Công ty Rạng Đông: Từ cải tiến năng suất đến bước đi mạnh mẽ trong chuyển đổi số

Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những DN đi đầu trong cải tiến, đổi mới công nghệ trong sản xuất.

Đẩy mạnh áp dụng công cụ cải tiến

Với mục tiêu đề ra đến năm 2020 doanh thu sản phẩm đèn LED sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của Rạng Đông đạt khoảng 2.450 tỷ, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 1.100 tỷ, cùng với các công cụ cải tiến khác, công ty đã quyết định đẩy mạnh áp dụng Kaizen vào sản xuất và chia ra làm 2 giai đoạn để thực hiện.

Theo đó, giai đoạn 1, Rạng Đông tập trung cải tiến để nâng cao năng suất lao động thông qua cân bằng dây chuyền (BSC), thực hiện Lean và 7 Kaizen tại dây chuyền lắp ráp đèn LED Bulb. Từ kết quả của dây chuyền lắp ráp đèn LED Bulb, công ty đã triển khai nhân rộng ra các dây chuyền sản xuất khác để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cũng như thương hiệu Rạng Đông trên thị trường.

 Sản xuất LED SMD tại Rạng Đông.

Sản xuất LED SMD tại Rạng Đông.

Sau khi áp dụng biện pháp cải tiến và nâng cao năng suất, hiện nay năng suất của nhà máy tăng lên từ 10-30%, nhiều dây chuyền tăng tới 50%. Thông qua công cụ Lean, năng suất lao động cũng tăng lên 70% so với khi chưa thực hiện Lean. Từ 17 lao động dây chuyền đã giảm xuống 12 lao động, sản lượng tăng từ 10.000 lên 12.000, ước giảm chi phí khoảng 625 triệu đồng/năm và giảm chi phí đầu tư dây chuyền khoảng 1,2tỷ đồng.

Giai đoạn 2, công ty tiếp tục thực hiện giảm lỗi và chi phí không cần thiết theo phương pháp DMAIC. Qua phân tích bảng biểu đồ Pareto và xác định công đoạn gây lỗi nhiều nhất, từ đó, phân tích, xác định nguyên nhân, tập trung sửa và cải tiến bằng giải pháp Kaizen để loại bỏ các bước công việc không mang lại giá trị.

Kết quả, chỉ sau 1 năm triển khai giải pháp cải tiến dây chuyền đèn LED Buld đã giảm thiểu lỗi từ 0,73% xuống còn 0,43%, giảm từ 19 bước không tạo ra giá trị xuống còn 9 bước, ước tính tiết kiệm được 125 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty cho biết, triển khai Chương trình tự động hóa kết hợp với cải tiến tổ chức, hợp lý hóa dây chuyền, cải tiến kỹ thuật và phong trào TPS, kết quả năm 2016, Rạng Đông đã giảm 250 lao động, năm 2017 giảm 192 lao động, nhưng doanh thu và hiệu quả vẫn không ngừng tăng trên 10%/ năm.

Nhận xét về tình hình đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất của Rạng Đông, bà Vũ Hồng Dân, chuyên gia cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của DN nên việc cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất đã có nhiều chuyển biến.

“Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã trở thành mô hình điểm về áp dụng Lean 6-Sigma (LSS). Cụ thể, áp dụng LSS tại dây truyền lắp ráp LED, với việc thực hiện cân bằng chuyền, giảm lãng phí, chế tạo các dụng cụ, gá, thay đổi thiết kế và tự động hóa một số thiết bị lắp ráp, bao gói... năng suất lao động của dây chuyền điểm tăng 59%, giá trị mang lại gần 1 tỷ đồng/năm.

Tại dây chuyền điện tử tự động, thông qua thực hiện phương pháp LSS, năng suất lao động tăng 14%; cùng với việc áp dụng sáng kiến cải tiến mang tính đột phá như chế tạo thành công thiết bị phun sơn cách điện tự động cho bản mạch PCB giúp tăng năng suất lao động thêm 15%, nâng cao điều kiện môi trường làm việc cho người lao động, giá trị mang lại xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm”, bà Dân chia sẻ.

