Công việc, bằng cấp giáo viên hạng II, III na ná nhau sao lương quá chênh lệch?

Nếu giáo viên năm nay đạt các thành tích được bổ nhiệm giáo viên hạng I, II, tuy nhiên sau đó nếu không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật thì có bị 'tụt hạng'?

Sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành có hiệu lực từ 20/3/2021 thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp.

Về các chứng chỉ “hành” giáo viên cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến các loại chứng chỉ dùng để xếp hạng giáo viên cho phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.

Rõ ràng, một số quy định trong các thông tư trên là có vấn đề, gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện việc quyết định bổ nhiệm giáo viên.

Người viết tiếp tục phân tích thêm một bất cập của các thông tư nhưng ở một khía cạnh khác đó chính là việc xếp hệ số lương giáo viên ở hạng II so với giáo viên hạng III ở bậc tiểu học đến trung học phổ thông, hạng I so với hạng II của giáo viên mầm non.

Cơ sở khoa học nào để xếp hệ số lương hạng II rất cao so với hạng III? (Ảnh minh họa: AN)

Cơ sở khoa học nào để xếp hệ số lương hạng II rất cao so với hạng III? (Ảnh minh họa: AN)

Có thể nói giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông, giáo viên được xếp hạng II có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 là quá cao so với giáo viên hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 trong khi thực hiện nhiệm vụ là gần như như nhau, trình độ, bằng cấp cũng như nhau,… chỉ có giáo viên hạng II có thể có thêm một số thành tích như giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua,…

Còn giáo viên hạng I có yêu cầu rất cao so với hạng II và III tuy nhiên giáo viên hạng I chỉ được xếp hệ số lương từ 4,4 đến 6,38 là không phù hợp.

Tuy nhiên chỉ vì một số thành tích, chứng chỉ chức danh hạng II mà xếp giáo viên hạng II có hệ số lương rất cao so với hạng III là một bất công, người viết cho rằng cơ sở khoa học của việc bổ nhiệm, xếp lương hạng II cao hơn hạng III rất nhiều là không chắc, không hợp lý, không thuyết phục được giáo viên, không tạo động lực để giáo viên phấn đấu.

Trong bài viết sẽ phân tích các tiêu chuẩn của giáo viên hạng II so với giáo viên hạng III. Người viết xin phân tích các tiêu chuẩn của giáo viên ở bậc tiểu học (ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng tương tự).

Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II và III

Từ bảng trên, rõ ràng chúng ta có thể thấy giáo viên hạng II, III là tương đương về trình độ đào tạo (cùng là đại học sư phạm hoặc tương đương), các nhiệm vụ khác tương đương, giáo viên hạng II chỉ có thêm các tiêu chuẩn, thành tích khác tuy nhiên việc đó không rõ ràng, không có bất kỳ minh chứng nào cho rằng giáo viên hạng II dạy hiệu quả hơn giáo viên hạng III.

Bên cạnh đó còn một bất cập lớn khác là nếu giáo viên năm nay đạt các thành tích được bổ nhiệm giáo viên hạng I, II, tuy nhiên sau đó nếu không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật thì có “tụt hạng” xuống hạng III hay không? Quy định cụ thể việc “tụt hạng” này như thế nào?

Rõ ràng các thông tư này vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề, khá nhiều “sạn”. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cong-viec-bang-cap-giao-vien-hang-ii-iii-na-na-nhau-sao-luong-qua-chenh-lech-post216610.gd