng ảm đạm. Một mặt, chúng ta thường được cảnh báo rằng tự động hóa sẽ làm gia tăng tình trạng thất nghiệp. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế gig (hay còn gọi là kinh tế tự do) tạo ra nhiều việc làm nhưng lại không ổn định.

Cần cải thiện các chính sách hỗ trợ việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ tại Châu Á

Cần cải thiện các chính sách hỗ trợ việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ tại Châu Á

Tuy nhiên, đối với các nước châu Á nghèo đang trong quá trình vật lộn trên con đường hiện đại hóa kinh tế, tình hình không hề đơn giản. Thay vì thiếu việc làm, các quốc gia này đang có nguy cơ tạo ra quá nhiều loại công việc sai, cụ thể là không an toàn, lương thấp trong khu vực phi chính thức.

Lấy ví dụ về ba nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp nhưng lại phát triển thành công của châu Á: Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Cả 3 quốc gia vùng Mekong này đều phát triển nhanh, tăng trường từ 6% đến 7% trong năm 2017, với tỷ lệ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, chủ yếu là các dự án sản xuất chuyển dịch khỏi Trung Quốc.

Đặc biệt Việt Nam được đánh giá như mô hình xuất khẩu của thời đại toàn cầu, với tỷ lệ thương mại so với tổng sản phẩm trong nước chiếm hơn 200% năm ngoái, mức cao nhất từng đạt được của một quốc gia với dân số 50 triệu người trở lên.

Không dễ để đánh giá được tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới phát hành tháng này về thị trường lao động tại ba quốc gia nói trên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Campuchia và Việt Nam nằm “trong số cao nhất thế giới” với Myanmar ngay sau. Chất lượng công việc vẫn còn rất thấp, chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng.

Tình hình đáng lo ngại này thể hiện sự thất bại của mô hình toàn cầu hóa cũ của châu Á. Những năm tháng phát triển rực rỡ của khu vực đã tạo ra nhiều công việc sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trở nên thịnh vượng hơn, với Trung Quốc ngay sau. Tuy nhiên, với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, các quốc gia nghèo ở Châu Á và Châu Phi rất khó chuyển đổi chất lượng công việc lên tầm cao hơn.

Những quốc gia bắt đầu sau này trên con đường toàn cầu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những người đi trước. Thay vì phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu trong nước như ngành điện tử và chất bán dẫn, như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm trước đó, những nước như Campuchia lại chọn từng “mảnh nhỏ” trong chuỗi cung ứng toàn cầu làm giảm đi cơ hội tạo ra nhiều việc làm có chất lượng.

Trong khi đó, ở khu vực Nam Á, Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết sẽ tạo ra 10 triệu việc làm mỗi năm, đưa Ấn Độ trở thành lực lượng lao động lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới. Hiện đang có nhiều cuộc tranh luận nổ ra về việc liệu mục tiêu này có đạt được hay không, và quan trọng hơn là chất lượng của những loại hình công việc như thế nào.

Tháng trước, The Times Of India cho biết 93.000 ứng cử viên, hơn một nửa trong số đó có bằng cấp, đã ứng tuyển cho 62 vị trí giao hàng không cần kỹ năng ở bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ. Một báo cáo thứ hai của Ngân hàng Thế giới hồi đầu năm nay có tiêu đề không mấy sáng sủa “Thất nghiệp” cũng đã phản ánh tình trạng việc làm bấp bênh và thu nhập thấp ở quốc gia này

Kinh tế Châu Á đang ngày càng phát triển và mở rộng nhưng lại tạo ra ít việc làm hơn. Một phân tích gần đây của các học giả tại Đại học Azim Premji ở Bangalore cho thấy Ấn Độ không chuyển dịch được sự tăng trưởng ấn tượng của mình vào tăng trưởng việc làm. Trong thập niên 1980, GDP của Ấn Độ chỉ tăng khoảng 4% một năm, nhưng việc làm tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 2%. Hiện giờ, GDP tăng 10% nhưng việc làm chỉ tăng 1%.

Tự động hóa là một cụm từ rất hấp dẫn, nhưng cho đến nay chưa có bất cứ robot công nghiệp hay thuật toán thông minh nào được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực cấp thấp như vậy. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cũng đã đề cập đến rủi ro từ cái gọi là “sew-bots”, hay còn được gọi đùa là robot phá hủy công việc do có thể thay thế con người trong các nhà máy may mặc ở các nước như Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là các nước đang phát triển ở châu Á phải thay đổi được mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này không có nghĩa là bản thân hội nhập toàn cầu có vấn đề: Một sự thụt lùi trong toàn cầu hóa, một phần do sự gián đoạn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, sẽ làm cho các nước như Việt Nam bị ảnh hưởng. Nhưng toàn cầu hóa cũng không có nghĩa là đảm bảo được nhiều việc làm có chất lượng cao. Các nước như Ấn Độ và Myanmar đang xây dựng các mô hình kinh tế không cần nhiều lao động, tránh đi vào con đường của các quốc gia khác ở châu Á vốn phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động.

Cải cách thị trường lao động nên tập trung thu hút người lao động chính thức hơn là dựa vào lao động hợp đồng ngắn hạn, đây cũng là thực trạng đang diễn ra ở nhiều nhà máy Ấn Độ. Đầu tư vào kỹ năng cơ bản cũng cần thiết: chỉ một phần năm công nhân ở Campuchia hoàn thành bậc trung học. Bên cạnh đó, cũng nên hỗ trợ những lao động dễ chịu thiệt thòi, đặc biệt là phụ nữ, những người thường xuyên phải đấu tranh để tìm được việc làm tại các thị trường lao động châu Á mới nổi.

Cần có sự cân bằng đầu tư tốt hơn, vừa cải thiện các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời phải hỗ trợ các công ty nhỏ trong nước và mở rộng lĩnh vực phát triển nâng cao chất lượng công việc. Nói cách khác, các quốc gia mới nổi ở châu Á cần phải phát triển dựa vào nội lực, không được phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khoảng mười năm trở lại đây, một số ít quốc gia Đông Á đã tạo ra các phép lạ về kinh tế, mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người lao động. Đối với những quốc gia đang cố gắng đi theo mô hình này, thì con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai.

Ngân Giang (theo Nikkei)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/cong-viec-tot-o-chau-a-dau-het-roi-99628.html