Công ty vi phạm nhiều quy định về lao động

Trước khi Cty TNHH TY&CO (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho thôi việc “bằng miệng”, trái pháp luật đối với ông Thân Quang Trường - Chủ tịch CĐCS Cty, Cty này đã có động thái cắt giảm nhân công (trong đó có ông Trường) với lý do thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, hợp đồng lao động Cty ký với ông Trường có nhiều điều khoản vi phạm Luật Lao động.

Cty TY&CO treo băngrôn tuyển dụng lao động dù trước đó Cty này xin Sở LĐTBXH Bắc Giang cắt giảm nhân công với lý do thu hẹp sản xuất. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Định cắt giảm 12 người lao động

Theo hồ sơ phóng viên thu thập được, ngày 23.5.2016, Cty có phương án sử dụng LĐ gửi Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang. Theo như Cty trình bày, do các vụ nghỉ việc tập thể vì lý do không muốn làm việc dưới sự quản lý của người quản lý Hàn Quốc hiện tại, nên Cty gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất thiệt hại của Cty là quá lớn. Cty buộc phải dùng đến phương án thu hẹp sản xuất (giảm từ 8 dàn máy thêu xuống còn 5 dàn máy thêu), cùng với đó Cty buộc phải cắt giảm nhân công cho phù hợp. Theo phương án này, bắt đầu từ ngày 23.5.2016, Cty sẽ theo phương án sử dụng LĐ cụ thể như sau: 38 NLĐ tiếp tục được sử dụng và có 12 NLĐ (trong đó có ông Thân Quang Trường) phải chấp dứt HĐLĐ.

Theo lý do Cty đưa ra thì trường hợp này không phải vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ. Còn đối với lý do kinh tế, khái niệm này được quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 05/2015: “Lý do kinh tế tại Khoản 2 Điều 44 của Bộ luật LĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế”. Như vậy, Cty cũng không thuộc 2 trường hợp “vì lý do kinh tế” trên.

Hơn nữa, theo điều 44 Bộ luật LĐ hiện hành quy định: Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà phải cho thôi việc đối với nhiều NLĐ chỉ được tiến hành sau khi trao đổi với tổ chức đại diện tập thể LĐ tại cơ sở (tức CĐCS) và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về LĐ cấp tỉnh (ở đây là Sở LĐTBXH). Văn bản phương án sử dụng LĐ của Cty gửi cho Sở LĐTBHXH đề ngày 23.5.2016, trong khi đó, ngày này cũng là ngày bắt đầu Cty áp dụng phương án trên, như vậy, Cty đã không tuân thủ quy định phải báo trước 30 ngày cho Sở LĐTBXH.

Theo báo cáo ngày 24.11.2016 của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, do không được Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang chấp thuận, nên Cty đã phải rút lại phương án này. Điều khó hiểu là mặc dù nêu lý do gặp khó khăn, thiệt hại, thu hẹp sản xuất, nên phải cắt giảm nhân công, nhưng vào ngày 24.11, khi phóng viên có mặt tại trụ sở Cty, trước cổng Cty vẫn giăng băngrôn tuyển dụng CN (nữ) thêu vi tính có tay nghề và không có tay nghề.

Hợp đồng lao động có nhiều vi phạm

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự, HĐLĐ số 03/HĐLĐ ngày 1.3.2014 của Cty TY&CO với ông Thân Quang Trường có nhiều điểm không phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật LĐ. Cụ thể, tại điều 1 của HĐLĐ 03 ghi: Dù là trong thời gian HĐLĐ vẫn có hiệu lực nhưng vì lý do riêng nào đó mà NLĐ không có khả năng thực hiện HĐLĐ hoặc có hành vi vi phạm nội quy LĐ, không tuân thủ sự phân công công việc của Cty thì lúc đó HĐLĐ sẽ tự động kết thúc. Điều này không phù hợp với Điều 36 BLLĐ về việc HĐLĐ hết hạn.

Bên cạnh đó, tại điều 1 của HĐLĐ 03 ghi: Trong trường hợp chưa kết thúc thời gian thử việc hoặc 3 tháng làm việc đầu tiên tại Cty, Cty nhận thấy NLĐ không đủ năng lực và điều kiện để đáp ứng cho nhu cầu công việc thì dù chưa hết thời gian thử việc hoặc 3 tháng làm việc đầu tiên, thì Cty có thể hủy hợp đồng với NLĐ bất cứ lúc nào. Vẫn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều này không phù hợp với Điều 38 Bộ luật LĐ về Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng LĐ.

Ngoài ra, trong phần công việc phải làm ghi: Tất cả mọi việc Cty. “Điều này là không phù hợp, vì như vậy NLĐ có thể bị phân công làm bất cứ việc gì mà không được quyền từ chối. Lẽ ra Cty phải có bảng mô tả công việc của vị trí làm việc của NLĐ” - luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.

Trong HĐLĐ cũng ghi: Những trường hợp như không tuân theo chỉ thị của cấp trên, thái độ làm việc, tỉ lệ nghỉ việc, đi làm muộn và nếu bị cảnh cáo 3 lần thì Cty sẽ buộc NLĐ phải thôi việc. Điều này không phù hợp với Điều 38 BLLĐ về Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ hoặc Điều 125 về các hình thức kỷ luật lao động (hình thức sa thải) và áp dụng hình thức sa thải quy định tại Điều 126 Bộ luật LĐ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, những vi phạm này cần phải được sửa chữa kịp thời, tránh gây thiệt thòi cho NLĐ.

Ngày 29.11, Đại tá Phạm Trường Dân - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) - cho rằng: Bất cứ doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Tổ chức công đoàn đã kịp thời vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Qua báo chí cho thấy, kết quả buổi làm việc giữa Cty và LĐLĐ huyện Việt Yên, việc Cty cho ông Thân Quang Trường nghỉ việc là vi phạm quy định theo Điều 25 Luật CĐ vì ông Trường đang là Chủ tịch CĐ Cty và Điều 192 (khoản 7) Bộ luật LĐ. Do vậy, Cty TNHH TY&CO cần nhận rõ thiếu sót của mình và sớm để ông Trường trở lại làm việc, đồng thời phải bồi thường cho ông Trường số tiền trong thời gian Cty này đơn phương cho ông này nghỉ không có lý do... XUÂN HẢI

Cty TY&CO được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 2.10.2013, với vốn điều lệ là 800.000USD, tương đương 16,8 tỉ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Lee Jeoung Hee (SN 1956, quốc tịch Hàn Quốc). Đến ngày 15.4.2015, bà Lee Jeoung Hee có quyết định ủy quyền điều hành Cty cho ông Yun In Yeoul (SN 1958, quốc tịch Hàn Quốc). Theo giấy phép LĐ do Sở LĐTBHXH cấp mới cho ông Yun In Yeoul, vị trí công việc của ông là quản lý sản xuất, thời hạn làm việc từ ngày 4.8.2015 đến ngày 4.8.2017. Vụ việc chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với anh Thân Quang Trường xảy ra trong thời gian ông Yun In Yeoul thay mặt giám đốc để điều hành, giải quyết các công việc của Giám đốc. Q.C

QUẾ CHI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cong-ty-vi-pham-nhieu-quy-dinh-ve-lao-dong-615811.bld