Công ty Phúc Phong Gia Lai: 'Chúng tôi không phá rừng'

Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm về vụ Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nông lâm sản Phúc Phong Gia Lai (gọi tắt là Công ty Phúc Phong Gia Lai) Lê Hoàng Phúc (67 tuổi, ngụ phường 6, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) bị Công an huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng để điều tra hành vi chỉ đạo phá rừng. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ chỉ ra những điểm bất thường trong các quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phúc của Công an huyện Krông Pa.

3ha rừng (chấm đỏ) mà cơ quan chức năng cho rằng bị phá nằm trong bản đồ mà Ban QLRPH Nam Sông Ba và Công ty TNHH Trắc địa bản đồ Nhật Tuấn giao cho Công ty Phúc Phong Gia Lai phát thực bì.

3ha rừng (chấm đỏ) mà cơ quan chức năng cho rằng bị phá nằm trong bản đồ mà Ban QLRPH Nam Sông Ba và Công ty TNHH Trắc địa bản đồ Nhật Tuấn giao cho Công ty Phúc Phong Gia Lai phát thực bì.

Doanh nghiệp không xâm phạm đến khu vực có rừng

Theo VKSND huyện Krông Pa, năm 2017, Công ty Phúc Phong Gia Lai xin chủ trương tỉnh Gia Lai cho thuê 859ha đất tại tiểu khu 1395 và 1369, lâm phần của Ban Qủan lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Sông Ba để trồng rừng. Diện tích rừng trồng theo quy định là tại các vị trí đất lâm nghiệp không có rừng. Doanh nghiệp chỉ được phép phát thực bì trên lâm phần dự án để tiến hành trồng rừng, không được phép xâm phạm khu vực có rừng.

Tháng 11/2018, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa phối hợp cùng Ban QLRPH Nam Sông Ba phát hiện 3ha rừng ở lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng thuộc lâm phần Ban QLRPH Nam Sông Ba bị phá tại khu vực dự án.

Theo kết luận của VKSND huyện Krông Pa, hiện trạng rừng bị phá trắng thuộc loại rừng sản xuất, rừng gỗ tự nhiên đang phục hồi, đường kính trung bình cây bị chặt hạ từ 8 - 38cm, ngọn cao 3 - 12m với nhiều chủng loại gỗ.

Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Chuyền - Giám đốc Công ty Phúc Phong Gia Lai cho biết, thực tế 3ha rừng ở lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng thuộc lâm phần Ban QLRPH Nam Sông Ba bị phá tại khu vực dự án hoàn toàn là thực bì, không có cây gỗ lớn. Cùng với đó, biên bản làm việc, kiểm tra, khảo sát hiện trạng ngày 13 và 14/3/2017 giữa các bên gồm đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Gia Lai, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Krông Pa, Ban QLRPH Nam Sông Ba, UBND xã Chư Drăng, Công ty TNHH Trắc địa bản đồ Nhật Tuấn và Công ty Phúc Phong Gia Lai đã tiến hành đối chiếu bản đồ hiện trạng thống nhất bàn giao hiện trường theo bản đồ hiện trạng để Công ty Phúc Phong Gia Lai phát dọn thực bì, chuẩn bị đất trồng rừng cho kịp tiến độ. Trong bản đồ được giao có khu vực 3ha mà cơ quan chức năng cho rằng Công ty Phúc Phong Gia Lai phá rừng.

“Nếu cơ quan chức năng cho rằng Công ty Phúc Phong Gia Lai phá 3ha rừng đó thì tại sao không quy trách nhiệm cho các bên đã giao đất cho công ty trồng rừng”, ông Chuyền bức xúc.

Cùng với đó, theo công văn số 341/SNNPTNT-CCKL của UBND tỉnh Gia Lai gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pa về việc Công an huyện Krông Pa đề nghị Sở NN&PTNT cung cấp thông tin vụ án. Sở NN&PTNT đã có phản hồi cho rằng, kết quả đo đếm, xác định khối lượng lâm sản bị thiệt hại tại Biên bản ngày 20/12/2018 kèm theo Quyết định Trưng cầu giám định số 07 ngày 28/1/2019 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pa không đủ thông tin, độ tin cậy, cơ sở tính toán thiệt hại thực thế để tính toán khối lượng lâm sản bị thiệt hại (theo Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 20/12/2018 của đoàn kiểm tra chỉ lập 3 ô tiêu chuẩn, trong đó có 2 ô tiêu chuẩn liền kề, 1 ô tiêu chuẩn trong khu vực bị chặt hạ).

Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng kèm theo Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Gia Lai là rừng tự nhiên thường xanh phục hồi, nhưng ngoài thực tế cần căn cứ vào tiêu chí xác định rừng do Chính phủ, Bộ NN&PTNT quy định để xác định trên cơ sở đo đếm các chỉ tiêu thực tế, hiện trạng khu vực bị phá.

“Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã khẳng định các biên bản đo đếm của Công an huyện Krông Pa không đủ độ tin cậy, nhưng không hiểu lý do gì mà Công an huyện Krông Pa lại khởi tố vụ án, bắt tạm giam người của công ty vì cho rằng phá rừng? Phải chăng Công an huyện Krông Pa và VKSND huyện Krông Pa đang “xử ép” doanh nghiệp?”, ông Chuyền đặt nghi vấn.

Văn bản của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai gửi Công an huyện Krông Pa về biên bản không đủ thông tin và độ tin cậy.

Bỏ hơn 20 tỷ để trồng rừng, nhận lại cái kết “đắng”

Hơn 3 năm nay, kể từ ngày xin chủ trương thuê 859ha đất tại tiểu khu 1395 và 1369, lâm phần của Ban QLRPH Nam Sông Ba để trồng rừng. Công ty Phúc Phong Gia Lai đang chịu tổn thất nghiêm trọng về uy tín, thiệt hại kinh tế và tinh thần của các thành viên trong công ty, đồng thời trực tiếp gián đoạn thời gian thực hiện dự án không kịp tiến độ.

Cụ thể, từ ngày 7/7/2017 đến năm 2018, Công ty Phúc Phong Gia Lai khẩn trương tiến hành phát dọn thực bì, xây dựng 1 lán trại chỉ huy công trường và 3 lán trại khu vực; thi công san ủi được trên 22km đường lâm sinh nội bộ và 2.500m đường dẫn vào vùng dự án; trồng mới đạt gần 500ha cây keo lai. Vào thời điểm đó, tổng vốn đầu tư là hơn 20 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 13/12/2018, UBND tỉnh Gia Lai đã ký Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sản xuất tại xã Chư Drăng, với diện tích đất sử dụng là 859,49ha; số lượng sản phẩm đầu ra là 800ha cây keo; địa điểm thực hiện dự án là tiểu khu 1395 và 1396 thuộc xã Chư Drăng. Ngày 20/12/2018, Công ty Phúc Phong Gia Lai đã thực hiện việc ký quỹ đầu tư với số tiền trên 668 triệu đồng vào tài khoản 111000181794 tại Vietinbank chi nhánh tỉnh Gia lai của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai.

Theo ông Chuyền, trước kia, vùng đất tại tiểu khu 1395 và 1369, lâm phần của Ban QLRPH Nam Sông Ba là vùng đất cằn cỏi, không có cây rừng sinh sống, toàn bộ phần đất này là thực bì. Những thành viên trong công ty đều là những người lính, khao khát công cuộc giữ rừng nên đã quyết định thành lập công ty và trồng rừng. Thế nhưng đầu tư thời gian, công sức, tiền tỷ vào việc trồng rừng nhưng lại nhận những nỗi đau quá lớn.

“Thử hỏi có doanh nghiệp nào bỏ hơn 20 tỷ đồng để trồng 859ha rừng mà lại đi phá 3ha rừng không? Hiện doanh nghiệp đang bị kiệt quệ về tiền bạc và tinh thần. Việc này ảnh hưởng đến uy tín công ty và các thành viên trong công ty”, ông Chuyền nói.

Còn nhiều điểm bất thường trong các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với các thành viên trong Công ty Phúc Phong Gia Lai. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những kỳ sau.

Nguyễn Hưng

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/cong-ty-phuc-phong-gia-lai-chung-toi-khong-pha-rung-16909/