Công ty sở hữu chuỗi Vuvuzela, GoGi House lao đao

Trước dịch, Golden Gate đạt kỷ lục lợi nhuận 320 tỷ đồng trong năm 2019. Sau đó, doanh nghiệp phải đặt kế hoạch lãi ròng năm 2020 giảm hơn một nửa.

Cuối tuần, anh Nguyễn H. (quận Đống Đa, Hà Nội) có hẹn với bạn đi nhậu. Anh gọi điện đặt bàn ở Vuvuzela cơ sở tại tòa Artemis thì được biết đã ngừng hoạt động, chuyển đặt ở Hoàng Đạo Thúy thì cơ sở này đang sửa chữa. Anh H. và bạn cuối cùng phải sang Vuvuzela Nguyễn Trãi.

“May hôm nay tôi gọi trước, chứ bình thường là đi ra thẳng quán. Nếu vậy, chắc phải “thăm” vài cơ sở rồi mới đến nơi”, anh H. hài hước. Hiện tại, Vuvuzela tại Hà Nội chỉ còn 2 chi nhánh đang hoạt động, 2 đang nâng cấp dịch vụ và 3 phải đóng cửa.

Sau 3 làn sóng Covid-19 nối tiếp nhau, chuỗi nhà hàng bia này, mà rộng hơn là các chuỗi F&B (kinh doanh thực phẩm và đồ uống) của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng vàng (Golden Gate), gặp rất nhiều khó khăn.

 Vuvuzela phải đóng gần một nửa cửa hàng tại Hà Nội vì dịch. Ảnh: Jamja.

Vuvuzela phải đóng gần một nửa cửa hàng tại Hà Nội vì dịch. Ảnh: Jamja.

Thu hơn 11 tỷ mỗi ngày từ lẩu, bia tươi, thịt nướng

Trước dịch, Golden Gate là chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam với hơn 20 thương hiệu, độ phủ gần 400 nhà hàng tại 45 tỉnh, thành. Đơn vị này “hái ra tiền” nhờ sở hữu một loạt hệ thống nhà hàng đình đám như Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Ashima, GoGi House, Vuvuzela, Hutong hay Manwah.

Golden Gate được thành lập năm 2008 với số vốn 32 tỷ đồng, sau khi mua Công ty Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành. Trong 3 năm đầu hoạt động, hệ thống này chỉ khai thác 3 thương thiệu gồm Ashima, Kichi-Kichi và Sumo BBQ.

Năm 2012, doanh nghiệp tăng tốc bằng việc giới thiệu 5 thương hiệu mới. Bước ngoặt của Golden Gate đến vào một năm sau đó, khi công ty này đưa vào vận hành 7 thương hiệu mới, trong đó có nhà hàng GoGi House và hồi sinh lại thương hiệu Vuvuzela tại TP.HCM.

Ở các thành phố lớn, chuỗi nhà hàng ăn uống của Golden Gate liên tục mọc lên, hầu hết đặt tại những vị trí đắc địa, hoặc những trung tâm thương mại tầm cỡ.

Độ phủ các cửa hàng thuộc Golden Gate tại các thành phố lớn rất cao. Ảnh: Chí Hùng.

Năm 2014, doanh thu của Cổng Vàng tăng hơn gấp đôi, lên mức 1.251 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế tăng gần 70% đạt 131 tỷ đồng cùng năm. Đến năm 2015, doanh thu và lợi nhuận của “ông trùm” chuỗi nhà hàng này tiếp tục tăng lần lượt 49% và 18% so với năm trước đó.

Cuối năm 2017, Golden Gate sở hữu 17 thương hiệu với 227 nhà hàng trên toàn quốc. Đại diện hệ thống từng thừa nhận 4 mô hình tạo nên hơn một nửa nguồn thu cho Golden Gate là Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ và Vuvuzela.

Sang năm 2018, Golden Gate chỉ mở thêm một chuỗi và quản lý hơn 300 cửa hàng. Theo báo cáo thường niên, dù tốc độ tăng trưởng chững lại, đại gia ngành F&B này vẫn đạt doanh thu thuần 3.971 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 269 tỷ.

Trung bình mỗi ngày, các nhà hàng của Cổng Vàng thu về 11 tỷ đồng từ lẩu, bia tươi, thịt nướng.

Lợi nhuận dự kiến giảm hơn nửa

Doanh thu thuần của Golden Gate năm 2019 là 4.780 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của Golden Gate là 380 tỷ đồng, tăng tới 39% so với cùng kỳ. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác, công ty báo lãi trước thuế 400 tỷ đồng.

Sau khi hạch toán chi phí thuế, lãi ròng của hệ thống nhà hàng này là 320 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp trong lịch sử.

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp là 2.200 tỷ đồng, tăng thêm 200 tỷ so với năm 2018. Tiền và các khoản tương đương tiền là 280 tỷ. Nợ phải trả là 950 tỷ. Tổng giá trị vay nợ ngắn hạn và dài hạn chiếm 380 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, công ty mở thêm 49 nhà hàng; tuyển dụng thêm hơn 2.700 nhân viên, nâng tổng số nhân sự lên 15.870 người. Lúc này, Golden Gate nắm trong tay tổng cộng 357 nhà hàng ẩm thực, bia tươi.

Trong tháng đầu tiên của năm 2020, các cửa hàng của Golden Gate đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với doanh thu và lợi nhuận thuần tăng lần lượt 32% và 54% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, Cổng Vàng không tránh khỏi tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, công ty bắt đầu chứng kiến doanh thu sụt giảm nhanh chóng từ cuối tháng 2 và cao điểm nhất là toàn hệ thống đóng cửa từ cuối tháng 3 đến hầu hết tháng 4.

Đến tháng 7/2020, ban lãnh đạo Golden Gate trình cổ đông kế hoạch doanh thu 4.708 tỷ đồng năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn một nửa, còn 150 tỷ đồng. Đây cũng đánh dấu là năm tăng trưởng âm đầu tiên của chuỗi nhà hàng lẩu nướng, bia tươi này trong một thập niên gần nhất.

“Tập đoàn hoàn toàn có khả năng hoạt động bình thường trong 12 tháng tới, ngoại trừ ảnh hưởng của các sự kiện bất khả kháng, mệnh lệnh hành chính do Chính phủ ban hành và các yếu tố vĩ mô”, lãnh đạo Golden Gate nói hồi giữa năm 2020.

Mới nhất ngày 9/3, thương hiệu thịt nướng Sumo Yakiniku của Golden Gate phát đi thông báo dừng hoạt động kinh doanh tại cơ sở Huỳnh Thúc Kháng, giảm còn 7 cửa hàng tại Hà Nội. Trong khi đó, hơn một năm trở lại đây, chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma đã phải đóng một nửa cơ sở tại Hà Nội.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-so-huu-chuoi-vuvuzela-gogi-house-lao-dao-post1192601.html