Công ty nào đang kiểm soát thị trường cho vay tiêu dùng?

Tổng cộng 16 công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường cho vay tiêu dùng, nhưng 80% thị phần nằm trong tay 3 doanh nghiệp là FE Credit, Home Credit và HD Saison.

Đầu tháng 3, anh Nguyễn Ngọc Q. (Hà Nội) cho biết đang làm thủ tục giải quyết khiếu nại với Công ty tài chính VPBank (FE Credit) sau khi bị phát sinh một khoản nợ xấu tại công ty này dù chưa từng làm thủ tục vay tiền.

Khoản nợ này gắn với thông tin cá nhân của anh Q. và lưu trữ trên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) với số dư 35 triệu đồng, hiện đã được xếp vào nhóm nợ cao nhất (nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn).

Không riêng anh Q., nhiều khách hàng khác cũng phản ánh về tình trạng tương tự diễn ra khi không vay nhưng vẫn bị đòi nợ hoặc phát sinh nợ xấu tại FE Credit.

FE Credit là doanh nghiệp có số dư nợ vay lớn nhất thị trường tiêu dùng hiện nay.

Trong tay 3 doanh nghiệp

Cụ thể, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối năm 2020, có tổng cộng 16 công ty tài chính đã được cấp giấy phép hoạt động cho vay tiêu dùng trên thị trường với tổng vốn điều lệ hơn 22.000 tỷ đồng.

Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay là FE Credit (7.328 tỷ); SBIC Finance (2.523 tỷ); EVN FC (2.500 tỷ); HD Saison (1.400 tỷ); Tài chính Bưu điện - PTF (1.050 tỷ); SHB Finance (1.000 tỷ)…

Báo cáo của Fiingroup về thị trường cho vay tiêu dùng trong nước cũng ghi nhận tỷ trọng tín dụng tiêu dùng hiện đã chiếm 20,5% tổng dư nợ nền kinh tế, cao gấp 2,5 lần so với năm 2012, tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng hiện vẫn nằm chủ yếu trong tay 3 doanh nghiệp FE Credit, HD Saison và Home Credit với khoảng 80% thị phần. Trong đó, riêng FE Credit hiện chiếm hơn 52% thị phần cho vay tiêu dùng trong nước, bỏ xa đối thủ đứng thứ 2 là Home Credit với 17% và thứ 3 là HD Saison với 11%.

Báo cáo thường niên của VPBank cũng cho biết FE Credit là doanh nghiệp đứng đầu thị trường tài chính tiêu dùng với hơn 55% thị phần.

Trong năm 2020, công ty này đã giải ngân được khoảng 63.000 tỷ đồng cho vay mới, thấp hơn gần 10.000 tỷ so với năm 2019. Dẫu vậy, đây vẫn là doanh nghiệp có số cho vay phát sinh mới lớn nhất thị trường.

Đến cuối năm 2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit vào khoảng 66.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu theo tiêu chuẩn VAS là 6,6%, tăng so với mức 5,6% của năm 2019, tương đương giá trị nợ xấu khoảng 4.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, với hơn 16.100 tỷ đồng tổng tài sản đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay khách hàng của HD Saison đạt 14.230 tỷ đồng, tăng 13% so với năm liền trước và chiếm 11-12% thị phần trong nước. Giá trị nợ xấu của công ty tài chính này hiện vào khoảng 826 tỷ, tương đương tỷ lệ 5,8%.

Tuy không có số liệu cụ thể từ dư nợ cho vay của Home Credit, nhưng với khoảng 17% thị phần, số dư cho vay khách hàng của công ty này hiện vào khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.

Một số công ty tài chính mới có hoạt động sôi nổi trên thị trường gần đây cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cho vay lớn như SHB Finance với dư nợ đến cuối 2020 đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 32%.

Ngoài ra, một số công ty tài chính độc lập tại Việt Nam cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay nhanh trong năm vừa qua.

Cụ thể, báo cáo tài chính 2020 của EVN FC ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 12.030 tỷ đồng, tăng 22%. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tại doanh nghiệp này chỉ ở mức 2,46%, thấp hơn rất nhiều nhóm công ty tài chính kể trên.

Tuy vậy, nếu xét riêng đối tượng vay, số dư cho vay cá nhân tại EVN FC chỉ vào khoảng 900 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dư nợ cho vay toàn công ty. Số dư còn lại đều là các khoản cho vay với tổ chức kinh tế, trong đó nhóm doanh nghiệp Nhà nước và Công ty CP Nhà nước chiếm gần 35% tổng dư nợ.

