Công ty Mỹ gánh hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến thương mại này được cho là sẽ kéo việc làm trở về Mỹ, nhưng thực tế lại buộc các công ty Mỹ tính chuyện chuyển xí nghiệp ra nước ngoài, hoặc phải cắt giảm việc làm vì chi phí tăng lên.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 2/3 tính chất “bên miệng hố chiến tranh” - quanh việc chính phủ Trump nỗ lực xử lý việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ công nghệ hiện đại- đang thử thách tính kiên nhẫn của các công ty dưới đây:

Không thể đem xí nghiệp đóng hộp cá ngừ về Mỹ

 Cá ngừ được Bumble Bee đánh bắt ở Thái Bình Dương. Ảnh: SCMP.

Cá ngừ được Bumble Bee đánh bắt ở Thái Bình Dương. Ảnh: SCMP.

Năm 1899, các ngư dân Mỹ lập công ty Bumble Bee Seafoods, đánh bắt và đóng hộp nguồn cá rồi bán cho thị trường tiêu dùng Mỹ. 120 năm sau, công ty duy trì một nhà máy đóng hộp cá ngừ ở bang California, và một nhà máy xử lý trai ở bang New Jersey, sử dụng 500 nhân công người Mỹ.

Nhưng từ tháng 9/2018, công ty phải nộp khoản thuế 10% mà chính quyền Mỹ áp lên thăn lưng cá ngừ nhập từ Trung Quốc, và nếu như cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung bị đổ vỡ, mức thuế này có thể tăng lên 25 %.

Từ hậu quả trực tiếp của cuộc chiến áp thuế, Bumble Bee đang xem xét phải đóng cửa xí nghiệp đóng hộp ở California, và đang tích cực khai thác phương án hoạt động ở Đông Nam Á.

Ông Dave Melbourne, Phó Chủ tịch phụ trách mảng tiếp thị của công ty, nói: “Đây là cá ngừ để đóng hộp, không phải là một vấn đề liên quan quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ hoặc an ninh quốc gia”.

Ông nói thêm rằng ông đã mất 6 tháng vận động hành lang với các chính khách Mỹ ở thủ đô Washington để công ty không phải chịu thuế.

Ông Melbourne nói: “Hiện chúng tôi tự hào sản xuất ở Mỹ, đó là ưu tiên của chúng tôi. Công ty có nguồn lao động tuyệt vời, vài trường hợp là những gia đình đã 2, 3 đời làm việc tại các xí nghiệp đóng hộp. Chúng tôi rất muốn tiếp tục sản xuất ở Mỹ, phục vụ đồng bào. Nhưng còn nhiều phương án thay thế trên bàn. Chúng tôi không hiểu tại sao phải chịu mức thuế 10 % hoặc 25 % một cách lâu dài”.

Thăn lưng cá ngừ thuộc nhóm sản phẩm có trong danh sách chịu mức thuế 10 % khi nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng Bumble Bee thắc mắc tại sao lại như thế, và nói các nghị sĩ Mỹ không thể trả lời thỏa đáng.

Bumble Bee nhập thăn lưng từ cá ngừ đánh bắt ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, sau đó làm sạch và đóng gói ở vùng Ninh Ba phía nam thành phố Thượng Hải, Trung Quốc), tức gần trụ sở của một đối tác Trung Quốc mà vì lý do làm ăn, Bumble Bee không thể tiết lộ tên.

Cá ngừ phải được làm sạch, đóng gói gần với nguồn cung cấp, với cá đánh bắt được làm sạch ở Fiji, trong khi cá đánh bắt ở Ấn Độ Dương thì làm sạch ở Mauritius.

Bumble Bee phải hủy kế hoạch mở rộng xí nghiệp ở California, tức không thể tạo thêm việc làm cho vùng này, và ông Melbourne nói sẽ không hợp lý về mặt kinh tế và hậu cần nếu đưa nhà máy làm sạch trở về Mỹ.

Công ty cũng tự nhận đang phải gánh hậu quả ngoài ý muốn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng thay vì mở rộng hoạt động trong nước, họ xem xét phương án chuyển ra nước ngoài, và thay vì thuê thêm nhân công Mỹ, họ tính chuyện cắt giảm nhân công.

Doanh nghiệp nhỏ chỉ còn cách dẹp tiệm nếu phải chịu thuế 25 %

Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng hoãn kế hoạch tăng thêm mức thuế trừng phạt từ 10 % lên 25 % (tương đương 200 tỉ đô-la Mỹ) áp lên số hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/3/2019, vì “các cuộc đàm phán Mỹ-Trung cuối tuần qua có những tiến bộ đáng kể”, nhưng ông không đưa ra thời hạn mới.

Nhưng Tổng giám đốc Phil Page không vui với quyết định của ông Trump, nói cuộc chiến thương mại kéo dài khiến tương lai doanh nghiệp nhỏ Cap America của ông bị bấp bênh.

