Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST vẫn... chưa trả tiền cho người bị hại?

Năm 2010 - 2011, lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST (Công ty TST) là ông Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương đã nhận và chiếm đoạt của 148 bị hại hơn 265 tỷ đồng. Đến nay, đã trả lại và khắc phục hậu quả hơn 107 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 157 tỷ đồng. HĐXX TAND TP. Hà Nội tuyên phạt Phạm Mạnh Cường án tù chung thân, Nguyễn Thị Minh Thương 20 năm tù. Tòa cũng tuyên Công ty TST phải bồi thường gần 138 tỷ đồng cho 88 người bị hại. Tuy nhiên đến nay chưa ai nhận được tiền bồi thường?

Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên với luật sư Phạm Hồng Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) xung quanh vấn đề nêu trên.

Luật sư Phạm Hồng Sơn

Luật sư Phạm Hồng Sơn

Thưa luật sư, vụ án lừa đảo do Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, với trên 100 người bị lừa và số tiền bị chiếm đoạt cũng rất lớn. Luật sư đánh giá thế nào về các thủ đoạn lừa đảo trong vụ án này?

Công ty TST được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Ông Phạm Mạnh Cường và bà Nguyễn Thị Minh Thương đều là người có kiến thức về kinh doanh bất động sản (BĐS), họ hiểu tường tận đường đi nước bước trong việc hình thành, phát triển, kinh doanh một dự án BĐS. Trong dự án này, họ đã “vẽ” ra bản quy hoạch, các tài liệu giả làm cho khách hàng rất bị nhầm lẫn (bị lừa). Việc hai đối tượng này dẫn người mua tới xem dự án đang thi công, rồi “gạ” mua dự án khác cũng là một cách đánh lừa khôn khéo.

Họ đã thực hiện hành vi bán đất “ảo” tài tình, với thủ đoạn tinh vi, ký hợp đồng vay tiền của người mua rồi hứa trả bằng đất. Thủ đoạn ký hợp đồng vay vốn, bản chất là mua bán đất thường được dùng khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS cũng như Luật Đất đai.

Một thủ đoạn khác là cách họ thu tiền chênh ngoài hợp đồng. Đây là hành vi để “lách” thuế và nếu xẩy ra tranh chấp, người mua nhiều khả năng sẽ mất tiền do không có bằng chứng cho số tiền chênh đã nộp này. Cách làm này không phải là hiếm, chúng ta cũng dễ tìm thấy trên thị trường hiện nay và nó ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Ông có thể cho biết cụ thể các rủi ro như thế nào không?

Rủi ro cơ bản nhất mà người mua có thể gặp là dự án trên giấy, nguy cơ mãi mãi chỉ ở trên giấy và không bao giờ thành sự thật. Trong trường hợp này người mua có thể mất toàn bộ số tiền đầu tư của mình. Vụ án lừa đảo của Công ty TST là một ví dụ. Hiện nay không thể xác định được số tiền mà Phạm Mạnh Cường và Nguyễn Thị Minh Thương đã thu của khách đang nằm ở đâu.

Trường hợp thứ hai, người mua cũng có thể gặp rủi ro là dự án bị kéo dài, người mua có khi mất nhiều năm vẫn chưa nhận được nhà, đất trong khi tiền thì đã nộp trước. Tình trạng này hiện cũng không hiếm.

Công ty TST là doanh nghiệp đã từng làm một số dự án lớn. Theo cơ quan điều tra đã xác định thì khi họ lừa bán đất ảo tại Vân Canh, họ đang thi công dự án Khu nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Tổng cục V và nhiều dự án khác. Như vậy họ là doanh nghiệp có uy tín và làm ăn được, chứ không phải là doanh nghiệp không có năng lực. Tuy nhiên đối với lĩnh vực BĐS thì luôn cần vốn lớn, chính vì vậy khi thu được tiền, không doanh nghiệp nào để trong két. Họ sẽ lập tức đầu tư vào kinh doanh. Cơ quan điều tra đã rất khó để xác định được Công ty TST đã dùng tiền lừa đảo vào việc gì.

TAND TP. Hà Nội đã tuyên Công ty TST phải bồi thường cho các bị hại, nhưng theo các bị hại thì hiện nay Công ty TST chưa có động thái gì cho việc trả tiền này. Ông có bình luận gì về điều này không?

Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên như vậy, nhưng bản án đang bị kháng án do đó nó chưa có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp này có trả tiền cho các bị hại hay không là quyết định của Công ty TST. Họ có thể trả, hoặc đợi phán quyết của cấp Tòa phúc thẩm rồi mới thực hiện. Trong trường hợp này cơ quan thi hành án cũng chưa thể thi hành theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa phúc thẩm sẽ ngay lập tức có hiệu lực, sau đó, Công ty TST bắt buộc phải thực hiện. Trong trường hợp họ không chịu thực hiện, khi có đơn đề nghị thi hành án của các bị hại, cơ quan thi hành án sẽ kê biên tài sản, cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.

Việc thi hành án lại là một trở ngại, trên thực tế, nhiều vụ án Tòa đã tuyên nhưng việc thi hành án luôn bị kéo dài, tồn đọng rất lớn và vì vậy quyền lợi của người bị hại rất khó được đảm bảo?

Đúng là hiện nay có tình trạng này. Nhiều vụ án mà việc thi hành án dân sự không thực thi được. Nếu phía phải bồi thường không có tài sản hoặc tiền để bồi thường, thì tất nhiên họ không thể lấy gì mà trả cho người bị hại được. Còn đối với Công ty TST như chúng ta đã biết, đây là doanh nghiệp đã từng có uy tín và có năng lực nên tôi hi vọng việc thi hành án sẽ được thực thi. Tuy nhiên, vấn đề này chúng ta không thể biết chắc chắn được. Còn tùy thuộc vào thực trạng của doanh nghiệp.

Sau khi Tòa cấp sơ thẩm tuyên án, một số người bị hại vẫn đang lo lắng và tiếp tục khiếu nại cũng như tự tìm đến các đối tác của Công ty TST và đòi tiền, theo ông về mặt pháp lý, có cơ sở nào để đòi hoặc trả tiền hay không?

Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên Công ty TST phải bồi thường cho người bị hại. Trên thực tế người bị hại là khách hàng của Công ty TST, ký hợp đồng với Công ty TST và nộp tiền cho Công ty TST. Như vậy trong trường hợp này, không ai có thể thay Công ty TST để trả tiền cho người bị hại được. Trước khi có phán quyết của Tòa phúc thẩm, người bị hại nên bình tĩnh, thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-ty-tnhh-thuong-mai-va-dich-vu-tst-van-chua-tra-tien-cho-nguoi-bi-hai-161640.html