Thành công đến từ thay đổi nhận thức

Một trong những nguyên nhân được các DN áp dụng thành công phương pháp thúc đẩy cải tiến DN là do đã nhận được sự đồng thuận từ nhân viên tới các cấp lãnh đạo. Các phương pháp này không chỉ là công cụ cho DN mà đã trở thành triết lý, phương châm để các DN cùng thực hiện.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Trung Tưởng - Phó TGĐ Công ty cho hay, có 3 tiêu chí DN cần khi áp dụng các phương thức cải tiến sản xuất. Đầu tiên là cam kết của tập thể lãnh đạo, phải mạnh mẽ, thực sự quyết tâm. Thứ hai là phải đồng thuận từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, bởi vẫn còn nhận thức rằng trước đây DN không áp dụng mà vẫn làm tốt, hoặc vị trí, cơ sở không cần áp dụng theo Lean hay Kaizen. Cuối cùng là phải chọn giải pháp như thế nào để trở thành nhu cầu thực sự của từng người, từng bộ phận.

Đồng quan điểm, nói thêm về các nguyên nhân để nhiều DN áp dụng các phương pháp cải tiến sản xuất không hiệu quả, bà Vũ Hồng Dân cho rằng, hiện tại không thể nói là DN không quan tâm, họ có quan tâm đến cải tiến, thậm chí, đây là mối trăn trở của nhiều DN. Nhưng việc cải tiến phải xây dựng để trở thành văn hóa DN, phải truyền tải sâu rộng đến người lao động, để mỗi người mỗi khâu thực hiện như một thói quen. Bên cạnh đó là rào cản tâm lý ngại thay đổi, nhất là những DN đã làm hàng chục năm.

Đặc biệt, các DN và chuyên gia còn bày tỏ lo ngại về rào cản từ phương pháp. Bởi hiện nay, cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất có rất nhiều phương pháp, nếu DN tiếp cận sai sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo bà Dân, cải tiến làm sao phải mang tính hệ thống, nhiều DN hăm hở làm nhưng không tìm được phương pháp thì thành “đầu voi đuôi chuột” hoặc mang tính hình thức. Với lợi thế “đi tắt - đón đầu”, DN Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội, tìm ra được phương thức phù hợp cùng sự sáng tạo của chính bản thân để vươn lên trên con đường hội nhập.

Bước đi mạnh mẽ trong thúc đẩy chuyển đổi số

Giai đoạn 2020-2025, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đặt ra mục tiêu tăng doanh thu lên gấp 4 lần, thu nhập người lao động tăng gấp 3,3 lần, để đạt được kết quả này, Công ty xác định phải thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Con đường phát triển duy nhất với doanh nghiệp là chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và tiến hành chuyển đổi số công ty. Với khát vọng năm 2025 doanh thu tăng 4 lần, thu nhập người lao động tăng từ 13,9 triệu đồng/người/ tháng (năm 2020) tăng lên 2.000 USD/người/tháng (tương đương với hơn 46 triệu đồng, gấp 3,3 lần năm 2020), tới 2030 Rạng Đông vươn tầm Công ty “tỷ đô” và trở thành Công ty Make in VietNam phát triển hệ sinh thái Led I-4.0.

Theo lãnh đạo công ty, nhằm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Rạng Đông đã triển khai Đề án Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Công ty giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Đây là chặng đường dài, nhưng với sự quyết tâm cao, Rạng Đông tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu trở thành DN “tỷ đô” vào năm 2030. Được biết, Rạng Đông thực hiện Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đồng thời ở cả ba khối: Quá trình - Công nghệ - Con người và tổ chức tinh gọn, là quá trình liên tục và không có điểm dừng.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, mới đây nhất, ngày 27/4/2020, Công ty đã ra mắt Quỹ Đầu tư mạo hiểm Rạng Đông với mục đích hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và ươm tạo các dự án, tạo đột phá cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với những giải pháp triệt để, con đường Chuyển đổi số và Nhà máy thông minh của Rạng Đông được kỳ vọng sẽ thành hiện thực hiện trong một tương lai gần.

Hà Thanh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cong-ty-rang-dong-tu-cai-tien-nang-suat-den-buoc-di-manh-me-trong-chuyen-doi-so-d178389.html