Công ty Louis được 'tặng' hơn 4000 m2 đất tái định cư như thế nào?

Sau khi được tách từ công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội, công ty Louis nghiễm nhiên 'được thừa kế' hơn 4000 m2 đất tái định cư tại phường Mỹ Đình 2 (Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) mà không tốn một chút công sức. Việc giải phóng mặt bằng, thu xếp đất tái định cư cho người dân đã có chính quyền lo. Việc của công ty Louis chỉ là tập trung xây dựng chung cư để bán kiếm tiền.

Trong bài viết Cầu Giấy, HN: Chính quyền sốt sắng thu hồi đất thay doanh nghiệp? báo TN&MT đã phản ánh thông tin liên quan tới dự án xây dựng 5 tòa tháp cao tầng bán lấy tiền kiếm lời của công ty cổ phần đầu tư thương mại Louis (công ty Louis) tại lô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO đường Lê Văn Lương (nay được đánh kí hiệu lại là N14, N15). Mặc dù đây là một dự án thương mại nhưng UBND quận Cầu Giấy lại sốt sắng ban hành một loạt văn bản, thông báo thu hồi đất gửi đến các hộ dân giống như đang thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án công ích Nhà nước. Không những vậy, các cấp chính quyền từ quận Cầu Giấy cho tới Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội còn làm thủ tục đề nghị thành phố cấp hơn 4000 m2 đất tái định cư ở quận Nam Từ Liêm cho các hộ dân nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án nêu trên.

Cụ thể, sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Láng Hạ, Thanh Xuân (nay là tuyến đường Lê Văn Lương), năm 2003, TP. Hà Nội đã giao cho Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico – là công ty trực thuộc UBND TP. Hà Nội) thực hiện dự án hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Lê Văn Lương. Sau khi hoàn thành tuyến đường và các hạng mục dự án quan trọng hai bên tuyến đường, Handico đã bàn giao phần còn lại cho thành phố Hà Nội quản lý. Năm 2009, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản giao công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội (một công ty thành viên của Handico) làm chủ đầu tư, lập dự án công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO đường Lê Văn Lương (nay là ô đất N15, N16 với tổng diện tích khoảng 12.062,6 m2).

Lô đất hơn 4000 m2 tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm được bố trí để đền bù cho người dân tại dự án 5.1 – NO và 5.5 – NO đường Lê Văn Lương

Không hiểu công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội lập dự án xây dựng công trình “chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” như thế nào nhưng 09/4/2011, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội đã có công văn báo cáo và đề xuất TP. Hà Nội cấp diện tích đất còn lại trong dự án tái định cư tại lô đất 7.3 và 8.1 (nay thuộc phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tái định cư một phần các hộ dân phải di chuyển tại dự án trên lô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO đường Lê Văn Lương (P, Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Tổng diện tích đề xuất là hơn 4000 m2 đất. Như vậy chúng ta có thể hiểu, dự án này là dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (theo điều 62 luật Đất đai thì Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất - PV).

5 ngày sau khi nhận được công văn của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố, ngày 14/4/2011, UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản chấp thuận chủ trương trên. Từ đó cho đến năm 2015, TP. Hà Nội còn nhiều lần tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo này.

Đến ngày 10/6/2016, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản 3011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Tại quyết định trên, công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội (một công ty thành viên trực thuộc Hadinco – PV) vẫn được giao làm chủ đầu tư, lập dự án xây dựng cái gọi là “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở”. Mục đích dĩ nhiên là để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Với mục đích cao cả như vậy, lẽ dĩ nhiên là quận Cầu Giấy phải đứng ra đảm trách việc giải phóng mặt bằng để thu xếp đất sạch cho dự án. Đồng thời quận Cầu Giấy phải phối hợp với các cơ quan hữu quan làm văn bản kiến nghị, đề xuất thành phố bố trí đất tái định cư cho những hộ dân thuộc diện phải giải tỏa. Điều này không phải bàn cãi.

Văn bản của TP. Hà Nội đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án sang cho công ty Louis

Thế nhưng chỉ hai tháng sau, ngày 11/08/2016, UBND TP. Hà Nội lại có văn bản chấp thuận cho công ty Louis làm chủ đầu tư dự án “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” dựa trên nguyên tắc “kế thừa” khi công ty Louis được tách ra từ công ty cổ phần đầu tư khai thác và kinh doanh Hà Nội. Và nghiễm nhiên, 4000 m2 đất tái định cư tại lô 7.3 và 8.1 thuộc phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội có nguy cơ lọt vào tay công ty Louis.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu quận Cầu Giấy cũng như các cơ quan chuyên môn của TP. Hà Nội không “đánh võng” chính sách để khéo léo tham mưu cho TP. Hà Nội đồng ý chuyển chủ đầu tư dự án “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” từ một công ty nhà nước sang một công ty tư nhân.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao một công ty mới được thành lập cách đây 2 năm, thông tin cũng như hoạt động kinh doanh của công ty gần như không xuất hiện trên internet nhưng lại được TP. Hà Nội tin tưởng giao làm chủ đầu tư một dự án với tổng mức đầu tư lên tới gần 1000 tỷ đồng như vậy? Điều càng trùng hợp hơn khi người đại diện pháp luật của công ty này là ông Lê Văn Vọng – người được cho là ông chủ tập đoàn Lã Vọng, một tập đoàn kinh tế đa ngành đang nổi như cồn trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Vậy có sự liên hệ nào giữa tập đoàn Lã Vọng và công ty Louis? Và liệu có khuất tất gì đằng sau việc chuyển chủ đầu tư dự án “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” từ một công ty trực thuộc UBND TP. Hà Nội sang một công ty tư nhân? Và điều quan trọng nhất là mục đích xây dựng “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” có phải vì mục đích quốc gia, công cộng hay chỉ vì mục đích thương mại thuần túy?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Nhóm PV

Nguồn GĐ&XH: http://baotainguyenmoitruong.vn/tieng-dan/cong-ty-louis-duoc-tang-hon-4000-m2-dat-tai-dinh-cu-nhu-the-nao-1250134.html