Công ty TNHH Xây dựng Hòa Lợi gian lận hồ sơ đấu thầu công trình hàng trăm tỷ tại Vĩnh Long?

Tổng doanh thu từ 2011 đến 2013, Công ty TNHH xây dựng Hòa Lợi (Công ty Hòa Lợi) kê khai thuế là gần 142,21 tỷ nhưng trong bảng kê khai năng lực tài chính lại lên tới hơn 277 tỷ đồng. Việc gian dối này đã 'qua mặt' được chủ đầu tư và Công ty Hòa Lợi đã trúng gói thầu gần 292 tỷ đồng!?

Dự án đầu tư công trình cải tạo nâng cấp đường tỉnh 908, qua địa bàn các huyện Long Hồ, Tam Bình và Tân Bình, có điểm đầu giáp Quốc lộ 1, thuộc địa bàn xã Phú Quới (Long Hồ), điểm cuối giáp Quốc lộ 54, thuộc xã Tân Quới ( Bình Tân), với chiều dài toàn tuyến 29km. Tổng vốn đầu tư gần 292 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách của tỉnh và vốn vay tín dụng ưu đãi. Thời gian thi công 29 tháng, từ 25/12/2014 đến 2017. Đây là gói thầu được mở thầu, đấu thầu công khai trên toàn quốc, chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long; nhà thầu được lựa chọn trúng thầu gói thầu là Công ty TNHH xây dựng Hòa Lợi, có địa chỉ tại ấp 4, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Ảnh minh họa.

Bất thường trong hồ sơ dự thầu

Công ty Hòa Lợi được thành lập năm 2008. Điều mà bạn đọc quan tâm phản ánh là Công ty Hòa Lợi có làm giả hồ sơ dự thầu dự thầu Dự án đầu tư công trình cải tạo nâng cấp đường tỉnh 908? Có đủ năng lực tài chính cũng như đáp ứng kĩ thuật thi công?

Thế nhưng, trên thực tế, Hòa Lợi đã vượt qua các đối thủ mạnh và trúng thầu một cách ngoạn mục. Điều đó làm cho các nhà thầu thua cuộc không “tâm phục, khẩu phục”. Bởi dự án đầu tư công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 908 mang tầm cỡ với tổng vốn đầu tư lên đến 292 tỷ đồng. Vậy thì, với 6 năm kinh nghiệm, tổng vốn và doanh thu của Công ty Hòa Lợi ít nhất cũng phải đáp ứng tương xứng với số vốn đầu tư thì Hòa Lợi mới tham gia được gói thầu trên. Bằng cách nào công ty lại có được hồ sơ đẹp để đi dự thầu và vượt qua các nhà thầu khác?

Bảng kê khai doanh thu trong hồ sơ dự thầu cao gấp gần 2 lần so với doanh thu kê khai tại cơ quan thuế.

Tìm hiểu được biết, theo báo cáo tài chính của Công ty Hòa Lợi với ngành thuế thì doanh thu của công ty trong 3 năm, từ 2011 đến 2013, như sau: Năm 2011, tổng doanh thu 34.140.881.728 đồng; năm 2012, tổng doanh thu 43.028.040.290 và năm 2013 là 65.040.421.707 đồng. Từ những con số biết nói trên dư luận đặt câu hỏi: Liệu Hòa Lợi có đủ năng lực để thi công gói thầu với tổng vốn đầu tư gần 292 tỷ đồng không? Làm cách nào mà nhà thầu lại vượt qua được bức tường cao phía trước?

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Cục Thuế tỉnh Cà Mau, cho biết: Không có chuyện ngành thuế xác minh khống doanh thu cho doanh nghiệp, như vậy là sai nguyên tắc. Có thể một số doanh nghiệp muốn đấu thầu các dự án lớn mà năng lực chưa đủ, thường tự cắt ghép rồi đem photo công chứng (theo như phóng viên được biết, muốn công chứng giấy tờ phải có bản gốc để đối chiếu) doanh thu khống lên để đưa vào hồ sơ năng lực của công ty khi tham gia đấu thầu, chứ cơ quan thuế không bao giờ xác nhận khống doanh thu cho doanh nghiệp, vì con số doanh thu này được báo cáo lên Tổng cục Thuế, đây là con số công bố công khai.

Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long là chủ đầu tư dự án.

Khai khống doanh thu để đấu thầu dự án đường tỉnh 908 là có thật.

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi được “thực mục sở thị” bản hồ sơ của Công ty Hòa Lợi lưu tại Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Vĩnh Long và thấy không khớp với số liệu báo cáo tài chính với ngành thuế. Theo những số liệu mà phóng viên ghi chép (hình hảnh chụp hồ sơ gốc) kê khai năng lực tài chính của nhà thầu, trong 3 năm liền như sau: năm 2011 doanh thu là 65.640.881.728 đồng, năm 2012 là 91.150.350.420 đồng và năm 2013 là 120.540.421.707 đồng. Tổng doanh thu 3 năm kê khai trong hồ sơ dự thầu dự án đầu tư công trình, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 908 là 277.331.653.855 đồng. Như vậy, con số chênh lệch so với con số doanh thu thực của công ty trên hệ thống thuế là 135.122.310.391 đồng.

Rõ ràng nhà thầu Hòa Lợi đã cố tình làm sai lệnh hồ sơ để đấu thầu, qua đó thể hiện những tố cáo của bạn đọc là có cơ sở. Qua đó phải đặt trách nhiệm của các cơ quan, chủ đầu tư trong việc kiểm tra thông tin nhà thầu. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu chỉ Công ty Hòa Lợi có vượt qua được bức tường cao kia không hay có sự “chống lưng, trợ giúp” nào đó? Câu trả lời xin gửi tới các cơ quan hữu quan tỉnh Vĩnh Long.

Ngoài ra, theo phản ánh của độc giả thì trong hồ sơ mời thầu không áp dụng hình thức thầu phụ. Nhưng đơn vị trúng thầu là Công ty Hòa Lợi đã kí lại thầu phụ (hay còn gọi là bán công trình) cho 3 nhà thầu phụ, đến nay chưa thanh toán hết số tiền cho các nhà thầu phụ với số tiền trên 11 tỷ đồng, mặc dù công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng và đang chờ thanh quyết toán.

Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu, đề nghị các cơ quan chức năng và Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long sớm làm rõ có hay không việc Công ty Hòa Lợi gian lận năng lực tài chính để dự thầu và trúng thầu đối với dự án trên.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Những hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó nêu rõ hành vi gian lận bao gồm:

“Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào”

(Điểm a, Khoản 4, Điều 89 , Luật Đấu thầu 2013);

“Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”

(Điểm c, Khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013).

Theo Khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì với hành vi vi phạm nêu tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013 sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.

Đối với trường hợp nêu trên, việc nhà thầu gian lận khai khống doanh thu để tham dự thầu, đã thực hiện là hành vi gian lận, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng; hành vi này được coi là vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013. Vì vậy, nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành. Trong trường hợp này, khi việc làm giả doanh thu, của nhà thầu đã được xác định một cách rõ ràng thì HSDT của nhà thầu này không được xem xét, đánh giá tiếp. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền cần căn cứ quy định nêu tại Khoản 3 Điều 90 của Luật Đấu thầu 2013 để ban hành quyết định cấm nhà thầu tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ của hành vi vi phạm, người có thẩm quyền còn có thể đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Nhóm PVPL

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/cong-ty-tnhh-xay-dung-hoa-loi-gian-lan-ho-so-dau-thau-cong-trinh-hang-tram-ty-tai-vinh-long-post4244.html