Công ty Nhiệt điện Uông Bí: Đảm bảo an toàn các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chống dịch

Ngay từ những tháng đầu năm, Công ty Nhiệt điện Uông Bí đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây nên, nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch về sản lượng điện được giao năm 2020.

Ông Lê Văn Hanh - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí

Ông Lê Văn Hanh - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công ty Nhiệt điện Uông Bí (1961-2021), phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Văn Hanh - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí.

Phóng viên: Xin ông cho biết vài nét khái quát về kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty Nhiệt điện Uông Bí trong 7 tháng đầu năm 2020? Những thuận lợi và khó khăn mà Công ty đã gặp phải?

Ông Lê Văn Hanh: Có thể nói, năm 2020 là một năm có nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2020, Công ty Nhiệt điện Uông Bí vẫn duy trì ổn định sản xuất, vận hành liên tục 2 Tổ máy 300MW và 330MW với sản lượng phát cao, vượt kế hoạch Tổng công ty giao. Đồng thời, Công ty vẫn đảm bảo việc thực hiện chi trả tiền lương, thu nhập cho người lao động theo đúng chế độ quy định.

Kế hoạch sản lượng điện năm 2020 Tổng công ty giao Công ty Nhiệt điện Uông Bí là 4.182 tr.kWh, trong đó kế hoạch giao 7 tháng đầu năm là 2.400tr.kWh. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Công ty Nhiệt điện Uông Bí đã phát được 2.465tr.kWh, đạt 103% so với KH giao, đạt 59% so với KH năm. Các chỉ tiêu Kinh tế - Kỹ thuật cơ bản đạt kế hoạch Tổng công ty giao.

Năm 2020 Công ty Nhiệt điện Uông Bí thực hiện đốt than pha trộn nhập khẩu từ nhiều nguồn than khác nhau và khác với than thiết kế cho các Tổ máy, chỉ số chất lượng than có sự biến động không đồng đều dẫn đến công tác hiệu chỉnh chế độ cháy gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Đồng thời, việc cung cấp nguồn than nhập khẩu để pha trộn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến khả năng cung cấp nhiên liệu than cho các nhà máy nhiệt điện nói chung và Công ty Nhiệt điện Uông Bí nói riêng.

Để khắc phục những khó khăn trên Công ty đã đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất, kịp thời đáp ứng nhu cầu điện năng để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong công ty thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng, chuyển đổi thiết bị vận hành đảm bảo an toàn theo quy định. Tiếp tục thực hiện vận hành các Tổ máy một cách có hiệu quả theo phương án vận hành tối ưu các thiết bị, chú trọng các giải pháp tiết kiệm điện tự dùng, điều chỉnh năng suất thiết bị phù hợp theo phụ tải và theo mùa...

Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh cao điểm của dịch Covid-19 hiện nay, Công ty Nhiệt điện Uông Bí đã có những kế hoạch, hành động cụ thể nào vừa để ngăn chặn dịch kịp thời, ổn định đời sống CBCNV, vừa đảm bảo công tác sản xuất?

Ông Lê Văn Hanh: Khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đưa ra kịch bản các tình huống giả định và biện pháp cụ thể thực hiện đối với mỗi tình huống nếu xảy ra. Xác định sản xuất điện phải ổn định, liên tục để phát triển nền kinh tế và đời sống xã hội. Do vậy, cần có phương án để bảo vệ người lao động tránh bị lây nhiễm dịch bệnh. Trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Công ty đã cách ly toàn bộ lực lượng sản xuất chính (gồm 430 người) nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh, hỗ trợ trang bị cá nhân, hỗ trợ mối người 240.000 đồng/ngày cho chi phí ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm khác.

Phóng viên: Phát triển sản xuất luôn gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, vậy ông có thể cho biết thời gian qua Công ty Nhiệt điện Uông Bí đã thực hiện những giải pháp gì nhằm đảm bảo tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về môi trường, góp phần phát triển bền vững của địa phương?

Ông Lê Văn Hanh: Công ty Nhiệt điện Uông Bí hiện đang quản lý 2 tổ máy 300 và 330 MW, được thiết kế và phê duyệt ĐTM phù hợp với Quy chuẩn môi trường cũ (tổ máy 300 MW phê duyệt năm 1999 theo QCVN 5939-1995, tổ máy 330 MW phê duyệt năm 2005 theo QCVN 6992-2001). Các thiết bị bảo vệ môi trường được thiết kế theo Quy chuẩn cũ nên không phù hợp với Quy chuẩn hiện hành. Để đáp ứng QCVN 22:2009, Công ty đã lập Dự án nâng cấp cải tạo các thiết bị bảo vệ môi trường và lắp mới thiết bị khử NOx trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi chờ đợi Dự án được phê duyệt công ty đã chủ động thực hiện một số giải pháp sau:

Điều chỉnh chế độ cháy để giảm nhiệt độ trung tâm buồng đốt nhằm giảm thông số phát thải NOx; Điều chỉnh và vận hành tối đa công suất các hệ thống khử bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh để giảm thông số hàm lượng bụi, thông số hàm lượng SO2 nằm trong giới hạn cho phép.

Đầu tư chuyển đổi nhiên liệu phụ từ dầu FO sang dầu DO, nhằm giảm thiểu phát thải khói gây muội đen góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Thường xuyên khuyến khích tập thể, cá nhân có sáng kiến cải tiến đổi mới công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Công ty đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh tiến hành lắp đặt hệ thống giám sát online liên tục gửi các thông số khí thải về Sở, được Sở giám sát chặt chẽ.

Hàng năm theo định kỳ, Công ty hợp đồng với các đơn vị có chức năng tiến hành đo đạc, phân tích, kiểm tra các yếu tố môi trường như khí thải, nước thải, nhiệt độ, tiếng ồn...

Thường xuyên trồng bổ sung cây xanh xung quanh nhà máy, chỉnh trang cảnh quan và chăm sóc vườn hoa cây cảnh góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường.

Hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển và tiêu thụ tro xỉ, giám sát việc thực hiện của các công ty này không để gây phát tán, ảnh hưởng đến môi trường.

Phóng viên: Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công ty Nhiệt điện Uông Bí (1961-2021), ông có suy nghĩ gì với tư cách vừa là người lãnh đạo và cũng là một trong những thế hệ đầu tiên gắn bó với Công ty từ những ngày đầu?

Ông Lê Văn Hanh: 60 năm đối với lịch sử là không dài, nhưng với doanh nghiệp là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ mà ít đơn vị có được. Trong quá trình phát triển của mình, Công ty đã gặp không ít những khó khăn, qua thời kỳ bao cấp đến đổi mới và phát triển. Tập thể CBCNV các thế hệ đã cùng nhau đoàn kết phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển. Bên cạnh sự cố gắng của mỗi cá nhân, gia đình của họ cũng là hậu phương vững chắc để động viên, tiếp thêm sức mạnh để họ an tâm làm việc, sản xuất thật nhiều điện cho Tổ quốc. Với cá nhân tôi, trải qua các vị trí chức danh từ đơn giản đến vị trí chức danh Trưởng ca điều hành cả dây truyền sản xuất…Và đến nay là người đứng đầu Công ty, tôi thấm thía, thấu hiểu và trân trọng những đóng góp của CBCNV qua các thế hệ. Tôi mong muốn rằng, các thế hệ nối tiếp sẽ phát huy được truyền thống quý báu để cùng nhau xây dựng Công ty ngày càng phát triển bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Vũ (thực hiện )

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/cong-ty-nhiet-dien-uong-bi-dam-bao-an-toan-cac-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-trong-boi-canh-chong-dich-54910.html