Công ty THHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn:Tạo 'luật ngầm' trong phân phối hàng hóa, Cục Phòng, Chống tham nhũng vào cuộc

Trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã có 4 lần bán số hàng Extra theo kỳ hạn với thành tố Pre là 15USD/tấn, 2 lần bán số hàng Extra theo giá giao ngay với thành tố Pre là 52USD/tấn. Nếu tính chênh lệch, con số mà BSR đã gây ra trong việc bán sản phẩm gần 2,9 triệu USD.

BSR bỏ qua đàm phán, tạo thế độc quyền cho nhà phân phối

Như chúng tôi đã thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty THHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã có nhiều dấu hiệu tiêu cực trong việc bán polypropylene. Theo đó, thay vì việc phải mời rộng rãi các đối tác tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm Polyproylene (PP), Công ty THHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tự lựa chọn 5 đối tác cung cấp hàng hóa. Trong 2 số đó đã được BSR bán hàng trao tay ngay tại xưởng PP để kiếm lời ‘khủng’.

Theo đó, BSR mời hạn chế một số đối tác vào đàm phán để đưa ra tiêu chí lựa chọn Nhà phân phối bao gồm: Công ty cổ phần nhựa OPEC (OPEC Plastics), Công ty cổ phần hóa dầu nhựa Đà Nẵng (P&C Đà Nẵng); Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ dầu khí Miền trung (Petroseco); Công ty dịch vụ khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC) và Công ty cổ phần nhà và thương mại dầu khí (PV Building).

Đáng chú ý, các hợp đồng ký với 5 đối tác có nội dung khác nhau. Một số điều khoản vi phạm nguyên tắc hợp đồng term (không điều chỉnh giá và lượng trong thời hạn). Cụ thể Điều 11.7 (áp dụng cho tất cả trừ PV Buiding không có điều khoản này và Đà Nẵng Plastic) cho phép điều chỉnh khối lượng. Trong khi đó, Công ty nhựa Đà Nẵng điều 11.7 được phép điều chỉnh giá điều này.

Chưa hết, các hợp đồng của BSR không có điều khoản riêng về quyền chấm dứt hợp đồng như thông lệ dẫn dến hạn chế quyền chủ động của BSR (cụ thể như hiện nay), mà chỉ có điều 8.2 (trong Điều 8 thời hạn hợp đồng) quy định nếu bên B không nhận hàng theo kế hoạch thì mới xem xét chấm dứt hợp đồng. Riêng Công ty PVBuiding có điều 5.2.4 quy định BSR có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Đáng chú ý, theo hợp đồng BSR đã ký còn tạo ra cơ hội cho một số Nhà phân phối đã mua một khối lượng lơn nâng thế độc quyền trên thị trường.

Cụ thể, BSR bán cho Opec khối lượng 4100 tấn/tháng theo hợp đồng term dài hạn (Hợp đồng số 1118/BSR-Opec) ngày 21/12/2017) chiếm đến 33% sản lượng của Nhà máy (4100 tấn/12.500 tấn).

BSR cùng ngày 21/12/2107 ký Phụ lục 1 của Hợp đồng 1118/BSR-Opec với Opec để bán toàn bộ lượng hàng sản xuất vượt kế hoạch (khoảng 2.000 tấn/tháng) cho Opec. Như vậy, với phụ lục này Opec có thể mua tối đa lên tới 6100 tấn/tháng chiếm 42% sản lượng của Nhà máy (bao gồm cả lượng vượt kế hoạch = 6100/14.500).

Hợp đồng Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn ký 03 năm với OPEC; Cty CP hóa chất nhựa Đà Nẵng; Cty CPTM Dịch vụ Dầu miền Trung và Cty DMC.

Cục Phòng, Chống tham nhũng vào cuộc

Trước những lùm xùm xung quanh hoạt động của BSR, vừa qua, Cục Phòng, Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp những thông tin, tài liệu để làm rõ phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong việc bán sản phẩm hạt nhựa (polypropylene) của doanh nghiệp này.

Theo tài liệu, ngày 15/8/2018, Cục Phòng, Chống tham nhũng đã gửi văn bản số 189/C.IV-P1 tới Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR).

Cục cho biết thời gian qua đã nhận được thông tin phản ánh những tiêu cực trong việc bán sản phẩm hạt nhựa (polypropylene), gây thiệt hại 2,886 triệu USD trong vòng 6 tháng đầu năm 2018.

Cụ thể, công suất của BSR là khoảng 15.000 tấn/tháng. Năm 2017, BSR đã ký hợp đồng kỳ hạn (Term contract) 3 năm (2018-2021) với thành tố Pre (tiền hạt nhựa) trong cơ cấu giá bán được thỏa thuận hằng năm (năm 2018 là 15USD/tấn) với các công ty: Cổ phần Nhựa OPEC; Cổ phần Hóa chất nhựa Đà Nẵng, Cổ phần Thương mại và dịch vụ khoan dầu khí; Cổ phần Thương mại dịch vụ dầu khí miền Trung; Cổ phần Nhà và thương mại dầu khí, với tổng số lượng sản phẩm là 13.000 tấn/tháng.

Với số lượng sản xuất dư hằng tháng (Extra) khoảng 2.000 tấn, BSR ký phụ lục hợp đồng với khách hàng, hoặc là giao theo giá kỳ hạn (Term) hoặc theo giá giao ngay (Spot).

Theo phản ánh mà Cục Phòng, Chống tham nhũng nhận được, trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã có 4 lần bán số hàng Extra theo kỳ hạn với thành tố Pre là 15USD/tấn, 2 lần bán số hàng Extra theo giá giao ngay với thành tố Pre là 52USD/tấn.

Tuy nhiên, đáng nói là giá Pre lại được chào bán chênh lệch rất lớn với giá đã thỏa thuận, tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho BSR. Cụ thể, có thông tin thiệt hại mà BSR đã gây ra trong việc bán sản phẩm được phản ánh là: 13.000 tấn x (52USD – 15USD) x 6 tháng = 2,886 triệu USD.

Cũng theo Cục Phòng, chống tham nhũng, hiện tại BSR đang dự kiến bán toàn bộ số hàng Extra 6 tháng cuối năm 2018 cho đối tác mới với phương thức Term (Pre = 15USD/tấn). Như vậy sẽ gây thiệt hại cho BSR khoảng 2.000 tấn x (52 – 15) x 6 tháng = 444.000USD.

Để phục vụ việc quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng và có cơ sở đánh giá bản chất sự việc, Cục Phòng, Chống tham nhũng yêu cầu BSR cung cấp các tài liệu về việc bán sản phẩm của BSR để xem xét.

Nhóm PV

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/tao-luat-ngam-trong-phan-phoi-hang-hoa-cuc-phong-chong-tham-nhung-vao-cuoc-d2058480.html