Công ty Trung Quốc thâu tóm lưới điện Lào

Lào chuẩn bị nhường phần lớn quyền kiểm soát lưới điện quốc gia cho một công ty Trung Quốc, theo một thỏa thuận trước đó để ngăn chặn không để xảy ra vỡ nợ.

 Một nông dân Lào thu hoạch lúa bên dưới đường dây điện cao thế ở tỉnh Khammouane. Ảnh: Reuters

Một nông dân Lào thu hoạch lúa bên dưới đường dây điện cao thế ở tỉnh Khammouane. Ảnh: Reuters

Chính sách ngoại giao bẫy nợ

Theo đó, thỏa thuận trên được đưa ra đúng vào thời điểm giới phân tích chỉ trích và cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chính sách "ngoại giao bẫy nợ" để giành lợi thế chiến lược tại các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay theo sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hiện Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào và thỏa thuận này sẽ trói buộc quốc gia nghèo 7 triệu dân Đông Nam Á không có biển này càng phải lệ thuộc hơn với quốc gia láng giềng khổng lồ.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, thỏa thuận cổ phần lưới điện đã được ký kết vào đầu tuần trước giữa Tập đoàn Điện lực Lào (EdL) và Công ty Điện lực Trung Quốc China Southern, nhưng bản tin không nói chi tiết về quyền sở hữu mới.

Tuy nhiên, ba nhân vật có nhiều thông tin trong ngành điện lực cho biết, phía Lào sẽ trao phần lớn quyền kiểm soát Công ty TNHH Truyền tải điện quốc gia (EDLT) cho công ty vận hành Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào cho biết, Lào vẫn sẽ vận hành các hệ thống đường truyền tải điện và có thể dần dần mua lại cổ phần trong quá trình hoạt động.

Khi phóng viên hãng Reuters nêu vấn đề này với đại diện cả EdL và China Southern thì đều không nhận được phản hồi xung quanh bản thỏa thuận.

Dự án trọng điểm?

Sau đó, hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath đã gọi đây là một dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi từ "lợi thế về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn nhân lực" của công ty Trung Quốc trong xây dựng, vận hành và quản lý lưới điện".

Tờ Vientiane Times cho biết, sau thỏa thuận này thì EDLT sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào hệ thống lưới điện trong nước cũng như kết nối xuất khẩu điện ra nước ngoài.

Theo giới phân tích, nhiều năm qua chính phủ Lào đã mạnh tay đầu tư cho các dự án thủy điện, trong đó nhiều công trình do Trung Quốc tài trợ, với mục tiêu trở thành "bình ắc quy của Đông Nam Á". Tuy nhiên những dự án này cùng với tuyến đường sắt cao tốc mới do phía Trung Quốc cấp vốn hiện đang là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng nợ.

Ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6 cho biết, mức nợ công của Lào sẽ chiếm tới 68% GDP vào năm 2020, so với mức 59% của năm ngoái. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody vào tháng trước cũng đã cảnh báo về "một xác suất vỡ nợ đáng kể trong thời gian tới" đối với quốc gia Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia Moody, nghĩa vụ trả nợ của Lào trong năm 2020 là khoảng 1,2 tỷ USD từ các khoản vay của các ngân hàng thương mại và trái phiếu Thái Lan đáo hạn vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên theo Ngân hàng Trung ương Lào, lượng dự trữ ngoại hối của Lào chỉ là 864 triệu USD tính đến tháng 6.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 của Viện Lowy có trụ sở tại Úc đã đưa mức nợ của Lào đối với Trung Quốc tương đương 45% GDP. Trong khi Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh quan hệ chính trị với Lào để giành thêm sự hậu thuẫn đáng tin cậy cho vị thế của Bắc Kinh trong các vấn đề như Biển Đông trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Các nguồn thạo tin cho biết, Bắc Kinh cũng đang cân nhắc hoãn một phần trong tổng số các khoản thanh toán nợ của Lào. "Về mặt kinh tế, Lào sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và điều này là không thể tránh khỏi", ông Toshiro Nishizawa, giáo sư người Nhật, cố vấn cho chính phủ Lào về ổn định tài khóa tiết lộ.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây, Lào hiện có thể đủ điều kiện nhận được sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ các gói hỗ trợ tài chính thuộc chương trình Covid-19 mà 80 quốc gia đang được hưởng lợi. Nhưng phía Lào cho biết họ thà cố gắng tìm ra một giải pháp với Trung Quốc còn dễ hơn là một thỏa thuận với IMF vốn sẽ phải yêu cầu tính minh bạch rất cao về tài chính.

Thống kê, tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng gồm điện, giao thông, khu kinh tế biên giới và các dự án khác đã lên tới hơn 10 tỷ USD, khoản đầu tư này lớn hơn gấp đôi so với dòng tiền của Trung Quốc chảy vào Thái Lan.

Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho biết: “Việc trao cho Trung Quốc một cổ phần lớn trong 'Kế hoạch bình ắc quy Đông Nam Á' sẽ nhanh chóng đưa Lào trở thành một tỉnh chưa hợp thức của Trung Quốc".

Hà Dương

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cong-ty-trung-quoc-thau-tom-luoi-dien-lao-d272519.html