Công ty dược Ích Nhân quảng cáo láo về công dụng của sản phẩm

Công ty Ích Nhân thông tin sản phẩm TPCN Khang Dược Sâm có tác dụng như thuốc chữa bệnh khi cho rằng sản phẩm có tác dụng 'điều trị'.

Sử dụng hình ảnh không phù hợp, thông tin sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, nhập nhằng khái niệm đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo trên bao bì, đấy là những dấu hiệu vi phạm rõ ràng đang tồn tại trong sản phẩm Khang dược sâm do Công ty TNHH Nam Dược sản xuất và Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân tiếp thị và phân phối.

Thời gian gần đây, Báo Gia đình và Xã hội liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về những dấu hiệu vi phạm của sản phẩm Khang Dược Sâm đang được bày bán rộng rãi trên thị trường.

Quá trình tìm hiểu của PV được biết, Khang Dược Sâm là một sản phẩm dành riêng cho phái mạnh, do Công ty TNHH Nam Dược (địa chỉ tại Lô M13 (C4-9) KCN Hòa Xá, xã Mỹ Xá, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) sản xuất. Đơn vị tiếp thị và phân phối là Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân (gọi tắt là Công ty Ích Nhân) có địa chỉ tại: Lô A18/D7 KĐT Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo thông tin trên bao bì sản phẩm thì Thực phẩm chức năng (TPCN) Khang Dược Sâm được tạo nên từ 3 thành phần chính gồm: Sâm ngọc linh, cao khô bá bệnh và đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris).

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là loài nấm “cordyceps militaris” mà Công ty TNHH Ích Nhân ghi là đông trùng hạ thảo trên bao bì sản phẩm Khang Dược Sâm thực chất chỉ là nhộng trùng thảo (một loài được nuôi trồng rất dễ dàng).

Liên quan tới vấn đề trên, thông tin trên báo chí, giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng cảnh báo người tiêu dùng cảnh giác và đừng nhầm lẫn đông trùng hạ thảo “xịn” với nhộng trùng thảo.

Theo giáo sư Dũng, đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus.

Ngoài ra, còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng.

Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn. Chỉ phát hiện được đông trùng hạ thảo vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500-5.000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam... (Trung Quốc).

Các phân tích hóa học cho thấy trong sinh khối (biomass) của ĐTHT có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...).

Chi nấm Cordyceps có tới 350 loài khác nhau, chỉ riêng ở Trung Quốc đã tìm thấy 60 loài. Tuy nhiên cho đến nay người ta mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất được về 2 loài Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link.

Loài thứ hai được gọi là nhộng trùng thảo (vì phát triển trên nhộng tằm). Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link là loài rất dễ nuôi (trên cơm và thêm hóa chất) nhưng giá trị dược liệu rất thấp và ở Trung Quốc bán giá rất rẻ, phải mua hàng cân để nấu canh.

"Việc gọi loài nấm nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) là đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) là sai, lừa bịp" - ông Dũng cho biết thêm.

Không chỉ nhập nhằng khái niệm đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo, trên bao bì sản phẩm Khang Dược Sâm, Công ty Ích Nhân còn vô tư sử dụng luôn hình ảnh đông trùng hạ thảo (Cordyceps sinensis) trong tờ thông tin sản phẩm gửi tới tay người tiêu dùng.

Được biết, nhộng trùng thảo có giá bán trên thị trường chỉ tiền triệu/kg, trong khi đó đông trùng hạ thảo rất quý hiếm, giá tỷ đồng/1kg (tùy thời điểm).

Câu hỏi được đặt ra ở đây là người tiêu dùng sẽ phản ứng thế nào khi biết mình bị phía nhà sản xuất là Công ty TNHH Nam Dược và đơn vị tiếp thị, phân phối sản phẩm Khang Dược Sâm – Công ty Ích Nhân lừa dối trong suốt một thời gian dài.

Bên cạnh việc nhập nhằng khái niệm đông trùng hạ thảo với nhộng trùng thảo, Công ty Ích Nhân còn thông tin sản phẩm TPCN Khang Dược Sâm có tác dụng như thuốc chữa bệnh khi cho rằng sản phẩm có tác dụng “điều trị”.

Nguồn: Theo Gia đình và Xã hội

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/thoi-su/cong-ty-duoc-ich-nhan-quang-cao-lao-ve-cong-dung-cua-san-pham-768611.html