Công ty không trả sổ BHXH phải làm sao?

Tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được một số câu hỏi chính liên quan đến quyền lợi của NLĐ về trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc, quy định về tiền ăn giữa ca, về nghĩa vụ của NSDLĐ khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ... Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

NSDLĐ phải chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ khi nghỉ việc. Ảnh: NAM DƯƠNG

Đóng thêm BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu

Bạn đọc có email quyenctxxx@yahoo.com hỏi: Thủ quỹ tại công ty tôi đã đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 4.2017, khi đó bên công ty đã báo dừng đóng BHXH và người này chỉ mới đóng BHXH được 19 năm 5 tháng. Từ đó đến nay, công ty chúng tôi thỏa thuận để cho cô thủ quỹ này tiếp tục làm việc vì vẫn còn sức lao động nhưng không đóng BHXH nữa. Cô này có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí không? Và nếu công ty cho cô nghỉ việc thì có phải trả trợ cấp thất nghiệp không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Khoản 4, BLLĐ 2012 quy định HĐLĐ sẽ chấm dứt khi NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH (ít nhất 20 năm – PV) và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại điều 187 của bộ luật này (55 với nữ và 60 với nam trong điều kiện làm việc bình thường – PV). Do đó, NLĐ nữ này muốn có đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng thì có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu NLĐ nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc (TCTV) do công ty chi trả. Trường hợp của nhân viên thủ quỹ trên hiện chưa được hưởng lương hưu hàng tháng, thì khi nghỉ việc công ty sẽ phải trả TCTV (không phải trợ cấp thất nghiệp) cho NLĐ theo quy định tại điều 48 BLLĐ 2012. Theo đó, thời gian làm việc để tính TCTV là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV. Tiền lương để làm căn cứ tính TCTV là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.

Có giới hạn về tiền ăn giữa ca không?

Bạn đọc có email levinhxxx@gmail.com hỏi: Do nhu cầu thực phẩm cao nên công ty hỗ trợ tiền ăn ca cho các nhân sự là 50.000 đến 100.000 đồng người/ngày tương đương 1.300.000 đồng/tháng đến 2.600.000 đồng/tháng (tính cho 26 công). Có quy định nào giới hạn số tiền ăn ca không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Khoản 4, điều 22, Thông tư 26/2016/BLĐTBXH có quy định: Công ty thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho NLĐ tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Việc thực hiện chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước. Tuy nhiên thông tư trên chỉ áp dụng hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với NLĐ làm vviệc trong công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do đó, nếu công ty của bạn không phải Cty nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì không áp dụng quy định này. Ngoài ra, hiện không có quy định của pháp luật bắt buộc về tiền ăn ca ở các doanh nghiệp là bao nhiêu/ngày. Thông thường quy định này sẽ được đưa vào nội quy lao động hay thỏa ước lao động tập thể của công ty.

Công ty không trả sổ BHXH phải làm sao?

Bạn đọc có email levinhxxx@gmail.com hỏi: Tôi viết đơn xin nghỉ việc từ 22.7.2018. Tôi làm hết 4.9.2018 là đủ 45 ngày, nếu công ty không phản hồi gì thì được nghỉ hợp pháp đúng không? Nếu đủ 45 ngày mà công ty không phản hồi thì tôi lấy sổ BHXH và quyết định nghỉ việc như thế nào? Công ty không ra quyết định thôi việc và không trả sổ BHXH cho tôi thì sao?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Điều 37 BLLĐ 2012 quy định:

1. NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong những trường hợp sau đây: a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ; đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước; e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; g) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 1 điều này, NLĐ phải báo cho NSDLĐ biết trước: a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 điều này; b) Ít nhất 30 ngày nếu là HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc nếu là HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 điều này; c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 điều này thời hạn báo trước cho NSDLĐ được thực hiện theo thời hạn quy định tại điều 156 của bộ luật này. 3. NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại điều 156 của bộ luật này.

Do đó, việc bạn báo trước bao nhiêu ngày khi nghỉ việc còn phụ thuộc vào loại HĐLĐ của bạn và các tình huống cụ thể. Khi bạn nghỉ việc, Cty có nghĩa vụ ra quyết định cho bạn nghỉ việc, chốt, trả sổ BHXH cho bạn. Nếu công ty không làm, bạn có quyền khởi kiện để tòa án tuyên buộc công ty phải thực hiện đúng pháp luật.

NAM DƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/cong-ty-khong-tra-so-bhxh-phai-lam-sao-630576.ldo