Công ty Mỹ 'hoãn cược' đầu tư vào Trung Quốc

Vào lúc Mỹ-Trung Quốc bất đồng về cách Bắc Kinh đối xử với các công ty nước ngoài, các công ty Mỹ 'hoãn khoản cược' bằng cách trì hoãn đầu tư vào Trung Quốc hoặc chuyển hoạt động ra nước khác.

Đó là kết luận trong thăm dò do Văn phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham) tiến hành từ ngày 13/11 đến 16/12/2018 và công bố ngày 26/2/2019.

 Laptop của hãng Hewlett-Packard được bán ở Trung Quốc. Ảnh : AP.

Laptop của hãng Hewlett-Packard được bán ở Trung Quốc. Ảnh : AP.

Thăm dò cho biết 59 % trong 150 công ty được hỏi đã ghi nhận Trung Quốc có tiến bộ trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong 5 năm gần đây. Nhiều công ty nói việc vận dụng luật ở mảng bảo vệ thương hiệu và nhãn mác cũng được cải thiện từ năm 2016 đến năm 2018.

Ông Timothy Stratford, Chủ tịch AmCham, nói: “Tôi cho rằng các số liệu này cho thấy đã có một cảm xúc rằng có sự cải thiện nhẹ trong công tác pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ”.

Theo Reuters, trong khi Bắc Kinh thường hành động chậm hơn các doanh nghiệp nước ngoài, sự cải thiện về cảm xúc và những diễn biến mới nhất đã chỉ ra sự tiến bộ đi theo đúng hướng.

Hồi cuối tháng 12/2018, Bắc Kinh tuyên bố Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc từ tháng 1/2019 sẽ bắt đầu xem xét các đơn kháng án liên quan quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá khứ, các vụ án này chỉ do tòa án tối cao cấp tỉnh Trung Quốc xử lý.

Tuy nhiên, ông Stratford nói thêm, thăm dò cũng cho thấy gần một nửa số công ty này - thuộc các lĩnh vực công nghệ, tài nguyên và công nghiệp - đều nói họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, nếu họ đánh giá công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được chính phủ Trung Quốc thực hiện mạnh hơn.

Khách Trung Quốc mua hàng của Abercrombie & Fitch đi qua một tiệm của Apple ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Mỹ cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ” và buộc các công ty Mỹ chia sẻ công nghệ khi các công ty này làm ăn ở Trung Quốc.

Các phát hiện trong thăm dò của AmCham nói chung ảm đạm, vẫn giữ phàn nàn về sự bất công dành cho các công ty nước ngoài tham gia nền kinh tế do chính phủ Trung Quốc kiểm soát, và về sự suy giảm mức tăng trưởng ở Trung Quốc.

Tổng lợi nhuận bị giảm nhẹ, sự lạc quan trong làm ăn giảm theo, trong khi các công ty nước ngoài càng tăng lo ngại về chi phí tăng. Thăm dò còn cho thấy khoảng 20%, hoặc cứ 5 công ty thì có 1 công ty không dám kỳ vọng thị trường của họ sẽ tăng trưởng trong năm 2019. Khoảng 1/3 công ty thăm dò cho biết tỷ suất lợi nhuận trên thu nhập trước lãi suất và thuế ở Trung Quốc thấp hơn, so với hoạt động của họ ở các nơi khác trên thế giới.

Các công ty công nghệ, tài nguyên và công nghiệp cũng nói lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gia tăng từ các công ty tư nhân Trung Quốc

Báo cáo của AmCham nói Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đầu tư trung hạn cấp toàn cầu của các công ty tham gia thăm dò, là những đơn vị đã nói sức tăng trưởng tiêu dùng là cơ hội làm ăn tốt cho họ.

Trong khi đó, các nhà thầu phụ về mảng không gian, dịch vụ chăm sóc y tế và bán lẻ-phân phối rất lạc quan về môi trường đầu tư của Trung Quốc.

Nhưng các công ty Mỹ muốn chính phủ Mỹ đàm phán tốt hơn với Bắc Kinh, để họ có thể được tiếp cận tốt hơn vào nền kinh tế do chính phủ Trung Quốc cầm trịch.

