Công ước ILO về chống quấy rối tình dục nơi làm việc: Những điều cần biết

Đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán cuối về một Công ước mới của ILO tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 17-19/6 trong khuôn khổ Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) lần thứ 108. Sự quan tâm của Việt Nam đối với Công ước mới này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế toàn cầu về lao động và hội nhập quốc tế. Vậy Công ước này nói gì và liên hệ thế nào đến Việt Nam?

Với sự nổi lên của các phong trào như #MeToo, #TimesUp, cùng sự dũng cảm dám đứng lên tố cáo hành vi quấy rối tình dục của các nạn nhân, lần đầu tiên trong lịch sử, cả thế giới nhận ra cần có một thỏa thuận toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.

Tầm quan trọng của công ước ILO

Mọi người trên thế giới đều có quyền được làm việc trong môi trường lành manh và an toàn khỏi bạo lực và quấy rối. Tuy vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) trong công việc đang ngày càng nổi cộm, nhưng một phần ba quốc gia trên thế giới chưa có luật cấm quấy rối tình dục nơi làm việc, khiến gần 235 triệu phụ nữ đã đang và có nguy cơ trở thành nạn nhân của vấn nạn này.

Một điều tra thực hiện năm 2014 tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, 87% nữ giới được khảo sát xác nhận họ đã bị QTRD tại nơi công cộng; 67% người qua đường không có phản ứng gì để giúp đỡ. Tại trường học, 11% học sinh từ 30 trường trung học phổ thông tại Hà Nội xác nhận đã từng bị xâm hại hoặc QRTD. Tuy nhiên, trái ngược với mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các hành vi quấy rối tình dục cụ thể còn được nhận thức hết sức mơ hồ, có tới 80% trong số các nạn nhân không hiểu rõ hình thức nào có thể được coi là quấy rối tình dục.

Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể và chế tài xử phạt thích hợp về các hành vi QRTD; kết hợp với tâm lý tự ti, e sợ bị trả thù khiến cho các nạn nhân không dám có khiếu nại chính thức. Chính vì vậy, từ thời điểm QRTD được đưa vào khung pháp lý năm 2013, việc chưa có một trường hợp QRTD tại nơi làm việc nào được đưa ra tòa án. Với tình trạng này, nếu không có các biện pháp cụ thể, QRTD vẫn tiếp tục không được báo cáo và có nguy cơ dần trở thành điều ‘chấp nhận được’ trong tiềm thức chúng ta.

Trước thực trạng trên, việc có một Công ước toàn cầu mạnh mẽ và toàn diện về chấm dứt bạo lực và quấy rối là thực sự cần thiết. Nếu không có một Công ước toàn cầu ràng buộc các Chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và người lao động thì bạo lực và quấy rối không thể được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, sự ra đời của Công ước mới của ILO về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối tại nơi làm việc (Gọi tắt là Công ước) là cần thiết để khắc phục khoảng trống trong khung kháp lý quốc tế và giúp đặt ra một tiêu chuẩn chung giúp các nước thành viên hoàn thiện luật pháp trong nước trong lĩnh vực này để bảo vệ người lao động.

Tiến trình xây dựng và thông qua Công ước hiện nay

Cách đây 4 năm, vào năm 2015, ILO đã khởi động quá trình xây dựng một bộ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới về bạo lực và quấy rối trong công việc. Tiêu chuẩn mới này được đưa vào chương trình nghị sự thảo luận tại Hội nghị Lao động Quốc tế (gọi tắt là “ILC”) lần thứ 107 vào tháng 6/2018. Trong vòng

thảo luận đầu tiên này, đa số đã nhất trí rằng cần có một Công ước và một Khuyến nghị. Vòng đàm phán thứ hai cũng là vòng cuối cùng sẽ diễn ra sắp tới đây tại ILC 2019, từ ngày 10-21/6/2019 tại Geneva.

Sau nhiều năm tham vấn và hiệu chỉnh, dự thảo Công ước hiện nay dài 10 trang, gồm 7 chương với 13 điều. Trong đó, đáng chú ý là sự mở rộng phạm vi đối với các khái niệm “bạo lực”, “quấy rối”, “trong công việc” và “người lao động”. Trong tương lai, nếu Công ước được thống nhất, bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc phê duyệt, gia nhập và nội luật hóa tại các Quốc gia thành viên với điều ước quốc tế này để đảm bảo hiệu lực thực thi. Ông Nguyễn Mạnh Cường Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) cho biết, đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán cuối về một Công ước mới của ILO tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 17-19/6 trong khuôn khổ ILC lần thứ 108. Sự quan tâm của Việt Nam đối với Công ước mới này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với xu thế toàn cầu về lao động và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ LĐTB-XH cùng với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đã đồng tổ chức các buổi tọa đàm về dự thảo Công ước. Buổi tọa đàm gần nhất diễn ra vào ngày 28/05/2019 đã tiếp tục chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về quá trình xây dựng nội dụng của dự thảo Công ước mới này. Tại buổi tọa đàm đó, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE cho biết nội dung của dự thảo Công ước phản ánh thực tiễn không ngừng biến động và phát triển của thị trường lao động. Đây cũng là nhận định được nhiều đại biểu đồng tình trước thực tiễn xuất hiện nhiều loại hình công việc “phi truyền thống”, nơi người lao động không nhất thiết còn làm việc trong khuôn khổ bốn bức tường hay trọn vẹn trong 8 giờ hành chính nữa. Song song với quá trình trên, CARE đã tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về vấn đề quấy rối trong công việc nói chung và về Công ước nói riêng thông qua ccs hiến dịch như #STOPsexualharassment, #InvestingInWomen, và #March4Women.

Trong tháng 6 này, Công ước của ILO đầu tiên trong lịch sử ưu tiên bảo vệ tất cả người lao động khỏi bạo lực và quấy rối được kỳ vọng sẽ được thông qua. Với việc thông qua Công ước mới này của ILO, chúng ta có quyền hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả người lao động ở Việt Nam và trên toàn thế giới, khi họ được làm việc trong một môi trường lành mạnh, không bị bạo lực và quấy rối và khi phẩm giá của người lao động được tôn trọng và bảo vệ ở mọi lúc, mọi nơi.

CAO PHƯƠNG LINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cong-uoc-ilo-ve-chong-quay-roi-tinh-duc-noi-lam-viec-nhung-dieu-can-biet-d99453.html