Công ty Mỹ lách luật để bán công nghệ cho Huawei

Thiệt hại khó đếm nếu ngừng hợp tác với Huawei, các công ty Mỹ tìm cách lách luật để thoát khỏi lệnh cấm của chính quyền ông Trump.

Giám đốc điều hành Micron Sanjay Mehrotra ngày 25/6 xác nhận qua điện thoại về việc đã nối lại các đơn hàng của Huawei từ 2 tuần gần đây. Trong khi Intel từ chối đưa ra bình luận về thông tin sẽ tiếp tục bán linh kiện cho đối tác viễn thông Trung Quốc.

Micron tuyên bố vẫn bán hàng cho Huawei một cách hợp pháp.

Micron tuyên bố vẫn bán hàng cho Huawei một cách hợp pháp.

Theo Mehrotra, sau một thời gian tạm dừng cung cấp để đánh giá tác động của lệnh cấm, các công ty nhận ra vẫn có thể hợp tác với Huawei mà không vi phạm quy định của chính quyền Mỹ.

“Chúng tôi quyết định rằng chúng tôi có thể hợp pháp bán những sản phẩm hiện tại bởi nó không chịu ràng buộc bởi quy định cấm xuất khẩu cũng như danh sách hạn chế. Tuy nhiên, bất ổn xung quanh Huawei đang ngày một tăng lên và chúng tôi không thể dự báo cụ thể về khối lượng và thời gian mà chúng tôi sẽ có thể chuyển hàng đến Huawei” - ông Mehrotra tuyên bố.

Cổ phiếu công ty Micron Technology tăng khoảng 10% trong phiên ngày 25/6 sau khi hãng sản xuất chip này công khai công bố hãng đã khôi phục lại việc bán hàng cho Huawei Technologies và nhu cầu đối với sản phẩm chip của công ty sẽ vẫn tăng trở lại trong năm nay.

Đối với quý kinh doanh gần nhất, kết quả kinh doanh của Micron vẫn vượt dự báo của giới chuyên gia. Ông Mehrotra cho biết Huawei là khách hàng số 1 của công ty và lệnh cấm của chính quyền Mỹ khiến cho công ty thiệt hại khoảng 200 triệu USD trong quý vừa qua.

Theo New York Times, các ông lớn như Micron hay Intel hoàn toàn có thể tiếp tục bán công nghệ Mỹ Huawei một cách hợp pháp thông qua các công ty con của họ.

Các công ty con của Intel hay Micron ở nước ngoài không bị coi là sản phẩm Mỹ. Do đó, các ông lớn Mỹ có thể thông qua các công ty con này để bán các sản phẩm công nghệ cho Huawei mà không hề vi phạm lệnh cấm.

Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 đã đặt Huawei vào danh sách đen nhằm ngăn chặn các công ty trong “danh sách đen” không được mua công nghệ và linh kiện từ Mỹ, trừ khi được chính phủ nước này bật đèn xanh. Động thái này không khác gì triệt hạ các công ty như Huawei, vốn sống dựa vào công nghệ Mỹ.

Nhưng nó đồng thời cũng khiến các công ty Mỹ mất đi một khách hàng lớn. Huawei ước tính mỗi năm chi khoảng 11 tỷ USD nhập khẩu linh kiện từ Mỹ.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), tổ chức tập hợp các nhà sản xuất chip lớn, bao gồm Intel và Micron, tuyên bố các công ty thành viên vẫn có thể tiếp tục cung cấp linh kiện cho Huawei.

"Như những gì chúng tôi đã thảo luận với chính phủ Mỹ, hiện tại vẫn có thể cung cấp một số mặt hàng cho Huawei mà không vi phạm lệnh cấm" – thông báo của SIA nêu hôm 21/6.

Tuy nhiên, về lâu về dài chính sách của Mỹ sẽ tác động xấu đến khả năng cạnh tranh của các thành viên hiệp hội. SIA kêu gọi chính quyền ông Donald Trump tìm cách thúc đẩy vị thế dẫn đầu của ngành công nghiệp bán dẫn, trong khi vẫn đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo báo cáo của New York Times, không có bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với lệnh cấm Huawei. Hoạt động thương mại với Huawei được tiếp tục đều xuất phát từ nội bộ các công ty Mỹ.

Trung Quốc mang Canada dọa Mỹ?

Bắc Kinh vừa ban hành lệnh cấm toàn bộ số thịt nhập khẩu từ Canada – quốc gia gần đây có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc khi bắt giữ và để ngỏ khả năng dẫn độ về Mỹ đối với Giám đốc tài chính Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei Mạnh Vãn Châu.

Lý do được Trung Quốc đưa ra với lệnh cấm là do phát hiện 1.888 giấy chứng nhận sức khỏe thú y giả được trình lên cơ quan Hải quan Trung Quốc nhằm đưa hàng thịt lợn Canada vào lục địa Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đề cập đến lệnh cấm trong một thông báo, đồng thời cáo buộc chính quyền Canada về những kẽ hở an toàn thực phẩm: “Để bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng Trung Quốc, Trung Quốc buộc phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp và yêu cầu Chính phủ Canada đình chỉ việc cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm thịt xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Trung Quốc đã mở cuộc điều tra vào mặt hàng nông sản này sau khi phát hiện các dấu vết của các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi bị cấm ở Trung Quốc đã được tìm thấy trong thịt lợn nhập khẩu từ Canada.

Trung Quốc sẽ không nhập khẩu thịt từ Canada.

Dữ liệu hải quan chính thức cho thấy Trung Quốc đã mua khoảng 235,26 triệu USD thịt lợn từ Canada từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Bắc Kinh hiện là điểm xuất khẩu thịt lợn lớn thứ 3 của Ottawa.

Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau xác nhận rằng Cơ quan Kiểm tra và Thực phẩm Canada (CFIA) đã phát hiện giấy chứng nhận xuất khẩu không chính xác và đã làm việc chặt chẽ với cả ngành công nghiệp thịt và các quan chức Trung Quốc để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, giới quan sát không cho rằng lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thịt lợn Canada là vấn đề kỹ thuật. Đặc biệt là lệnh cấm diễn ra ngay trước khi Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị tiến vào vòng đàm phán thương mại quan trọng ở cấp cao nhất.

Canada trước đó cũng đã đề cập đến việc công dân nước này bị bắt giữ ở Trung Quốc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, coi đây là hành động trả thù của Trung Quốc sau khi Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu.

Động thái mới từ Trung Quốc cho thấy họ không thể bị suy chuyển quan điểm nếu Mỹ đề cập đến việc bắt giữ công dân Canada trong cuộc họp ở Nhật Bản sắp tới.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cong-ty-my-lach-luat-de-ban-cong-nghe-cho-huawei-3382637/