Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường: Hiệu quả hơn với TPM

Giảm thời gian chuyển đổi sản phẩm từ 21 phút xuống 15 phút, giúp nâng cao hiệu suất tổng thể thiết bị OEE của máy phay CNC từ 38% lên 50% và OEE máy tiện CNC từ 73% lên 76% chỉ sau 1 tháng là những lợi ích mà Chương trình Hỗ trợ áp dụng TPM của Bộ Công Thương mang lại cho Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường.

Áp dụng công cụ cải tiến năng suất nâng cao năng lực cạnh tranh

Áp dụng công cụ cải tiến năng suất nâng cao năng lực cạnh tranh

Được triển khai từ tháng 10 - 12/2019, TPM đã giúp Trí Cường thu được lợi ích về quản lý trực quan; tác phong, nề nếp của nhân viên; quản lý sản xuất và hiệu quả về năng suất thiết bị. Theo đó, công ty đã triển khai TPM với 3 trụ cột chính được lựa chọn, bao gồm: Bảo trì tự quản, cải tiến trọng điểm và giáo dục - đào tạo với phạm vi áp dụng tại Nhà máy phay CNC 1 - 2, máy tiện CNC2 (phòng sản xuất số 1). Chỉ sau 3 tháng áp dụng TPM, công ty nhanh chóng tạo lập nền tảng cho 3 trụ cột triển khai. Trong thời gian này, công ty đã khởi động một đề tài cải tiến có sự tham gia của trưởng phòng sản xuất 1, quản lý bộ phận bảo dưỡng thiết bị sản xuất 1, tổ trưởng sản xuất, nhóm trưởng CNC và nhân viên bảo dưỡng.

Về quản lý sản xuất, đã đào tạo và hướng dẫn các công việc kiểm tra, vận hành cho người vận hành thiết bị theo trụ cột AM nên máy móc được chăm sóc và bảo dưỡng tốt, sạch sẽ hơn. Các giải pháp lâu dài đã được áp dụng thay cho giải pháp tạm thời trước đây. Về hiệu quả năng suất, Trí Cường đã giảm được thời gian chuyển đổi sản phẩm thông qua các cải tiến, nâng cao hiệu suất tổng thể thiết bị OEE của máy phay CNC từ 38% (tháng 11) lên 50% (tháng 12) và OEE máy tiện CNC từ 73% (tháng 11) lên 76% (tháng 12). Về hiệu quả an toàn, việc hoạch định lại các dụng cụ cũng như tiêu chuẩn hóa thao tác nên mặt bằng hợp lý và rộng rãi hơn, giúp công nhân di chuyển ít hơn, tăng tính an toàn cho công nhân khi tham gia tác nghiệp... Đối với hiệu quả đào tạo, công ty đã xác định được ma trận năng lực của 2 nhân viên vận hành 2 máy thí điểm để lên kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực năm 2020; bố trí các buổi đào tạo cho cấp quản lý, người vận hành thường xuyên để hoạt động sản xuất được kết nối chủ động.

Ông Vũ Văn Tuấn - Đại diện Nhóm cải tiến Công ty Trí Cường - cho biết, để có thể triển khai trong 3 tháng và mang lại hiệu quả, trước đó, Trí Cường đã áp dụng nhiều công cụ cải tiến năng suất khác nhằm tạo "văn hóa" cải tiến năng suất trong doanh nghiệp. Trước đó, công ty đã áp dụng 5S vào quản lý sản xuất và từ năm 2016, với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương cùng các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam, công ty đã triển khai thành công Lean Six Sigma (LSS).

Đánh giá về lợi ích mà Chương trình TPM mang lại cho doanh nghiệp, bà Kiều Nguyễn Việt Hà - Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết, công cụ TPM đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì và nỗ lực để mở rộng TPM nhằm mang lại các hiệu quả lớn hơn nữa về cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Vũ Văn Tuấn - Đại diện Nhóm cải tiến Công ty Trí Cường:

Chỉ sau 6 tháng áp dụng mô hình quản lý tinh gọn giảm thiểu sai lỗi (LSS) vào quá trình sản xuất, công ty đã hạn chế được lãng phí vật liệu 14%; tỷ lệ phế phẩm giảm từ 2,7% xuống còn 2,2%; thời gian chậm tiến độ giảm từ 72% xuống còn 20%; tiết kiệm 36 triệu đồng/tháng trên một máy, tương đương với 432 triệu đồng/năm.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-tnhh-cong-nghiep-tri-cuong-hieu-qua-hon-voi-tpm-138236.html