Đây cũng là lý do mà tỷ lệ nợ xấu tại EVN FC thấp hơn nhiều so với nhóm công ty trên.

Miếng bánh béo bở

Từ tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có thể thấy cho vay tiêu dùng có rủi ro cao hơn nhiều so với kênh ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường này vẫn thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hiệu suất lợi nhuận mà mảng kinh doanh này mang lại.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, nhóm các công ty tài chính đang dẫn đầu về khả năng sinh lời trong các loại hình tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Tại thời điểm tháng 10/2020 (số liệu mới nhất), chỉ số ROA (lợi nhuận/tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của các công ty tài chính, cho thuê tài chính đạt lần lượt 2,19% và 10,55%, cao nhất trong các loại hình tổ chức tín dụng. Chỉ số ROA của nhóm công ty này thậm chí cao gấp 2,8 lần nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Đây là lý do nhiều ngân hàng đã đổ tiền để xây dựng các công ty tài chính hoạt động dưới mô hình công ty mẹ con như VPBank - FE Credit; HDBank - HD Saison; SHB - SHB Finance; MBBank - Mcredit…

Không riêng nhà đầu tư trong nước, hiệu quả lớn từ hoạt động kinh doanh này những năm gần đây cũng thu hút lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài Home Credit là công ty 100% vốn nước ngoài thì cả HD Saison và Mcredit đều là những doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài. Năm 2018, Lotte đã chi 1.700 tỷ đồng để mua lại Techcom Finance, đến đầu năm 2019, Shinhan Card cũng đã mua lại toàn bộ công ty tài chính Prudential ở Việt Nam với giá 151 triệu USD.

Giai đoạn 2017-2019, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm và muốn mua lại các công ty tài chính hoạt động kém hiệu quả tại Việt Nam. Như Công ty Srisawad Corporation (Thái Lan) có công văn gửi Chính phủ xin mua lại 100% vốn của Agribank tại Công ty cho thuê tài chính ALCI.

Trường hợp khác là Công ty dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) cũng bày tỏ muốn mua lại các công ty tài chính có cổ phần của Nhà nước để gia nhập thị trường.

 VPBank đang có kế hoạch bán vốn tại FE Credit và niêm yết cổ phiếu công ty tài chính này. Ảnh: VPB FC.

VPBank đang có kế hoạch bán vốn tại FE Credit và niêm yết cổ phiếu công ty tài chính này. Ảnh: VPB FC.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nguyên nhân chính khiến thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hấp dẫn là do tiềm năng phát triển còn rất lớn. Theo đó, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam hiện chiếm khoảng 18-20% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nếu bóc tách rõ ràng phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất, tín dụng tiêu dùng cũng chỉ tương đương khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các quốc gia xung quanh như Trung Quốc là 21%, nhóm các nước ASEAN là 34%. Điều này cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam mang rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tại VPBank, lãnh đạo nhà băng này luôn khẳng định FE Credit nhiều năm liền là động lực chính giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục qua từng năm. Như năm 2019, riêng FE Credit đã đóng góp 43% tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho ngân hàng, tương đương hơn 4.400 tỷ đồng. Số liệu năm 2018 cũng vào khoảng 45%, tương đương 4.100 tỷ đồng.

Năm 2020, mức đóng góp này giảm xuống 28% nhưng vẫn mang về cho ngân hàng mẹ 3.713 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Hay tại HDBank, báo cáo kết quả kinh doanh của HD Saison cho biết công ty đạt 1.001 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2020, tương đương số thu năm 2019 và chiếm 17% lợi nhuận hợp nhất ngân hàng mẹ. Các năm trước đó, HD Saison vẫn đều đặn đóng góp hơn 20% vào lợi nhuận hợp nhất của HDBank.

Theo báo cáo của MBBank, năm 2020 Mcredit đạt dư nợ cho vay trên 10.000 tỷ đồng và mang về 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Cũng trong năm 2020, EVN FC ghi nhận hơn 900 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với năm liền trước. Khoản lợi nhuận trước thuế công ty này ghi nhận được là 285 tỷ đồng, tương đương năm trước.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-nao-dang-kiem-soat-thi-truong-cho-vay-tieu-dung-post1190886.html