Công ty Thiên Sơn rũ bỏ trách nhiệm trong tai biến chạy thận tại Hòa Bình

Ngày 22.5, phiên tòa sơ thẩm xét xử tai biến chạy thận tại Hòa Bình tiếp tục với phần xét hỏi. Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Cty Thiên Sơn) không chịu nhận trách nhiệm của mình.

Bị cáo Hoàng Công Lương đến tòa trong ngày thứ 6 xét xử sơ thẩm. Ảnh: Anh Phú

Một lần nữa, hội đồng xét xử đặt câu hỏi với luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện ủy quyền của Cty Thiên Sơn.

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho biết: Hợp đồng sửa chữa giữa Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình và Cty Thiên Sơn là hợp đồng trọn gói. Trước đó, Cty Thiên Sơn đã tiến hành khảo sát tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình từ cuối 2016. Đầu năm 2017, Cty Thiên Sơn báo giá đề xuất thay thế, sửa chữa một số hạng mục sửa chữa hệ thống chạy thận. BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa ra phương án: Thay cát sỏi, tẩy màng, xét nghiệm toàn bộ hệ thống trước khi đưa vào sử dụng…

Sau đó, Cty Thiên Sơn gửi báo giá cho Trần Văn Sơn, Phòng Vật tư – thiết bị (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) báo giá, thương thảo ký kết hợp đồng. Sau đó, hợp đồng được ký kết.

Hội đồng xét xử tiếp tục hỏi công ty Thiên Sơn trong sáng 22.5. Ảnh: Anh Phú

“Hợp đồng giữa BV đa khoa tỉnh Hòa Bình với Cty Thiên Sơn nhưng do Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh – Cty Thiên Sơn bán thầu sang) thực hiện. Khi Quốc lên thực hiện tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn nhân danh Cty Thiên Sơn. Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh thực hiện hợp đồng với Cty Thiên Sơn, không liên quan đến BV’, luật sư Hương cho hay.

Bị cáo Trần Văn Sơn có mặt tại tòa trong phiên xét xử ngày thứ 6. Ảnh: Anh Phú

Ngày 25.5.2017, giao kết diễn ra sau khi Cty Thiên Sơn thỏa thuận xong với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đây là hợp đồng hợp pháp. Theo đó, sau khi sửa chữa hệ thống chạy thận phải kiểm tra mẫu nước mới hoàn thiện quá trình sửa chữa. Tuy nhiên, Cty Thiên Sơn làm nhiều hạng mục nhưng chỉ hạng mục nào cần mới xét nghiệm. Ví dụ: Màng lọc nước thì cần xét nghiệm AAMI (tiêu chuẩn AAMI với nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo) phải bàn giao bằng văn bản. Việc bàn giao có văn bản, không thể bàn giao bằng miệng.

Bị cáo Bùi Mạnh Quốc, giám đốc công ty Trâm Anh, có mặt tại tòa sáng 22.5. Ảnh: Anh Phú

Cũng theo luật sư Hương, giữa BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và Cty Thiên Sơn có biên bản bàn giao, trong đó có chữ ký của cá nhân là ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Vật tư, ông Hoàng Công Tình (Trưởng khoa Hồi sức) ký. Ngày 28.5.2017, Cty Thiên Sơn chưa sửa chữa xong hệ thống nước RO 2 vì phải mất 7- 10 ngày xét nghiệm. Do đó, biên bản bàn giao ngày 28.5.2017 là không thể có.

Sau khi xảy ra sự cố chạy thận, bị cáo Bùi Mạnh Quốc có nói lại với Cty Thiên Sơn: “Không ngăn được việc chạy thận dù chưa bàn giao khi chưa xét nghiệm nước”. Do đó, bà Hương cho rằng: Văn bản do Bùi Mạnh Quốc ký không hợp pháp vì Quốc không thuộc Cty Thiên Sơn.

Một lần nữa, bà Nguyễn Thị Đinh Hương khẳng định: Cty Thiên Sơn không chấp nhận bồi thường trong vụ việc này vì công ty Thiên Sơn không có trách nhiệm. Chúng tôi chỉ hỗ trợ về tình cảm.

Cty Thiên Sơn chính là công ty ký hợp đồng với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình về hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc RO, sau đó "bán thầu" cho Cty Trâm Anh để Bùi Anh Quốc thực hiện việc xử lý nước, dẫn đến sự cố tai biến y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.

Bà Hương cho biết, sau khi sự cố xảy ra, Cty Thiên Sơn đã bàn bạc với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân tổng số tiền 370 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay không đạt được thỏa thuận được với BV .

L.Hà - L.Trang - V.Phú

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/cong-ty-thien-son-ru-bo-trach-nhiem-trong-tai-bien-chay-than-tai-hoa-binh-608432.ldo