Cá ngừ đóng hộp buộc Bumble Bee phải chịu thuế 10%. Ảnh: SCMP.

Cap America chuyên bán khuyến mãi các kiểu mũ lưỡi trai cùng các sản phẩm che đầu. Các sản phẩm này được may ở Trung Quốc rồi chuyển về trụ sở công ty ở thành phố Fredericktown (bang Missouri) cho 285 nhân viên của ông Page thêu chữ lên các chiếc mũ, điều có nghĩa chúng phải chịu mức thuế 10%. Và nếu chính phủ Trump áp mức thuế 25 %, ông Page sẽ phải đuổi việc một số nhân viên, điều sẽ gây hậu quả kinh tế đáng kể tại một thành phố chỉ có 5.000 dân.

Ông Page nói hành động này sẽ rất “đắng lòng”, vì ông từng “buộc phải” bắt đầu lấy nguồn mũ chưa thêu từ Trung Quốc về hồi năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm giữ nguyên tỉ suất lợi nhuận. Và cuối cùng công ty của ông phải ngưng khâu sản xuất mũ hồi năm 2014.

Ông Page nói: “Một số người chọc quê cái tên Cap America của chúng tôi, bằng câu hỏi “bán mũ nhập khẩu mà lại tự gọi là mũ Mỹ à ?”.

Rồi ông nhấn mạnh: “Năm 2001, chính phủ Mỹ đề cập thương mại toàn cầu là điều tuyệt vời. Đồng ý hay không thì tôi cũng không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải nhập khẩu hoặc dẹp tiệm”.

- Mũ lưỡi trai America sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Ông giải tích sản xuất mũ lưỡi trai “rất khó, nếu không thể đem trở về Mỹ vì đa số nhà máy đã chuyển qua các nước khác, các nhà sản xuất máy may đi theo họ, và đa số các kỹ thuật viên bảo trì máy móc đã nghỉ hưu”.

Ông Page đã không có cơ hội trình bày tại cuộc điều trần ở Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), nên ông gởi thư đến Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, để cảnh báo mức thuế áp lên các sản phẩm mà Cape America nhập từ Trung Quốc “sẽ tạo ra một phản ứng tàn phá dây chuyền, trên hết có thể hủy hoại cả một thành phố”.

Nhưng thư của ông không được hồi âm. Tương tự với thư gởi USTR của giám đốc công ty Bumble Bee.

Không thể đáp ứng đủ lò nướng cho dân Mỹ nướng thịt

Chuyện của Cape America được các doanh nghiệp nhỏ và trung bình (chuyên sản xuất các loại sản phẩm công nghệ thấp).

Hồi tháng 8/2018, khi điều trần trước USTR, Tổng giám đốc Christine Robins và lãnh đạo các công ty khác đều muốn không phải chịu mức thuế do chính phủ Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.

Công ty Char-Broil của bà Robins ở Columbus (bang Georgia) chuyên phân phối lò nướng ngoài trời dùng khí gaz. 90 % sản phẩm của công ty được bán ở Mỹ, và 96 % sản phẩm nhập từ Trung Quốc.

Việc chuyển nguồn cung ứng các sản phẩm này sang các nước khác sẽ khiến công ty của bà mất ít nhất 30 tháng và hàng chục triệu đô-la Mỹ. Bà Robins nói tại cuộc điều trần: “Hiện không có nước nào, kể cả Mỹ, có khả năng sản xuất đủ số lò nướng mà chúng tôi hoặc thị trường cần”.

Tại cuộc điều trần trước một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ hôm 27/2, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer nói về cuộc đàm phán Mỹ-Trung: “Hai bên còn nhiều việc phải làm trước khi đạt đến một thỏa thuận. Và quan trọng hơn là sau đó, nếu có được thỏa thuận”.

Theo SCMP, các bình luận khác xuyên suốt cuộc điều trần của ông cho thấy Mỹ sẵn sàng duy trì quan điểm cứng rắn, bất chấp sự “năn nỉ” của một số nhà sản xuất Mỹ.

Nữ nghị sĩ Gwendolynne Moore (đảng Dân chủ) nêu một sản phẩm -giúp các cha mẹ mới có con phòng chống triệu chứng trẻ con đột tử- cũng phải chịu mức thuế 10 %, vì nó được sản xuất độc quyền tại Trung Quốc, và công ty Graco ỏ Minneapolis (Mỹ) nhập về.

Bà nói thêm mức thuế tăng 25 % sẽ khiến sản phẩm này “ra khỏi tầm tay của nhiều người tiêu dùng”.

Nhưng ông Lighthizer đáp: “Điều tối thượng là chúng ta phải sản xuất các thứ này ở Mỹ”.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cong-ty-my-ganh-hau-qua-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-quoc-158872.html