Công ty Mỹ phá sản vì nợ châu Âu

Nợ châu Âu càng trầm trọng, trái phiếu mất giá, MF Global cùng đường.

Sáng 31-10 theo giờ địa phương, công ty môi giới sản phẩm tài chính hàng đầu thế giới MF Global ở Mỹ đã nộp đơn lên tòa phá sản tại quận Manhattan (New York) xin bảo hộ phá sản. Đây là công ty tài chính lớn đầu tiên của Mỹ phá sản vì khủng hoảng nợ châu Âu.

Sự việc MF Global tuyên bố phá sản đã tác động mạnh đến các thị trường chứng khoán.

Trong ngày giao dịch 31-10, các chỉ số chứng khoán Mỹ như Dow Jones, Standard & Poor’s 500, Nasdaq đều giảm. Giảm mạnh là cổ phiếu của các ngân hàng và công ty tài chính. Cổ phiếu Morgan Stanley giảm 8,7%, Citigroup giảm 7,5%.

Các chỉ số chứng khoán như FTSE 100 (Anh), CAC 40 (Pháp), DAX (Đức), Nikkei (Nhật), Hang Seng (Hong Kong), STI (Singapore), KLCI (Malaysia) cũng giảm.

Khủng hoảng nợ châu Âu dưới ngòi bút biếm của MARTIN SUTOVEC (Slovakia). Chữ trong ảnh: Debt = Nợ.

Công ty MF Global do ông Jon S. Corzine, nguyên Thống đốc bang New Jersey, điều hành từ năm 2010.

Ông này từng là giám đốc điều hành Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ). Ông đã đem nghiệp vụ từng áp dụng ở Goldman Sachs tiến hành ở MF Global. Đó là dùng nguồn vốn công ty đầu tư mạnh vào các phi vụ rủi ro.

Ông đã chỉ đạo mua số lượng lớn trái phiếu các nước châu Âu (Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Bỉ và Ireland) trị giá 6,3 tỉ USD với toan tính khi châu Âu giải quyết xong nợ nần, trái phiếu sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn. Thực tế khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng trầm trọng nên chưa đầy một năm, trái phiếu của MF Global mất dần giá trị.

Với xuất phát điểm là một trong 22 công ty tài chính được Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho phép phát hành và giao dịch trái phiếu chính phủ Mỹ, MF Global lâm vào tình thế ngặt nghèo.

Tuần trước, chỉ trong năm ngày, các nhà đầu tư rủ nhau rời bỏ MF Global khi cổ phiếu MF Global mất hơn 67% giá trị. Hạng tín dụng của MF Global bị đánh tụt dưới ngưỡng đầu tư.

Ngày 25-10, MF Global công bố kết quả kinh doanh quý III bị thua lỗ 191,6 triệu USD và chào bán một phần công ty. Công ty tài chính Jefferies & Company (Mỹ) chấp nhận mua nhưng cuối cùng đổi ý.

Công ty môi giới sản phẩm tài chính Interactive Brokers (Mỹ) cũng muốn mua các sản phẩm tài chính có rủi ro thấp song đổi ý vì khuya 31-10 phát hiện tiền của khách hàng MF Global biến mất với số lượng lớn. MF Global thừa nhận mất vốn 600-700 triệu USD.

Sau đó, MF Global đã bị Ngân hàng Dự trữ liên bang New York và một số cơ quan giao dịch tài chính lớn cấm giao dịch. Vài giờ sau, MF Global tuyên bố phá sản.

Cơ quan chức năng đang điều tra xem MF Global có vi phạm quy định tài chính khi sử dụng tiền của khách hàng để giao dịch.

Ngày 31-10, sau hội đàm với Bộ trưởng Kinh tế Áo Reinhold Mitterlehner tại Vienna, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho biết Trung Quốc sẵn lòng giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ. Ông đề nghị Áo can thiệp với phương Tây giảm hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Cùng ngày, sau hội đàm với Thứ trưởng Tài chính Nhật Takehiko Nakao tại Tokyo, Giám đốc Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu Klaus Regling tuyên bố Nhật bảo đảm sẽ mua thêm trái phiếu của quỹ.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou thông báo Hy Lạp sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về quyết định xóa một phần nợ Hy Lạp được hội nghị thượng đỉnh châu Âu thông qua hồi tuần rồi. Quyết định giảm nợ bị dư luận Hy Lạp chỉ trích là can thiệp vào chủ quyền Hy Lạp.

H.DUY (Theo AFP, Reuters)

ĐĂNG KHOA (Theo NYT, Forbes, FT, Reuters)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111101112158239p0c1017/cong-ty-my-pha-san-vi-no-chau-au.htm