Công ước quốc tế đảm bảo quyền bình đẳng giới

Các quốc gia thành viên Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định.

Tại Điều 3, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên quy định: Các quốc gia thành viên Công ước này cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện tất cả các quyền dân sự và chính trị mà Công ước đã quy định.

Từ khi tham gia ICCPR, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong ICCPR được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn.

ảnh minh họa

Theo đó, về quyền bình đẳng giới, tại Điều 26 Hiến pháp năm 2013 khẳng định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt, Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Vấn đề bình đẳng giới được thể chế hóa trong hầu hết các văn bản quy phạm pháp pháp luật, tạo điều kiện và cơ hội trao quyền bình đẳng cho cả nam và nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để bảo đảm quyền của phụ nữ.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ như: xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước CEDAW; lồng ghép bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật; ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cong-uoc-quoc-te-dam-bao-quyen-binh-dang-gioi-117521.html