Công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhận 130 triệu USD sau vụ kiện

Công ty Núi Pháo cho biết đã nhận đủ khoản tiền 130 triệu USD từ đối tác Australia trên cơ sở phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore hồi tháng 3.

Ngày 10/9, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, doanh nghiệp do Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) thuộc tập đoàn Masan sở hữu 100% vốn thông báo đã dàn xếp xong vụ kiện với Jacobs E&C Australia Pty Ltd, công ty con tại Australia của Jacobs Group. Phía Jacobs đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD cho Núi Pháo.

Vụ kiện trọng tài này liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa Khoáng sản Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 phục vụ dự án Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên. Dây chuyền chế biến này hoàn thành trong năm 2015 và 2016.

Ngày 28/3, hội đồng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore đưa ra phán quyết chung thẩm từng phần, trong đó chấp thuận yêu cầu Jacobs bồi thường cho Núi Pháo.

Bên cạnh đó, hội đồng trọng tài cũng xem xét các yêu cầu về tiền lãi phát sinh và chi phí tố tụng trọng tài.

Trong công bố của Jacobs Australia hồi tháng 3, doanh nghiệp cho biết Núi Pháo đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore ngày 30/9/2015. Hai bên đã có 3 tuần điều trần trước Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore, kết thúc ngày 15/12/2017.

Jacobs theo đó phải bồi thường thiệt hại cho Núi Pháo số tiền khoảng 95 triệu USD, bên cạnh các khoản tiền lãi phát sinh, chi phí tố tụng. Các khoản bồi thường khác được bảo mật.

Cũng theo thông tin từ Jacobs, phần lớn khoản bồi thường này công ty có thể thu lại từ bảo hiểm.

Trong thông báo của Masan Resources ngày 10/9, doanh nghiệp cho biết sau khi Jacobs thanh toán 130 triệu USD, Núi Pháo sẽ chấm dứt vô điều kiện việc thực hiện các quyền theo phán quyết chung thẩm từng phần cùng tất cả yêu cầu và hành động khác liên quan đến vụ kiện tại trọng tài quốc tế.

Hình ảnh về mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên. Ảnh: Masan.

Hình ảnh về mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên. Ảnh: Masan.

Được phát hiện lần đầu vào cuối những năm 1990, mỏ Núi Pháo nằm ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã trải qua nhiều chủ sở hữu trước khi được tiếp quản bởi Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Năm 2004, công ty Núi Pháo được thành lập và được cấp giấy phép khai thác sau một năm. Thời điểm này, đối tác nước ngoài là Tibron Canada nắm 70% vốn, phía Việt Nam chiếm 30%. Năm 2007, Tibron bán lại Núi Pháo cho Quỹ đầu tư Dragon Capital. Nhưng Dragon Capital cũng không lo đủ vốn. Dự án buộc phải tạm dừng hoạt động năm 2008.

Đến tháng 2/2010, Masan mua lại phần vốn của Dragon Capital tại Núi Pháo. Tháng 8 năm ngoái, Masan Resources chi 29,1 triệu USD mua lại 49% cổ phần của đối tác H.C.Starck GmBH (Đức) để sở hữu 100% công ty Núi Pháo.

Núi Pháo là một trong những mỏ khai khoáng lớn nhất Việt Nam với trữ lượng khoảng 66 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng trên diện tích 720 ha. Tính đến năm 2018, Masan đã đầu tư 1 tỷ USD vào dự án Núi Pháo với mục tiêu chiếm lĩnh 50% thị trường vonfram thế giới (không tính Trung Quốc).

6 tháng đầu năm, giá vonfram giảm tới 19%. Một trong những lý do Masan đưa ra là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng nhu cầu và tạo áp lực giảm giá toàn bộ sản phẩm Masan Resources đang kinh doanh. Doanh thu của Masan Resources do đó sụt giảm tới 17% còn 2.690 tỷ đồng.

Soi độ giàu của 4 tỷ phú Việt trong so sánh với khu vực Việt Nam có 4 tỷ phú USD trong khi số tỷ phú của Philippines là 12 và của Thái Lan lên tới 30 người. Tổng tài sản 4 tỷ phú Việt là 10,5 tỷ USD, cũng thấp nhất trong khu vực.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cong-ty-cua-ty-phu-nguyen-dang-quang-nhan-130-trieu-usd-sau-vu-kien-post987901.html