Công ty Đức vướng vào rắc rối vì lệnh trừng phạt Nga

Công ty Siemens bán tuabin khí để chạy phát điện cho một công ty Nga và giờ đây tuabin khí đó đang ở Crimea, Siemens bị phạt.

RT hôm 11/7 thông tin, Tập đoàn Siemens của Đức đang vướng vào một rắc rối với công ty Technopromexport, thuộc sở hữu của Công ty Nhà nước Rostec của Nga và nhiều khả năng sẽ làm đơn kiện công ty này vi phạm hợp đồng.

Vụ việc bắt đầu từ việc Technopromexport mua 2 tuabin khí để chạy nhà máy điện của Siemens và chuyển nó tới Crimea dù cam kết chuyển tới Taman, miền Nam nước Nga vào mùa hè năm ngoái.

Tập đoàn Siemens , Đức vướng rắc rối với lệnh trừng phạt.

Công ty Đức cho biết các tuabin được sản xuất tại Siemens Gas Turbine Technologies LLC, có trụ sở tại St Petersburg của Nga. Sau khi mua 2 thiết bị này và chuyển tới Taman, công ty của Nga đã chuyển tới bán đảo Crimea để phục vụ nhà máy điện đang được xây dựng ở đây mà phía Siemens không hề biết.

Điều đáng nói là nhà máy sản xuất Siemens có trụ sở ở Nga, do Siemens sở hữu 65% và việc công ty Đức đưa sản phẩm tới bán đảo Crimea là điều nằm trong lệnh trừng phạt mà châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga.

Theo trang Süddeutsche Zeitung, lãnh đạo của Tập đoàn Siemens khẳng định 2 trong số 4 tuabin được giao vào mùa hè năm ngoái không tới Crimea mà tới Taman.

"Trong vài tháng gần đây, khách hàng của chúng tôi đã khẳng định với chúng tôi rất nhiều lần bằng văn bản rằng việc chuyển hàng đến Crimea sẽ không xảy ra. Điều này cho tới nay là vi phạm hợp đồng. Do đó, Siemens sẽ khởi kiện tội hình sự chống lại các cá nhân có trách nhiệm và thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa tuabin trở lại đúng Taman" - công ty cho biết.

Nhân vụ việc này, các kênh chính trị cũng sẵn sàng tham gia vào một vụ tranh chấp với Nga, và nếu trong trường hợp này, nhóm lãnh đạo của Tập đoàn nên "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất" - tờ Süddeutsche Zeitung nhận xét.

Ủy ban Đông Âu bảo vệ Siemens trước các cáo buộc cho rằng công ty đã "phớt lờ các biện pháp trừng phạt".

Giám đốc của Ủy ban - ông Mihaelya Harmsa cho rằng, Tập đoàn "thực hiện đúng quy định đưa ra đối với lệnh trừng phạt".

Còn phía Nga thì khẳng định, các tuabin đang được sử dụng ở Crimea được sản xuất trong lãnh thổ Nga và điều này khiến lệnh trừng phạt không hề có cơ sở.

Taman cách Crimea chỉ vài km và nằm trong khu vực Krasnodar của Nga. Đây là địa điểm của một nhà máy điện chạy bằng than trong tương lai nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của người dân ở bán đảo Crimea theo lời hứa của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi sáp nhập bán đảo vào năm 2014.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak cho biết vào ngày 10/7 tại Istanbul rằng việc xây dựng hai nhà máy điện ở Crimea sẽ tiếp tục, bất chấp vụ kiện tụng trên.

Phản ứng mạnh mẽ của Tập đoàn Đức đối với vụ việc khi yêu cầu khởi kiện công ty Nga đã gây lo ngại về tương lai đầu tư của các doanh nghiệp Đức ở Nga.

Rüdiger von Fritsch, Đại sứ Đức tại Moscow, đã cảnh báo rằng vụ việc có thể ngăn cản các nhà đầu tư từ Nga vào Đức và ngược lại.

Hãng tin Interfax dẫn lời ông: "Có nhiều lý do để tin rằng nếu điều đã xảy ra là đúng, Siemens đã bị lừa dối nghiêm trọng. Đó là một sự vi phạm hợp đồng, một cú đánh mạnh mẽ đối với niềm tin và một cú đánh rất nghiêm trọng đối với các khoản đầu tư ở Nga".

Công nhân sản xuất thuộc nhà máy Siemens với một tuabin khí.

Tờ Financial Times bình luận, dẫn lời hai luật sư tại Moscow cho biết sự phát triển của vụ việc tới nay đã mang lại những rủi ro mà các công ty châu Âu phải đối mặt trong việc kinh doanh tại Nga mặc dù nhiều người đã xem các biện pháp trừng phạt như một phần của cuộc sống hàng ngày.

Bất kỳ công ty châu Âu nào kinh doanh với một công ty của Nga đều cần lưu ý rằng họ phải có trách nhiệm xác nhận sự thật về khách hàng cuối cùng, vị trí cuối cùng của sản phẩm mà họ bán.

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu với Nga cũng ghi rõ việc các công ty châu Âu không được phép bán bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào liên quan đến cơ sở hạ tầng ở lãnh thổ Crimea.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cong-ty-duc-vuong-vao-rac-roi-vi-lenh-trung-phat-nga-3339055/