Công ty đa quốc gia muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam

Ngày 24-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp tổ chức hội nghị 'Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững', với sự hỗ trợ bởi Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME).

Tại hội nghị, đại diện một số DN đã cùng trao đổi, thảo luận để cùng tìm hiểu những kỳ vọng và yêu cầu của các DN đầu chuỗi; tìm các giải pháp giúp DN ứng phó ngay với những thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng, chủ động nắm bắt các cơ hội thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, làm thế nào để tăng cường liên kết giữa khu vực DN FDI với DN khu vực tư nhân trong nước; thúc đẩy hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn thừa nhận thực tế, sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam còn rất hạn chế. Nguyên nhân do các DN FDI, DN lớn thường đã có sẵn hệ sinh thái riêng đi theo và có chuỗi cung ứng sẵn sàng, hoặc tự phát triển chuỗi khép kín.

Bên cạnh đó, do quy mô nhỏ bé nên đa số các DN nhỏ và vừa Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất nên các DN Việt rất khó “chen chân” để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.

Thực tế, tại hội nghị với sự tham dự của hàng trăm DN, nhưng khi được hỏi có bao nhiêu DN đã cung cấp được vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam thì chỉ có 2 DN xác nhận là đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung và Panasonic. Con số này lần nữa cho thấy, tỷ lệ DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn quá ít.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao của Canon Việt Nam cho biết, hiện công ty đa quốc gia này có 340 nhà cung cấp trên toàn cầu, trong đó tại Việt Nam có 147 nhà cung cấp. Trong số này có 20 nhà cung cấp thuần Việt Nam.

“Con số này cũng chưa tăng lên trong mấy năm qua. Canon đã nội địa hóa 65% nhưng phần lớn lại “rơi” vào các DN FDI. Canon hiện có 59 hạng mục cần nội địa hóa tại Việt Nam, cần rất nhiều nhà cung cấp. Vấn đề là hiện nay các nhà cung cấp thuần Việt mới chỉ cung cấp ở linh kiện nhựa – đây là lĩnh vực dễ làm nhất, trong khi Canon có nhiều linh kiện, chủng loại khác nhau. Chúng tôi hy vọng tìm được những nhà cung cấp mới tham gia vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Canon,” bà Đào Thị Thu Huyền nói.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam, Samsung Việt Nam đang có khoảng 59 nhóm hàng linh kiện nội địa. Các nhà cung cấp ở Việt Nam mới dừng lại ở một số linh kiện nhựa, in ấn… trong khi Samsung cần hơn 400 linh kiện. Tính cạnh tranh của DN là giá thành và chất lượng sản phẩm.

Song việc thay đổi dây chuyền, công nghệ là một trong những thách thức lớn đối với DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các DN nước ngoài đều mong muốn các nhà cung cấp liên tục cải tiến để trở thành bạn đồng hành với các DN trong chuỗi cung ứng. Các DN nên tìm tòi để cung cấp những linh kiện mới, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ sư để bảo đảm tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng giám đốc bộ phận mua hàng toàn cầu, Panasonic Việt Nam cho biết, các DN FDI rất tích cực và muốn hợp tác với DN Việt Nam, tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của công ty cũng rõ ràng, chỉ cần DN Việt Nam đáp ứng được, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng của mình thì có thể tham gia vào chuỗi.

Theo bà Dương Liên, Phó Giám đốc Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ cho biết, DN Việt Nam còn nhiều vướng mắc trong kết nối, trong đó vấn đề quan trọng là năng lực chưa sẵn sàng. Việt Nam vẫn thường nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để sản xuất. Đơn cử như ngành may mặc nhập khẩu 70-80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm, dược phẩm nhập 85-90%.

Ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70-80% chi phí sản xuất. Do đó, để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển, cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, Việt Nam cần chuẩn bị ngay những điều kiện như: chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực - số lượng và chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để các DN có thể tham gia vào chuỗi liên kết, Bộ KH&ĐT phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Về chính sách cụ thể, thời gian tới, các bộ, ngành sẽ tập trung giúp đỡ DN về cơ sở kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị cao cấp, sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ đào tạo chuẩn hóa DN…

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/cong-ty-da-quoc-gia-muon-tim-kiem-doi-tac-tai-viet-nam-604225/