Ông Stratford nói với hãng tin AP: “Các công ty tham gia thăm dò tuần trước đều muốn Trung Quốc ngưng ép họ phải chuyển giao công nghệ, ngưng áp các luật bất công cùng các vấn nạn lưu cữu khác. Nếu không thì sự mất mát của họ trong cuộc chiến thương mại sẽ là 'một sự lãng phí khổng lồ'. Nếu chúng ta không giải quyết các vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục có những bất đồng về thương mại”.

Công an Trung Quốc trước một cửa hiệu nội y Victoria ’s Secret. Ảnh: AP.

Bình luận này xem ra phản ánh sự ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức Mỹ khác, gồm Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, người muốn Bắc Kinh có những thay đổi trong chính sách công nghiệp vốn bị các đối tác thương mại của Trung Quốc chỉ trích là vi phạm các qui định tự do thương mại.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới leo thang hồi năm 2018, khi mỗi bên áp mức thuế trị giá hàng tỉ đô-la Mỹ lên hàng hóa của nhau.

Nhiều tuần sau các cuộc đàm phán thương mại giữa quan chức chính phủ hai nước, vào ngày 24/2, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẵn sàng hoãn kế hoạch từ ngày 1/3 sẽ tăng mức thuế trừng phạt áp lên hàng hóa Trung Quốc, vì “các cuộc đàm phán Mỹ-Trung cuối tuần qua có những tiến bộ đáng kể”, nhưng ông không đưa ra thời hạn mới.

Cả hai chính phủ Mỹ-Trung đều nói đã đạt tiến bộ về các vấn đề chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các rào cản không thuế để tiếp cận thị trường, nhưng cả hai phía đều không cho biết chi tiết.

Hiện ngay cả khi Mỹ-Trung đang đàm phán để kết thúc cuộc chiến thương mại, các biện pháp thuế trừng phạt của Washington vẫn được duy trì.

Tổng thống Trump áp thuế này, để phản ứng với các phàn nàn rằng Trung Quốc “ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ”, gây sức ép để các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ.

Washington còn muốn Bắc Kinh ngưng các kế hoạch, gồm chương trình “Made in China 2025” vốn kêu gọi ra rác tổ chức đối thủ cạnh tranh cấp toàn cầu (do Bắc Kinh dẫn đầu) ở mảng tự động hóa và các công nghệ khác.

Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác đã phản đối các chiến lược của ông Trump, nhưng cũng đồng ý với phàn nàn của Mỹ, rằng Trung Quốc vi phạm các qui định mở cửa thị trường.

Bé gái Trung Quốc cạnh biểu tượng Năm Hợi phía dưới cửa hiệu thời trang cao cấp GAP. Ảnh : AP.

Hồi tháng 7/2018, ông Trump đã quyết tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nhưng quyết định gây phân hóa nơi giới doanh nghiệp Mỹ. Một số công ty ủng hộ quyết định nhằm buộc Bắc Kinh bước vào bàn đàm phán, nhưng các công ty khác phàn nàn các mức thuế gây rối loạn và quá tốn kém.

Ông Stratford nói, khoảng 43 % trong 150 công ty tham gia thăm dò đã muốn giữ mức thuế trừng phạt 10 % áp lên số hàng hóa trị giá 200 tỉ đô-la Mỹ của Trung Quốc, trong khi vẫn tiến hành đàm phán.

Ông còn cho biết gần 10 % các công ty muốn nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục tăng thuế lên 25 % kể từ ngày 1/3 tới.

Các công ty tham gia thăm dò nói họ muốn luật chống độc quyền của Trung Quốc - và các luật khác, cũng sẽ được áp dụng với cả họ lẫn các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.

Luật sư Sratford từng là đại diện thương mại Mỹ, nói các công ty này muốn Trung Quốc kết thúc việc đòi chuyển giao công nghệ và không đòi có vai trò ấn định các tiêu chuẩn công nghiệp chính thức. Ông nói: “Chúng tôi muốn một thỏa thuận thật sự giải quyết các vấn nạn kéo dài này. Có những cảm xúc khác nhau về chuyện thuế. Đa số đều ủng hộ thuế trừng phạt”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cong-ty-my-hoan-cuoc-dau-tu-vao-trung-quoc-158669.html